Nhìn căn nhà khang trang, với những tiện nghi đắt tiền, ít ai biết rằng chỉ cách đây 4 năm, gia đình bà Hồ Thị Hương (thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà) là một trong số những hộ nghèo ở địa phương.
|
Đàn trâu của chị Phạm Thị Duân, ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ mua từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện. |
Có tiền gửi lại ngân hàng
Bà Hương kể: “Hồi trước, nhà đông con, đất sản xuất ít, điều kiện kinh tế quá khó khăn, nên dù quanh năm suốt tháng lao động vất vả nhưng cái đói nghèo vẫn cứ bám mãi gia đình tôi. Đầu năm 2010, từ số tiền 25 triệu đồng mà cán bộ Ngân hàng CSXH đến tận nhà cho vay, rồi được cán bộ xã bày cách làm ăn, tôi làm chuồng nuôi lợn. Từ đó nhà tôi có tích lũy, không chỉ trả được nợ ngân hàng, mà còn thừa 100 triệu đồng gửi tiết kiệm ở Ngân hàng CSXH”.
Cũng từ số tiền vay 25 triệu đồng vào năm 2009 của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Tây Trà, ông Hồ Văn Đạt (thôn Đông, xã Trà Trung) đầu tư nuôi bò và trồng rừng, thu lợi nhuận đã trên 70 triệu đồng. Không riêng gia đình bà Hương, ông Đạt, hàng trăm hộ khó khăn ở các miền núi Quảng Ngãi đã thoát nghèo và mỗi năm còn có tích lũy hàng chục triệu đồng từ đồng vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH cho vay để đầu tư vào sản xuất.
Cho vay vốn, bày cách làm ăn
“Do nhận thức còn hạn chế nên nhiều đồng bào ở miền núi không muốn vay tiền ngân hàng vì sợ không trả được. Một số hộ thì muốn vay nhưng không biết thủ tục, quy định thế nào. Vì vậy từ nhiều năm qua, cứ đều đặn hàng tuần cán bộ và nhân viên lại chia nhau về tận các xã, thôn, làng để hỗ trợ người dân tiếp cận và giúp đỡ những ai có nhu cầu làm thủ tục vay vốn" - ông Hồ Văn Nghĩa - Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh huyện Tây Trà cho biết.
“Từ số tiền 25 triệu đồng cán bộ Ngân hàng CSXH đến tận nhà cho vay, rồi được cán bộ xã bày cách làm ăn nên mình làm chuồng nuôi lợn. Từ đó mình không chỉ trả được nợ ngân hàng, mà còn thừa 100 triệu đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng”.
Bà Hồ Thị Hương
Nhiều cán bộ Ngân hàng CSXH các huyện miền núi kể: Trước kia, dù nói thế nào, nhiều người cũng lắc đầu: "Mình không biết làm gì nên sợ vay không trả được tiền cho nhà nước". Một số hộ thì đồng ý "mượn tiền" với điều kiện cán bộ ngân hàng phải bày cho cách làm ăn, mua con gì, trồng cây gì.
Để vốn vay phát huy được hiệu quả, đồng thời người dân trả nợ đúng thời hạn, cán bộ các chi nhánh Ngân hàng CSXH đã chủ động phối hợp với bộ phận chuyên môn các cấp để trợ giúp, hay tự học hỏi, tìm hiểu những vật nuôi, cây trồng phù hợp nhằm tư vấn cho bà con. Nhờ sự tư vấn hiệu quả mà tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các chi nhánh Ngân hàng CSXH ở các huyện miền núi trong tỉnh đều dưới tỷ lệ cho phép là 1%. Trong đó riêng chi nhánh Tây Trà, tỷ lệ nợ xấu trong cho vay sản xuất chỉ có 0,33%.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.