Đó là những ngày mưa cuối mùa năm 1978… Nhìn núi rừng mốc thếch những cơn mưa bất tận, thấy ngại nhưng rồi ai cũng bảo nhau cố đi. Nghe nói Bí thư họp bàn chuyện quan trọng, lại có rượu đãi mọi người. Đến nơi tưởng Bí thư là ai hóa ra là A Gin…
Già A Gin quyết tâm xóa đói, giảm nghèo bằng mô hình kinh tế vườn, rừng.
Cuộc chiến ở “đất ma”
Mồ côi cha mẹ năm 14 tuổi ở với chú khổ quá, Gin trốn nhà đi tìm cách mạng. Bao nhiêu năm không gặp lại, bây giờ đã trở thành đại úy rồi… “Hôm nay họp bà con là để bàn một việc hệ trọng: Xuống núi định cư theo chủ trương của Nhà nước…”.
Bữa rượu đang ồn ào bỗng lặng phắc. Xuống núi, tai có nghe nhầm không? Bao đời nay đất sống của người Hà Lăng là lưng chừng núi. Dưới thấp là đất con ma. Bí thư muốn đưa dân làng vào chỗ chết hay sao? Hàng trăm cái miệng cùng gào. Có người chửi tục…
Chờ cho mọi người hả hê cái giận, cuối cùng Bí thư mới đứng lên. “A Gin xin hỏi: Ngày xưa bà con theo cách mạng có phải để mong sướng hơn không? Xuống thấp có ô tô chở mọi thứ đến làng, có điện thắp đèn, coi tivi; có đường để bà con đi chơi, như vậy sướng hơn hay cứ như con chồn trong hang thế này sướng hơn ?
Lại lặng phắc. Chuyện đang căng như cái dây mang cung bỗng nhiên chùng lại… Nếu thế thì cũng liều trái lệ ông bà coi thử ?
“Lúc đó mình cứ nói đại để mọi người chịu dời làng chớ những chuyện điện, đường nghĩ tới còn xa hơn ông bà mơ bông lúa bằng cái đuôi con trâu” - già A Gin cười hóm hỉnh. Thế nên bây giờ phải trả giá! Xuống núi chưa ấm chỗ các làng đã loạn lên. Điện đóm chẳng thấy đã đành, rừng lại chẳng có mà phát rẫy.
Quay về núi không được, ở lại thì đói. Đẩy mọi người vào cảnh này là tội A Gin. Làng nào cũng như nồi nước sôi bị đè nắp. Có kẻ đòi tìm giết A Gin cho bõ tức.
“Việc đến thế này mà rối là chết. Phải tìm đúng nút thắt mà gỡ”. Tính liệu mọi đường, A Gin thấy việc trước hết là phải làm cho bụng dân no. Bụng no thì cái đầu sẽ sáng… Để chuẩn bị cho dân xuống định cư, trước đó bộ đội Sư đoàn 10 đã khai hoang giúp cánh đồng lúa nước 50ha. Chỉ cần cắm cây lúa xuống là có ăn nhưng bao lần A Gin vận động, nói hụt cả hơi cũng không ai chịu.
Cái lý là bao đời người Hà Lăng chỉ quen làm lúa rẫy. Hồn lúa rẫy đã ở quen nồi, quen bụng. Nay làm lúa nước, hồn lúa cũ, lúa mới đánh nhau thì người ốm chết… Thế này là phải mắt thấy, miệng ăn người ta mới rũ bỏ ý nghĩ lạc hậu này. A Gin vận động A Bó, A Nhỏ, 2 cán bộ về hưu cùng mình ra làm.
Thật lắm trầy trật vì A Gin cũng chỉ mới lõm bõm biết cây lúa nước hồi ở bộ đội. Nhưng như mũi tên đã lắp vào nỏ rồi, cái gì không biết thì nhờ bộ đội chỉ. Khó nữa thì lên huyện… Ông bà bảo “cái khó không cao hơn được đầu con người”, có thế thật.
Cuối năm đó A Gin thu được những 5 tấn lúa. Cái tin A Gin giàu lúa hơn cả chủ làng xưa làm đứng gió mọi làng. A Gin cho xay hết rồi thông báo: Ai cần cứ đến lấy về ăn. Đang đói tợn nhưng chẳng ai dám đến. Sợ lệ ông bà cũng có nhưng cái chính là xấu hổ. Những nhà đói nhất, A Gin đành phải mang gạo đến.
“Cứ nấu ăn thử đi. A Gin không chết thì mọi người cũng chẳng sao đâu!”. Những nụ cười gượng gạo giấu nỗi xấu hổ. Có người khóc “không có A Gin thì chịu chết đói rồi…”.
Giữa mùa quả ngọt…
Yên được cái ăn cho mọi nhà sau vụ mùa năm đó, A Gin bắt tay vào việc quy hoạch làng. Người Hà Lăng cả mấy thế hệ cũng tụm vào một nhà dài; lại kiêng ở gần đường, không trồng bất cứ cây gì trong vườn. Không thay đổi tập quán này thì không thể làm kinh tế vườn, cải thiện đời sống…
Nghe A Gin ra “nghị quyết”, người già thì khóc vì phải xa con cháu, vì làm đường vào làng con ma biết lối sẽ theo vào bắt. Người trẻ thì tức giận không được ở gần nhau… Vậy là khi chiếc máy ủi tiến vào làng, những đám đông túa ra rồi một người cuộn mình vào chiếc chiếu lăn đùng ra cản.
Chạy vội đến, A Gin nhận ra người “cảm tử” là A Nít - “ Già Nít ơi, con đường này chạy qua nhà A Gin trước. Nếu con ma đến, nó sẽ bắt Gin trước tiên. Lỡ nó tìm bắt Nít, Gin này sẽ đền mạng, còn không thì Nít phải chịu phạt, được chưa ?” Lũ thanh niên nghe bỗng phá lên cười. A Nít thấy mọi người lảng ra đành ôm chiếu lủi thủi đi một mạch…
Tôi cố tìm một vết tích còn sót lại của cái xã Rờ Kơi đói nghèo, lạc hậu đến xót lòng mới ngày nào mà tuyệt nhiên không. Rờ Kơi giờ chẳng khác gì một thị trấn nhỏ nhờ nắm đủ nghề làm lúa nước, trồng cao su, cà phê không khác người Kinh. Những lệ tục mới ngày nào còn là cuộc chiến cam go của A Gin giờ đã thành cổ tích… -
“Nói vậy nhưng cũng còn nhiều chuyện đáng lo đấy – già A Gin lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi – con người ta khi đói nghèo thì ôm chặt lấy cái cũ, cái lạc hậu. Thế nhưng khi sướng thì lại tự bằng lòng rồi sinh ra thói ỷ lại… Tiếc là cái xà lai (khố) bằng vỏ cây ngày xưa, đã định giữ để bọn trẻ biết giá trị của cuộc sống bây giờ, nhưng nó nát quá tôi đành phải đốt đi…”.
Cũng là bởi mang nặng nỗi niềm ấy mà thôi bí thư đã hơn chục năm rồi nhưng nghỉ ngơi hẳn thì chưa. Cuộc sống với bao nhiêu cái mới còn cần tiếng nói của A Gin. Chỉ tay vào tấm Huân chương Lao động hạng Ba treo trang trọng trên vách, ông nói giọng tự hào: “Phần thưởng ấy nhắc mình phải tiếp tục công việc cho đến khi về với ông bà…”.
Xã Rờ Kơi đói nghèo, lạc hậu đến xót lòng ngày nào, giờ chẳng khác gì một thị trấn nhỏ nhờ nắm đủ nghề làm lúa nước, trồng cao su, cà phê không khác người Kinh. Những lệ tục mới ngày nào còn là cuộc chiến cam go của A Gin giờ đã thành cổ tích...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.