Gặp nông dân rồi chỉ muốn làm... nông dân

Quốc Ngọc Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:45 AM (GMT+7)
Màu xanh của những vườn cam, bưởi dọc theo các dòng kênh giữa rừng U Minh hạ, hay nắng trải vàng lấp lánh trên hàng chục vuông tôm ở Bạc Liêu đã ẩn chứa phía sau gương mặt người nông dân với thành công của ngày hôm nay, cơ cực hôm qua - tất cả vẫn luôn là những chất liệu giá trị thôi thúc trách nhiệm “sống để kể” của người cầm bút.
Bình luận 0

Từ ngày 29 đến 31.7 vừa qua, Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức chuyến đi thực địa khu vực phía Nam cho các nhà văn, nhà báo nhằm phục vụ cho cuộc thi viết chân dung “Tự hào nông dân Việt Nam” do Báo và Công ty CP Phân bón Bình Điền đồng tổ chức. Ba ngày lội sình băng rừng, dầm mưa dải nắng, các tác giả tiêu biểu của Hội nhà văn TP.Cần Thơ đã được gặp gỡ và có cái nhìn sát thực tế về đời sống nhà nông tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, hai địa phương có nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của đồng bằng sông Cửu Long.

img   Ông Tô Hoàng Giang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau (trái) trao đổi với nhà báo Lưu Phan - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay TP.HCM trên đường vào rừng U Minh hạ. Ảnh: Quốc Ngọc

Cuốn hút như tiểu thuyết

Choáng ngợp trước cái building hoành tráng ngay giữa những cánh đồng ở xã Công Điền, huyện Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) của “bác sĩ tôm” Lê Anh Xuân, nhà văn Trúc Linh Lan - Chủ tịch Hội nhà văn TP.Cần Thơ - đã buột miệng nói đùa: “Muốn làm nông dân quá”. Ai cũng hiểu đó là cảm xúc biểu lộ sự thán phục của nhà văn. Càng phấn khích hơn khi câu chuyện về cơ ngơi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh do ông Xuân tạo lập từ hai bàn tay trắng này được kể lại, những người cầm bút trong đoàn công tác đã như bị “thôi miên”.

Theo “bác sĩ tôm”, cách đây 12 năm, vừa tốt nghiệp kỹ sư nuôi trồng thủy sản tại Nha Trang, ông Xuân quyết định xuôi Nam lập nghiệp với chỉ 20.000 đồng dính túi. Từ căn phòng trọ 300 nghìn đồng/tháng, ông lao ra các vuông tôm làm việc trực tiếp với người nông dân, kết hợp với kiến thức đã học để nghiên cứu quy trình nuôi tôm sạch.

Ông Xuân quyết định khởi nghiệp kinh doanh với 11 công đất được cho mượn (khoảng 760 mét vuông mặt nước nuôi) và đã thành công. Các chế phẩm vi sinh của doanh nghiệp Trúc Anh không chứa dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất được bà con nông dân tín nhiệm vì đơn giản hóa quy trình nuôi để sản phẩm thu hoạch sau cùng là con tôm sạch.

Báo chí đặt cho ông Xuân biệt danh “bác sĩ tôm” cũng vì thành tích chữa bệnh trên tôm nuôi bằng các chế phẩm của mình. Thu nhập hằng năm của công ty đạt từ 40-45 tỷ đồng/năm từ chế phẩm vi sinh và 14 ha ao nuôi. Tháng 3 vừa qua, các sản phẩm của ông Xuân đã vinh dự đạt Giải thưởng Bạc chất lượng quốc gia do Thủ tướng trao tặng.

Các nhà văn có lẽ đã tìm ra ngay điểm nhấn cho bài thu hoạch bởi câu kết thúc buổi trò chuyện của ông Xuân: “Đời tôi may mắn nhất là được khổ, để hoàn thiện mình và thành công”.

Hoặc câu chuyện về ông Út Nam mù chữ đáng giá một truyện ngắn gai góc. Ông không cha mẹ người thân, thậm chí không có cả CMND, thường xuyên uống rượu và hễ cứ say vào là chỉ muốn đâm đầu xuống sông chết… Sau khi áp dụng phương pháp nuôi của “bác sĩ tôm”, ông Út Nam phất lên nhanh chóng và giờ thì “sợ chết lắm rồi”.

Vừa bị “chụp ếch” trên bờ bao nuôi cá trơn trượt của anh Trần Thanh Liêm (ấp 5, xã Tân Thành, TP.Cà Mau), nhà văn Tôn Thất Lang đã phóng vội qua nhà ông Trần Văn Đang bên kia rạch. Bởi nhà văn gốc Huế “đánh hơi” ngay được một thân phận đúng gu ký nhân vật của mình.

Chục năm trước, vợ chồng con cái ông Đang phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi nhà cửa, vườn tượt bị hỏa hoạn cháy rụi. Nhưng ông vẫn vượt qua tất cả, nỗ lực nuôi cá bóng tượng để vươn lên và thành công, xây lại nhà khang trang, con cái học hành thành đạt.

Ghi ghi, chép chép và… hỏi đúng “chỗ ngứa”

img
Hỏi và ghi chép liên tục. Ảnh: Quốc Ngọc

Người đi thăm mô hình sản xuất nào của nông dân cũng thấy hay chính là nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết. Tuy đã lớn tuổi, nhưng bà vẫn xắn ống quần, xách dép, lội bộ hàng cây số trên con đường đất sình lầy để vào xem mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Văn Ánh, ở khóm 2, phường Tân Thành, TP.Cà Mau. “Những nông dân này là nông dân thứ thiệt. Đã là nông dân, mà giỏi là giỏi thật chứ không thể giỏi giả được”, bà phát biểu cảm nghĩ dọc đường đi.

Những lúc tiếu lâm trên xe cười đùa vui vẻ chóng qua đi để nhường chỗ cho không khí làm việc rôm rả khi đã “đổ bộ” vào nhà các nhân vật. Vì rất quan tâm đến các chi tiết, nên các văn sĩ xoay người nông dân liên tục bằng những câu hỏi, ghi chép rồi lại hỏi, ghi chép… Có cảm giác như các câu hỏi chỉ trực tuôn ra với tham vọng “bóc tách” ngay những điều mà người cầm bút muốn biết tường tận về người nông dân.

Nhà báo Vũ Thống Nhất - Văn phòng đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng tại đồng bằng sông Cửu Long, và nhà văn Nhật Hồng là những người thường đặt những câu hỏi thực tế mà chính nhà nông cũng rất muốn bật ra ngay những bức xúc.

Trả lời câu hỏi về vấn đề muôn thuở của nông dân như trồng gì, nuôi gì, phụ thuộc vào thương lái như thế nào về giá cả, ông Trịnh Văn Hùng - nông dân sản xuất lúa giỏi ở ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu - cho biết, họ không thể dự phòng được giá lúa.

“Thương lái thường ép giá vào giữa vụ khi hàng nhiều và chỉ nâng giá lên chút đỉnh ở đầu và cuối vụ khi hàng ít”, ông nói. Và khi nông dân khẳng định hầu như cũng chẳng được hưởng gì xung quanh chính sách cho nông dân hưởng lời 30% trên giá lúa, cây bút gạo cội của Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi ngay vào sổ tay “một nền nông nghiệp nhiều rủi ro”.

Chuyến đi của chúng tôi kết thúc trong con mưa xối xả giữa rừng U Minh hạ. Cả đoàn 12 người leo lên một chiếc vỏ lãi (xuồng máy bằng composite) vượt qua gần 6 cây số đường sông để đến thăm điểm cuối cùng là những vườn cam, bưởi, vú sữa, đu đủ của ông Trần Văn Cường ở ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Cuộc trùng phùng sĩ - nông được ủ ấm giữa trời mưa lạnh bởi những tách trà nóng thanh ngọt và dĩ nhiên những câu chuyện của rừng tràm. Tuy được đánh giá là thành công với vườn tược hoa màu, nhưng chính ông Cường và những người khách đến thăm cũng thấy được sự bấp bênh của nghề nông. “Không tính xa được đâu, chỉ bữa cơm hằng ngày thôi hà”, ông Cường tâm sự.

Còn người cầm bút sẽ không quên và nếu có viết, cũng luôn cảm thấy mắc nợ những nhân vật, những câu chuyện của mình.

 
Mỗi món ăn là một bài viết

Nhà văn Phù Sa Lộc - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - góp mặt trong chuyến đi và luôn mang một phong thái tếu táo, duyên dáng đúng kiểu Nam bộ. Trên đường về huyện U Minh (Cà Mau), tài xế đi lạc đường và rẽ vào một con đường không bóng người, cỏ mọc phủ mặt đường…

Ông cứ cười sảng khoái chọc quê người chỉ đường là nhà văn Tôn Thất Lang. “Ông Lang này ổng cứ nghi nghi đường nhỏ, không thấy xe ngược chiều mà hổng chịu nói ra cho tài xế người ta biết (cười khúc khắc) để cuối cùng cả đoàn… mạt lộ”, ông lại cười.

Ngoài viết văn, Phù Sa Lộc là cây bút viết về ẩm thực khá nổi tiếng. Trong suốt chuyến đi thực địa vừa qua, ghé vào tiệm ăn nào ông cũng tranh thủ rút máy chụp ảnh những món ăn ngon, lạ. “Chú Lộc chuyến này lời to vì cứ mỗi món ăn chụp lại, chú sẽ có một bài trên báo”, một đồng nghiệp nheo mắt cho biết. Hy vọng, sắp tới chúng ta sẽ được “thưởng thức” các món bánh tằm cay, canh chua trái giác, bò xông hơi… của Bạc Liêu, Cà Mau trên các báo qua tay “đầu bếp” Phù Sa Lộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem