Dựng lại “Mùa hạ cuối cùng”: Những điều tử tế không bao giờ mất

Thứ bảy, ngày 20/07/2013 09:24 AM (GMT+7)
NSƯT Chí Trung đã đầu tư rất nhiều tâm huyết cho “Mùa hạ cuối cùng” cũng như anh đã từng miệt mài với vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ cũng được Đoàn kịch II của anh dàn dựng vài tháng trước đây.
Bình luận 0
Chuẩn bị cho liên hoan sân khấu các tác phẩm của Lưu Quang Vũ vào tháng 9 tới, Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đang đưa lên sàn tập vở “Mùa hạ cuối cùng” với sự đầu tư công phu, nhiệt huyết. Như thường lệ, NSƯT Chí Trung đảm bảo: “Nếu không hay là lỗi tại chúng tôi”.
Vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ được dựng lại trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ năm 2013.
Vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ được dựng lại trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ năm 2013.

Sống lại 30 năm trước
Với những nghệ sĩ đã từng gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ từ ngày đầu thành lập, vở kịch “Mùa hạ cuối cùng” của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ do NSND Phạm Thị Thành dàn dựng năm 1984 là một kỷ niệm không dễ phai mờ. Vở diễn đã từng gây tiếng vang, song cũng đem đến nhiều nỗi long đong, lận đận cho tập thể các tác giả.
NSND Phạm Thị Thành nhớ lại: “Tôi dựng vở “Mùa hạ cuối cùng” cho lứa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ mà sau này đều đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi như Lê Khanh, Chí Trung, Đức Hải, Minh Hằng, Ngọc Huyền... Hồi đó, tôi được anh Lưu Quang Vũ tin cậy giao cho làm đạo diễn tới 20 vở diễn từ kịch bản của anh vì chúng tôi rất thân và hiểu nhau. Chúng tôi cứ say mê, cứ sáng tạo và chủ quan suy nghĩ ai cũng giống như mình, nghĩ và làm bằng một trái tim thiện, thẳng thắn nên chẳng cần ngó nghiêng, “kiêng kỵ”. Đến lúc vở công diễn, có vị quan chức xem xong đã kết tội các tác giả “bôi nhọ 17 cơ quan nhà nước” và liệt kê tên rất cụ thể khiến chúng tôi phát hoảng. Cũng may chúng tôi còn có những người khác có địa vị hiểu và chia sẻ, đứng ra “đỡ đạn” cho không thì cũng bị một dịp liểng xiểng vì tai nạn nghề nghiệp!”.
“Mùa hạ cuối cùng” là một vở diễn mượn đề tài tiêu cực trong giáo dục thi cử ở một ngôi trường nọ để nói đến điều lớn hơn, đó là sự khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống, mất chỗ dựa tinh thần của thế hệ trẻ vào các bậc cha chú khi những điều họ được dạy dỗ khác xa với những điều họ được chứng kiến. Vở diễn đã được đông đảo khán giả đón nhận, tạo nên một không khí rất sôi nổi trong đời sống sân khấu thời điểm ấy. “Kịch của anh Vũ bao giờ cũng đem đến cho người xem những tình huống bất ngờ, những câu thoại đắt giá khiến người ta bị cuốn hút tới mức mê say như chính họ đang tham gia vào vở diễn và quên cả đi không gian xung quanh mình. Tôi vẫn còn nhớ trong vở diễn, có cảnh nhân vật Châu do Đức Hải thể hiện đứng lên và giơ tay hướng về khán giả và nói: “Dừng lại! Giả dối! Tất cả đều là giả dối!” Khắp cả rạp, người xem lặng đi, quên cả vỗ tay như thường lệ”- NSND Phạm Thị Thành nhớ lại.
Mãi mãi sự tử tế
Bắt đầu lên sàn tập từ cuối tháng 6, các diễn viên đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ dồn rất nhiều tâm huyết cho vở diễn này. Phần vì họ muốn được làm nghề một cách chỉn chu, phần vì đây còn là 1 trong 2 vở diễn Nhà hát sẽ đưa đi tham dự liên hoan các tác phẩm của Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức vào đầu tháng 9 tới. Ngoài vở “Mùa hạ cuối cùng”, đoàn kịch hình thể do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn cũng đang dựng vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” để cùng tham dự sự kiện kỷ niệm 25 năm ngày nhà viết kịch tài ba mãi mãi ra đi.
NSƯT Chí Trung- đạo diễn vở “Mùa hạ cuối cùng” phiên bản 2013 cho biết: “30 năm đã qua đi kể từ ngày chúng tôi diễn vở này, cuộc sống có quá nhiều sự thay đổi, nhưng những điều tử tế mà kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thì vẫn còn mãi mãi. Bản thân tôi là một người cực kỳ mê kịch của anh Vũ nên đã suy nghĩ khá kỹ khi lựa chọn kịch bản này. Chúng tôi muốn hướng đến khán giả trẻ của ngày hôm nay, những tiêu cực, gian dối trong thi cử, những bất cập trong đời sống vẫn đang diễn ra hàng ngày, phải có một cách nào đó để đánh thức những gì tốt đẹp, trong trắng, ngay thẳng trong trái tim họ. Điều đó thực sự quan trọng nếu chúng ta nhìn xa hơn về tương lai”.

"Sức sống kịch Lưu Quang Vũ còn mãi, rất dài lâu bởi những giá trị nhân văn, những điều tốt đẹp và sự tử tế trong kịch bản của anh đề cập tới là vấn đề muôn thuở của đời sống. Nó không bao giờ bị lỗi mốt, bị chuội đi”.
NSƯT Chí Trung

NSƯT Chí Trung đã đầu tư rất nhiều tâm huyết cho “Mùa hạ cuối cùng” cũng như anh đã từng miệt mài với vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ cũng được Đoàn kịch II của anh dàn dựng vài tháng trước đây. Nhà hát đã thuê nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc làm nhạc riêng cho vở, họa sĩ Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật để có được một sân khấu gần hơn với đời sống hiện đại. “Tất cả đều đã được khởi động một cách tốt nhất, nếu vở diễn không đáp ứng được mong mỏi của khán giả thì chắc chắn lỗi là tại nghệ sĩ chúng tôi thôi”- đạo diễn tâm sự.
Mối lo duy nhất của Chí Trung là làm sao để cho thế hệ diễn viên trẻ hôm nay hiểu và cảm nhận được những giá trị nhân văn sâu xa trong vở chính kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ sau một thời gian đã chạy quen trên “đường ray” hài kịch. “Biết là khó với các nghệ sĩ trẻ nhưng tất cả chúng tôi đều phải cố gắng, cũng có thể xem như đây là một dịp để các em trẻ được tham dự một kỳ sát hạch lại chất chính kịch trong bản thân họ”.
Hà Thu ( Hà Thu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem