Gặp người vợ quê của cư sĩ Đoàn Văn Cừ

Chủ nhật, ngày 04/03/2012 13:56 PM (GMT+7)
Chúng tôi về làng Đô Đò (xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) quê hương thi nhân Đoàn Văn Cừ, tác giả bài thơ nổi tiếng "Chợ Tết" khi bóng đêm đã bao phủ khắp xóm làng. Thi nhân Đoàn Văn Cừ mất đã gần mười năm, tôi đến để tìm gặp người vợ hiền thục của ông - cụ bà Nguyễn Thị Miều. Cụ hỏi chúng tôi: “Sao các vị về muộn thế?”
Bình luận 0

1.Nhìn bà cụ đã chín mươi bảy tuổi (cụ Miều sinh năm Bính Thìn – 1916) mà lưng vẫn chưa còng, khi kể chuyện tiếng nói hãy còn sang sảng và hóm hỉnh lắm.

img
Đã gần 100 tuổi nhưng cụ bà Nguyễn Thị Miều vẫn còn rất minh mẫn

Đặc biệt đôi mắt cụ còn rất sáng – nói như các nhà nhân tướng học thì cảm giác thần khí, tinh anh đều tập trung vào đôi mắt ấy. Khi nghe chúng tôi hỏi: “Cụ có thuộc bài thơ nào của cụ ông không ạ?”, thì cụ bà cười tủm tỉm: “Bà thuộc ít thôi”. Đoạn, cụ đọc luôn bài thơ "Đường về quê mẹ" “

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân / Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần / Lại dẫn chúng tôi về nhận họ / Bên miền quê ngoại của hai thân

Tới đường làng gặp những người quen / Ai cũng khen u nết thảo hiền / Dẫu phải theo chồng thân phận gái / Đường về quê mẹ vẫn không quên”.

Trong lúc mấy người hàng xóm cứ tấm tắc khen: “Cụ minh mẫn quá, trí nhớ tài thật” thì cụ vẫn miên man trong mạch chuyện của mình đương dang dở:

- Bài "Đường về quê mẹ" giảng ra thì mới hay, còn đọc thì chưa diễn được hết cái hay của thơ đâu.

Chúng tôi muốn hỏi thêm về cơ duyên nào đã đưa cụ đến làm bạn đời với thi nhân Đoàn Văn Cừ nhưng trong lòng cũng thoáng chút ngại ngần. Thế hệ xưa đâu có giống như ngày nay, chuyện tình cảm không phải dễ nói, chỉ sợ bị người lớn mắng cho là… tọc mạch. May sao, cụ không những không trách mà còn sẵn sàng chia sẻ về mối lương duyên của mình hơn bảy mươi năm về trước:

- Ông nhà tôi hồi bé vất vả, mẹ mất năm 4 tuổi, đến năm 14 tuổi thì bố mất. Đang đi học trường Tây thì bị đuổi học, bà nội thương cháu đón về nuôi. Từ đấy ông tự học, rồi trở thành thầy giáo. Hồi đó nhà tôi ở xóm trên, ông ấy dạy học ở ngay gần nhà tôi.

Ngày ngày cậu giáo Đoàn Văn Cừ vừa dạy học, vừa đọc sách, ngâm thơ. Rồi thầy đồ chốn thôn quê có thơ đăng trên báo “Ngày nay” của nhóm Tự lực Văn đoàn ở tận Hà thành. Vậy là tiếng tăm dậy đất thành Nam, thơ Đoàn Văn Cừ được nhiều người yêu thích và thuộc nằm lòng. Trong số những người mê thơ cậu giáo có cả cô thôn nữ Nguyễn Thị Miều. Trước cô gái đẹp người, đẹp nết thi nhân đã viết tặng cô bài thơ như một lời cầu hôn:

Tôi yêu cô gái xứ quê/ Ngày ngày cô đội nón mê ra đồng/ Chăn trâu ăn cỏ vừa xong/ Về nhà cô lại ra sông vớt bèo/ Làm ăn chăm chỉ sớm chiều/ Thái khoai nấu cám mọi điều đảm đang/ Đồng quê cô ở thênh thang/ Ngựa xe cô chẳng mơ màng đến ô/ Hỡi cô có biết người thơ/ Bấy lâu vẫn ước cùng cô bạn lòng”.

Đôi trẻ yêu nhau như vậy nhưng bố mẹ cô Miều vốn nặng thành kiến lại nhất quyết không gả.

- Thầy mẹ tôi bảo: Bố mẹ thằng Cừ chết rồi, bây giờ ai đứng ra xây dựng gia đình cho nó? Ý thầy mẹ tôi là muốn gả tôi cho con nhà ông phó, ông lý, ông hương cho môn đăng hộ đối.

Tình đầu dang dở, thi nhân lập gia đình, chẳng bao lâu vợ mất; còn cô thôn nữ cũng lấy chồng và sớm lâm vào cảnh góa bụa. Như là duyên trời định sẵn, năm 1942 hai người nối lại tình xưa. Bố mẹ cô dâu cho của hồi môn là một chiếc xe đạp.

Ngày ấy đó là tài sản lớn, cả làng Đô Đò mới chỉ có một chiếc. Gắn bó với nhau hơn sáu mươi năm, vợ chồng thi nhân sinh hạ 5 người con, 2 gái, 3 trai, tất cả đều thành đạt. Người con gái đầu lòng Đoàn Thị Thanh (đã mất), làm thầy thuốc cứu người những năm bom Mỹ đánh phá ác liệt thành phố dệt Nam Định. Con trai cả Đoàn Văn Dòng, tốt nghiệp Trư

ờng Đại học Y khoa năm 1967, xung phong vào bộ đội, đi khắp các chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, Nam Lào, Campuchia, rồi tham gia giữ gìn biên cương phía Bắc (sau này là đại tá Quân y). Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, đang là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật cũng xung phong cầm súng vào miền Nam đánh Mỹ.

Cô con gái thứ Đoàn Thị Vân, theo bước chân anh trai vào bộ đội năm 1972 (hiện sinh sống cùng gia đình ở Cổ Lễ - Nam Định). Người con trai út Đoàn Văn Nguyện (đã mất), tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp tại CHDC Đức, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tự hào vì các con, cụ bà Nguyễn Thị Miều thủ thỉ:

- Nhà tôi tất cả 5 người con thì 4 người tham gia kháng chiến chống Mỹ, mà về được hết. Các vị bảo có quý không kia chứ!

Chúng tôi thưa với cụ, nói như người xưa vẫn dạy, thì đó là “Phúc đức tại mẫu”!

2. Chúng tôi nhận chén chè mạn từ tay ông Thanh, người hàng xóm đã đưa chúng tôi vào tận nhà thi nhân. Hương thơm thoảng trong căn phòng nhỏ.

- Thưa cụ, cụ ông có đỡ đần công việc gia đình cho cụ được nhiều không ạ?

Nghe chúng tôi hỏi, mấy người hàng xóm ngồi chơi cùng đều ồ lên cười. Cụ bà giải thích:

- Cụ ông nhà tôi chỉ làm thơ thôi chứ có biết làm gì đâu! Ruộng đồng không biết làm, thổi cơm cũng không biết thổi. Cụ nhà tôi bảo tôi: Công việc, gia đình, con cái kệ bà; tôi chỉ biết làm thơ thôi. Bây giờ mỗi khi có bạn cũ đến chơi, hay có khách từ xa về thăm như các vị, họ đều bảo tôi đọc thơ của ông ấy cho nghe. Giá mà các vị đến đây được từ sớm thì tôi mở cửa để các vị vào chép thơ của ông ấy. Căn phòng ấy tôi vẫn để nguyên như ngày cụ ông nhà tôi còn.

Bên ngoài trời nổi gió mùa đông bắc, không khí lạnh tăng cường. Trong ngôi nhà nay đã vắng bóng thi nhân, cụ bà Nguyễn Thị Miều sống ấm áp bên tình làng nghĩa xóm. Vợ chồng bà Minh – mà ban đầu chúng tôi tưởng là người giúp việc của cụ – là hàng xóm sát vách, tối đến vẫn sang trông nom cụ như đang làm chức phận con cháu trong nhà. Chúng tôi hỏi cụ Miều sao không lên Hà Nội hay sang sống cùng vợ chồng người con gái ở gần bên để nhờ cậy lúc tuổi già?

- Các vị thấy đấy, tôi còn khỏe, hàng ngày vẫn tự mình nấu ăn. Tôi phải ở nhà này để còn tiếp khách văn cho ông nhà tôi chứ. Thỉnh thoảng lại có khách tới thăm, tôi đi ở nơi khác sao đành, lại còn hương khói cho tổ tiên và ông nhà tôi nữa.

Hiện ông nhà tôi còn hai tủ sách ở đây, thỉnh thoảng tôi lại phải đem ra phơi, không phơi thì sợ mối mục, hỏng mất. Những quyển sách tốt, ông Đoàn Văn Nguyên (cụ gọi các con là ông, mà quả họ cũng lên ông lên bà cả rồi) mang ra Hà Nội. Ông ấy bảo để ở nhà thì không giữ được. Sang năm 2013 ông ấy sẽ về, làm nhà lưu niệm Đoàn Văn Cừ đấy!

3. Trở về Hà Nội, chúng tôi tìm đến nhà riêng của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên trong khu tập thể Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Cùng đi vào con đường nghệ thuật nhưng khác với cha, Đoàn Văn Nguyên chọn hội họa. Dành tình yêu và tất cả tâm huyết cho loại hình nghệ thuật này, năm 2006, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước chuyên ngành Mỹ thuật.

Khi tôi hỏi chuyện về người mẹ của ông, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên bảo, kể về từng người thân trong gia đình ông phải dành ra cả một thời gian dài, khó mà hết chuyện được. Ông chỉ khái quát vài điểm về người mẹ đã sinh thành ra ông:

- Điều đặc biệt của mẹ tôi là luôn luôn muốn các con thoát li và luôn luôn muốn các con học. Mẹ tôi dặn các con phải biết lấy học làm đầu.

Năm 1961, mẹ không cho tôi ở nhà làm ruộng mà bắt tôi ra Hà Nội học. Lúc đó, bố tôi đang làm cán bộ của Nhà xuất bản Phổ thông (Bộ Văn hóa), ở nhà rất cần người lao động, nhưng một mình mẹ tôi gánh vác tất cả công việc để cho anh chị em chúng tôi đều được đi học.

Mẹ tôi tuy là nông dân nhưng bà rất hay chữ. Bà chỉ muốn các con được học hành. Ai đi học là mẹ ủng hộ. Ai đòi bỏ học để đi làm là mẹ tôi kiên quyết phản đối. Mẹ tôi nói nôm na như vậy, nhưng tôi nghĩ đó là tư tưởng lớn: Có chữ là hết nghèo.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25.3.1913 ở thôn Đô Đò xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1942, Đoàn Văn Cừ được lưu danh vào Thi nhân Việt Nam bằng các bài thơ Chợ Tết, Đám cưới mùa xuân, Đám hội, Trăng quê...

Ngay từ thời bấy giờ, Hoài Thanh đã viết: "Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết". Hơn 60 năm cầm bút, Đoàn Văn Cừ đã in gần mười tập thơ, trong đó đáng chú ý là Thôn ca I & II, Dọc đường xuân, Đường về quê mẹ. Ngoài thơ, ông còn sáng tác văn xuôi với tập phóng sự Quân dân Nam Định anh hùng chiến đấu (1953). Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I (năm 2001) cho các tác phẩm Tuyển tập thơ Đoàn Văn Cừ và Đường về quê mẹ.

Gần như sống ẩn dật với quê hương nơi có con đường Vàng dẫn về làng và dòng sông Ngọc bao quanh, thi nhân Đoàn Văn Cừ mất tại quê nhà ngày 27 tháng 6 năm 2004, hưởng thọ 92 tuổi.

Theo Phụ nữ Thủ đô

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem