Europol báo động về số phận của vũ khí phương Tây ở Ukraine
Europol báo động về số phận của vũ khí phương Tây ở Ukraine
Lê Phương (RT)
Thứ ba, ngày 31/05/2022 17:57 PM (GMT+7)
Người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu ÂU (EU) nói với truyền thông Đức rằng số vũ khí của phương Tây ở Ukraine có thể rơi vào tay tội phạm.
Người đứng đầu Europol, Catherine De Bolle, cảnh báo rằng số vũ khí hiện đang được giao cho Ukraine cuối cùng có thể rơi vào tay các nhóm tội phạm hoạt động ở khu vực này.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Welt am Sonntag của Đức, De Bolle nói rằng một trong những điều mà tổ chức của bà quan tâm là "những vũ khí hiện đang được giao cho Ukraine sẽ đi về đâu". Bà giải thích rằng khi xung đột kết thúc, Europol muốn "ngăn chặn một tình huống giống như 30 năm trước trong cuộc chiến tranh Balkan".
Bà nhấn mạnh: "Các vũ khí từ cuộc chiến đó vẫn còn được sử dụng bởi các nhóm tội phạm cho đến tận ngày nay".
De Bolle lưu ý một trong những ưu tiên chính của Europol hiện nay là "giải quyết nguy cơ tiềm ẩn sau khi xung đột Ukraine kết thúc". Theo bà, Europol "sẽ tập hợp một lực lượng đặc nhiệm quốc tế để xử lý vấn đề này".
Quan chức này thừa nhận rằng châu Âu hiện đang chứng kiến mức độ bạo lực chưa từng có trên đường phố, giống như tình trạng xảy ra ở các nước Mỹ Latinh. De Bolle cũng nói rằng tham nhũng ở EU đang ở quy mô "lớn hơn những gì chúng tôi đã nghĩ".
Theo người đứng đầu Europol, hơn một nửa số tổ chức tội phạm đang sử dụng các quan chức tham nhũng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, bên cạnh vũ khí thì mối nguy hiểm thứ hai chính là sự tự do đi lại của "những kẻ khủng bố và những cá nhân cực đoan" trong vùng chiến sự, theo De Bolle.
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự chống lại nước láng giềng, một số quốc gia thành viên EU, cũng như Anh và Mỹ đã tích cực cung cấp vũ khí cho Kiev.
Trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, phương Tây chủ yếu cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng và phòng không di động, gần đây, họ bắt đầu gửi thêm vũ khí hạng nặng.
Vào ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ trị giá 40 tỷ USD hỗ trợ cho Kiev.
Nga khẳng định việc vận chuyển vũ khí của phương Tây chỉ có tác dụng kéo dài xung đột. Điện Kremlin cũng nhiều lần cảnh báo rằng vũ khí cung cấp cho Ukraine có thể bị rơi vào tay những kẻ khủng bố và tội phạm. Theo quan chức Nga, các tên lửa phòng không cơ động của Ukraine có khả năng bị khủng bố sử dụng để nhắm mục tiêu vào các máy bay dân dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.