Đưa nước sạch, tạo việc làm cho vùng nghèo

Thứ tư, ngày 13/07/2011 16:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chúng tôi không chỉ hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo có việc làm, mà còn giúp họ không phải uống nước kinh rạch trong những tháng mùa khô” - ông Bùi Hữu Nghĩa - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Đại, Bến Tre cho biết.
Bình luận 0

Đến tháng 6.2011, xã Vang Quới Đông còn 21,6% hộ nghèo (320 hộ). Đã vậy, trước năm 2008, người dân ở đây phải múc nước kinh rạch lên lóng phèn, lóng bùn sử dụng. Vào mùa khô bị mặn xâm nhập, nhà nào khá giả còn có phương tiện trữ nước mưa dùng, còn đa phần hộ nghèo phải bỏ tiền mua từ các xe bồn chở ở nơi khác đến với giá 60.000 đồng/m3.

img
Từ tiền Ngân hàng CSXH cho vay, anh Đoàn Hữu Nghĩa đã mở cơ sở sản xuất đồ gỗ.

Có nước sạch...

Năm 2008, huyện Bình Đại đầu tư xây dựng nhà máy nước ở xã Thới Lai. Do xa giếng nước hơn 5km nên chỉ có 549 hộ của Vang Quới Đông ở gần đường mới có điều kiện sử dụng nguồn nước này, còn 2/3 số hộ trong xã vẫn sử dụng nước kinh rạch. “Năm 2010, chúng tôi đầu tư vốn chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho xã Vang Quới Đông tiếp tục cải thiện môi trường sống cho 180 hộ nghèo xã này”- ông Nghĩa cho hay.

Đưa chúng tôi đi thăm nhà tắm và nhà vệ sinh tự hoại và mấy bể chứa nước mưa được xây từ vốn vay ngân hàng, chị Nguyễn Thanh Tâm phấn khởi nói: “Nếu không được ngân hàng cho vay tiền, vợ chồng tôi làm sao vừa làm công trình vệ sinh, vừa xây bể chứa gần chục m3 nước mưa này”.

Tọa lạc ngay trung tâm xã, trước năm 2010, gia đình anh Phan Văn Liêu cùng hàng chục hộ nghèo khác mỗi sáng khi mặt trời chưa thức đã phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ vắng để giải quyết “đầu ra” sinh học. “Nay gia đình tôi không những có nước máy sử dụng lại được Ngân hàng CSXH cho vay tiền làm nhà tắm, nhà vệ sinh”- ông Liêu thật thà nói.

Ông Cao Hoài Nhỏ - Phó Chủ tịch UBND xã Vang Quới Đông thông tin: “Đến năm 2011, ngoài 549 hộ sử dụng nước máy, 796 hộ còn lại đều xây bể chứa nước mưa dung tích đủ dùng suốt mùa khô, 700/1.354 hộ (51,3%) xây được nhà tắm kết hợp vệ sinh tự hoại”.

Có việc làm

Xã Phú Long có 130ha mặt nước nuôi thủy sản, nhưng vẫn còn trên 16% hộ nghèo. Ông Huỳnh Văn Dũng- Chủ tịch Hội ND xã Phú Long cho biết, đa phần bà con nghèo vì không hoặc có rất ít đất sản xuất lại thiếu việc làm. Để hỗ trợ 127/278 hộ nghèo là hội viên ND sớm thoát nghèo bền vững, Hội ND xã cùng với Ngân hàng CSXH huyện thành lập 5 tổ tiết kiệm và vay vốn (TVV&TK), đến tháng 6.2011, dư nợ tín dụng của các thành viên TVV&TK Hội ND là 1,5 tỷ đồng.

Đến ngày 31.6.2011, dư nợ tín dụng của 8 chương trình Ngân hàng CSXH huyện đạt 133 tỷ đồng cho 17.591 hộ thành viên của 424 TVV&TK vay.

Gia đình anh Đoàn Hữu Nghĩa, ở ấp 1 chỉ có 2.000m2 đất trồng 60 cây dừa và có nghề thợ mộc. “Cuối năm 2008, tôi được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Dành 10 triệu đồng mua bào, cưa, khoan… còn lại tôi mua vật tư để mở xưởng mộc” - anh Nghĩa kể.

Ngoài đóng bàn ghế, đồ dùng phục vụ bà con trong ấp, trong xã, năm 2011, anh sản xuất thêm khuôn quạt làm giá đỡ phao hệ thống tạo ụ-xi ao nuôi tôm bán công nghiệp. Thời điểm tháng 7 này, giá một bộ khuôn 55.000 đồng, trừ chi phí lãi 5.000 đồng, trung bình mỗi ngày vợ chồng anh đóng được 25 bộ mà vẫn không làm kịp đơn đặt hàng. “Gia đình tôi đã xóa nghèo xong rồi”- anh Nghĩa phấn khởi khoe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem