NTNN giới thiệu bài viết của GS-TS Nguyễn Khánh Trạch - Chủ nhiệm bộ môn Nội, ĐH Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Tiêu hoá Việt Nam về vấn đề này.
Bệnh rình rập phát tác
|
Dịp Tết, lễ hội càng cần phải ăn uống điều độ (ảnh minh họa). |
Các bạn đều biết, trong dịp Tết và lễ hội mùa xuân, con người ta thường ăn uống nhiều hơn, nhưng vệ sinh trong chế biến lại kém đi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các điều kiện tối thiểu về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm. Do đó, nếu không cẩn thận, người dân sẽ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh về đường tiêu hoá. Một trong những chứng bệnh thường gặp là:
- Bệnh nhiễm trùng do ăn uống mất vệ sinh, đây cũng là căn bệnh phổ biến thường gặp nhất vào dịp Tết đến, xuân về.
- Các bệnh do rượu gây ra. Việc uống nhiều rượu có thể gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ với những người có tiền sử bệnh gan, mà còn tác hại không kém kể cả với những người có sức khoẻ tốt. Đấy là chưa nói đến tình trạng nhiều người uống phải các loại rượu giả thì hậu quả rất khó lường.
- Bệnh về khó tiêu, nguyên nhân chính thường là do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều chất đạm… hoặc ăn quá nhiều thức ăn trong cùng một bữa ăn.
- Tiếp theo là các căn bệnh liên quan đến dạ dày như: Viêm dạ dày, chảy máu, lở loét dạ dày… Bệnh này có thể bùng phát rất nhanh khi người bệnh uống quá nhiều rượu và ăn uống không vệ sinh.
- Cuối cùng là các bệnh về đường ruột. Người đã mắc sẵn các bệnh đường ruột nếu ăn uống không kiêng khem, thường xuyên ăn đồ cay, sống, lạnh… thì bệnh sẽ bùng phát rất nhanh.
Trong số những bệnh thường gặp trên thì người dân thường gặp chủ yếu là các bệnh về đường tiêu hoá, sau đó mới đến các bệnh về dạ dày. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là các bệnh do rượu gây ra như bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan… Nếu gan bị độc tố rượu xâm nhập nhiều thì dễ dẫn đến tử vong.
Vui vẻ vẫn nên điều độ…
Để giảm sự hấp thụ của cơ thể với độc tố rượu, bạn có thể sử dụng một số thuốc như: Eganin chuyển hoá giúp tế bào gan không bị nhiễm độc tố của rượu. Ngoài ra, bạn có thể Arginine để phá huỷ các phân tử rượu, giảm thiểu khả năng hấp thụ độc tố rượu vào trong cơ thể. Hai loại thuốc này nên uống trước khi uống rượu. Nếu đã bị say rượu, bạn cũng có thể uống một cốc nước đường hoặc ăn mía tươi, điều này sẽ giúp bạn dã rượu nhanh chóng.
Bệnh tật nhiều và nguy hiểm như vậy nên người dân phải biết tự kiểm soát thông qua chế độ ăn. Chế độ ăn uống của một người trong một ngày bình thường là: 1gr chất đạm, 1gr chất mỡ, 4gr chất đường (tỉ lệ 1-1-4).
Nhưng vào dịp Tết và lễ hội, việc bảo đảm để duy trì tỉ lệ này là rất khó, nếu không đảm bảo được tỉ lệ như trên thì cũng cần duy trì chế độ ăn uống xấp xỉ ở tỉ lệ 1-1-3, hoặc 1-1-2, chứ nhất định không thể ít hơn.
Đặc biệt cũng cần bổ sung các loại thức ăn liên quan đến rau củ quả, tránh việc ăn quá nhiều thức ăn giàu chất đạm. Việc ăn quá nhiều hay quá ít trong dịp Tết cũng sẽ gây rối loạn hệ tiêu hoá hoặc dẫn đến đột quỵ do cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động.
Đối với những người khoẻ mạnh cần phải giữ gìn, không nên ăn uống quá đà. Cũng không nên vì sự khích bác của bạn bè mà uống quá nhiều rượu. Điều này ngoài việc làm bùng phát các bệnh về nội khoa thì còn gây nên hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần và thể xác như: Cãi vã, xô xát, gây tai nạn giao thông ảnh hưởng đến tính mạng.
Đặc biệt với những người vốn đã có tiền sử bệnh tật cần phải hết sức giữ gìn. Một số chứng bệnh nặng về gan nhiễm mỡ, bệnh gut, bệnh tim là những căn bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao. Do đó, những người có tiền sử về bệnh này cần phải chủ động giữ gìn và người nhà cũng cần nhắc nhở để bệnh nhân không vượt quá mức cho phép.
Như vậy dù bạn là người có bệnh hay không có tiền sử bệnh tật cũng không được chủ quan, phải hết sức lưu ý bảo vệ sức khoẻ. Đừng để đầu xuân năm mới lại phải nhập viện thì mới thấy hối tiếc và tự trách mình là “có biết mà không tránh”.
GS-TS Nguyễn Khánh Trạch
Vui lòng nhập nội dung bình luận.