Kẹt xe, dòng người chen nhau từng tí một, làm cách nào cũng không đi nhanh hơn được, thế mà người sau vẫn bấm còi thúc giục người đi trước. Cứ thế tiếng còi ầm ĩ át đi cả tiếng máy. Người tham gia giao thông vốn đã bực bội cảnh tắc đường nay càng căng thẳng hơn khi bị người đằng sau bấm còi thúc giục. Cảnh tắc đường vì đó trở nên gay gắt, bức bối hơn.
Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Phương Anh, một người dân ở quận 4, TP.HCM cho biết: “Tôi nghĩ phải xử lý thật nặng đối với những tài xế lái xe bấm còi inh ỏi. Bản thân tôi đã phải hứng chịu những tiếng còi như thế, tôi giật bắn cả người, tai ù và đau kinh khủng”.
Không chỉ trên đường phố đông đúc, ra tới đoạn đường vắng người ta vẫn giữ thói quen bấm còi. Nhiều thanh niên có tính quậy phá vừa rú ga vừa rú còi rộ lên làm cho người đi đường bị phen nhức tai. Giờ đây, người ta ám ảnh còi xe bởi cứ nhích lên vài bước là lại nhấn còi mà không biết có hiệu quả hay không. Bấm còi và nghe tiếng còi dần trở thành thói quen của không ít người. Người lái xe nhấn còi theo phản xạ, theo ý thích của mình đến mức chẳng cần quan tâm có nên còi ở thời điểm đó hay không? Tiếng còi phát ra bất cứ giờ nào, bất kể đó là khu bệnh viện hay trường học. Dẫu rằng vậy… người ta vẫn thích bấm còi.
Thực tế cho thấy, tình trạng người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông lắp đặt và sử dụng còi xe sai quy định đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Cách đây không lâu, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc đang đi xe máy cùng chiều với chiếc xe tải giật mình vì tiếng còi quá lớn. Hậu quả là chị bị ngã xuống đường và bị bánh sau của xe tải đè qua. Mới đây, em Đinh Phương Vi đang đi cùng mẹ hoảng hốt vì tiếng còi ô tô ngã xuống đường và bị chính chiếc xe này cán chết. Những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến còi hơi liên tục xảy ra gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Văn Hùng - một người dân sống ở quận 7, TP.HCM nhận xét: “Tôi rất bức xúc trước tình trạng xe ô tô, thậm chí cả xe máy trong nội thành dùng còi hơi kêu to khủng khiếp. Tôi hy vọng những trường hợp này sẽ bị xử lý nghiêm và không còn những cái chết thương tâm xảy ra nữa”.
Theo Cục Đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải, âm lượng còi xe các phương tiện khi tham gia giao thông dao động từ 90 đến 115 decibel. Nhưng thực tế, có nhiều ô tô gắn các loại còi hơi, còi kích âm lên tới 250 decibel, gấp 2,5 lần so với bình thường. Điều này vi phạm các quy định bị nghiêm cấm của Luật Giao thông đường bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông. Để ngăn chặn tình trạng còi ô tô, xe máy âm lượng quá to thì ngoài việc tăng cường công tác tuần tra xử lý của cảnh sát giao thông, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn về sử dụng còi xe và tăng mức xử phạt đối với những vi phạm để răn đe, giáo dục, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Chính vì vậy, việc sử dụng còi xe hợp lý cũng là một nét văn hóa, là ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội cần được quan tâm đúng mức.
Lao Động (Theo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.