Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Từ giữa năm 2022, khi ngành may mặc xuất khẩu khan hiếm đơn hàng quốc tế do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát gia tăng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã chuyển hướng kinh doanh tập trung vào thị trường nội địa.
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc VitaJean, nhờ chuyển hướng sang thị trường nội địa mà DN vẫn có việc làm cho người lao động dù đơn hàng xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2022 bị giảm mạnh, có tháng giảm hơn 50%.
Công ty TNHH Tân Nhiên cũng đang tích cực đưa bánh tráng mỏng không nhúng nước - sản phẩm chủ lực của công ty - vào các siêu thị Co.opmart ở TP.HCM.
Ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tân Nhiên, cho hay việc có mặt tại hệ thống bán lẻ ở TP.HCM là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng phân khúc bán lẻ hiện đại của công ty trong năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, cho biết thời gian qua ông cũng liên tục đi khắp các tỉnh thành để phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh việc tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ tiêu dùng, ông Luận cũng tìm đến các cửa hàng, hệ thống siêu thị mà nhãn hàng cà phê Meet More chưa vào được để tìm cơ hội hợp tác.
"Meet More Coffee cũng đẩy mạnh bán hàng ở kênh thương mại điện tử để nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận sản phẩm", ông Luận chia sẻ.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên nhấn mạnh, phải củng cố vững chắc tại thị trường nội địa thì mới có tiền đề để mở rộng xuất khẩu.
"Năm 2023, dự báo thị trường thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do sự sụt giảm về tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu. Vì thế, chúng tôi tiếp tục xây dựng, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.
Hiện nay, công ty đã hình thành mạng lưới phân phối sản phẩm thực phẩm với hơn 16.000 đại lý, điểm bán lẻ trên toàn quốc, phấn đấu trong 3 năm tới sẽ có 20.000 đại lý", ông Vũ cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng, thị trường nội địa cũng là "miếng bánh hấp dẫn" để DN khai thác và việc các DN trở lại thị trường nội địa cũng là bước đi tất yếu. Tuy nhiên, do yêu cầu của người tiêu dùng nội địa ngày càng khắt khe nên hàng Việt phải có giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập, kèm theo đó là chất lượng cũng phải tương đương.
Nhiều giải pháp kích thích tiêu dùng
Có thể thấy, trong quý I/2023, do tình trạng mất việc và lạm phát, sức mua từ người tiêu dùng sụt giảm. Tuy nhiên, từ quý II/2023, sức mua đang dần cải thiện. Thống kê từ UBND TP.HCM cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 561.734 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Riêng trong quý II/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao, đạt 298.005 tỷ đồng, tăng 9,5% so với quý II/2022. Trong đó, tăng cao nhất là hoạt động lữ hành 78,6%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 35,4%; doanh thu bán lẻ tăng 10,7%; dịch vụ khác tăng 0,6%.
So với quý I/2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II đã tăng 13,0% và tăng ở tất cả các hoạt động.
Kết quả này có được nhờ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, các hoạt động khuyến mại với mức giảm giá hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, mới nhất là Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8%, thời gian áp dụng từ 1/7 đến 31/12/2023, sẽ là lực đẩy kích thích sức mua từ người dân.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, chính sách giảm thuế VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn và tác động trực tiếp vào những người mua cuối cùng.
"Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại đều đang hưởng ứng Tháng khuyến mãi tập trung ở TP.HCM bằng hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn để hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm, nên việc giảm thuế VAT xuống 8% từ 1/7 được kỳ vọng sẽ kích thích sức mua trong những tháng cuối năm ", ông Vũ thông tin thêm.
Ở một góc độ khác, phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) thì nhận định, thị trường nội địa hiện đang là cứu cánh cho các DN trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Vì vậy, các đơn vị bán lẻ trong nước cần nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thiết yếu rút ngắn thời gian thanh toán tiền hàng, giúp DN có vốn lưu động, đáp ứng cho sản xuất và dự trữ.
Đồng thời, các ngân hàng nên nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp, qua đó hỗ trợ DN tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn.
"Việc vay vốn lãi suất ưu đãi sẽ giúp DN có được nguồn vốn tập trung sản xuất, dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân", phía HUBA đề xuất.