Giá bò hơi giảm mạnh, Hội Nông dân một xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ nông dân

Nguyễn Văn Minh (Hội Nông dân xã Long Phước) Thứ tư, ngày 01/11/2023 16:38 PM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, chăn nuôi bò đã mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người dân trong xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Song, từ năm 2022 đến nay, giá bò hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
Bình luận 0

Giá bò hơi giảm mạnh, nông dân nuôi bò lao đao

Mặc dù có nhiều năm chăn nuôi bò và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò vỗ béo nhưng thời gian gần đây, anh Lê Văn An ở ấp Nam, xã Long Phước đã phải giảm đàn.

Anh An cho biết: "Nhiều năm chăn nuôi bò thịt, anh chưa bao giờ thấy giá bò thịt xuống thấp như bây giờ. Giá bò hơi những năm trước dao động khoảng 95.000 - 100.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, giá bò hơi giảm dần và hiện nay chỉ còn khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg.

Giá bò hơi giảm mạnh, Hội Nông dân một xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Nông dân nuôi bò ở Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tính toán giá bán bò hơi phải đạt mức 85.000 đồng/kg mới đủ trang trải các chi phí. Còn khi bán với giá bò hơi hiện nay 70.000 – 75.000đ /kg, người chăn nuôi sẽ lỗ từ 4 đến 6 triệu đồng/con. Ảnh: Nguyễn Văn Minh

Năm 2022, tôi mua bò giống giá cao, đến khi xuất chuồng giá bò thịt lại rẻ nên gần như không có lãi. Trước đây, mỗi năm nhà tôi nuôi vỗ béo từ 12 đến 16 con con bò lai Sind nhưng nay chỉ còn 8 con vì nuôi càng nhiều, càng lỗ. Gia đình tôi cố gắng tận dụng phụ phẩm cho bò ăn nhằm giảm chi phí đầu đầu vào để cố giữ lấy nghề nuôi bò vỗ béo của gia đình".

Ông Lê Văn Thơ, ở ấp Phước Hữu, xã Long Phước cũng là nông dân chuyên nuôi bò vỗ béo cho biết: Nuôi bò vỗ béo ngoài sử dụng rơm, cỏ làm thức ăn thì người nuôi phải bổ sung một lượng lớn thức ăn công nghiệp cho bò thì bò mới mau lớn và cho ra lượng thịt như mong muốn. 

Theo tính toán của ông Lê Văn Thơ thì chăn nuôi một con bò thịt lai Sind từ khối lượng 100kg đến khi có thể xuất bán được thì phải mất từ 10 đến 12 tháng, lúc đó bò đạt trọng lượng trung bình khoảng 450kg hơi. 

Với chi phí giống từ 18 đến 20 triệu đồng, thức ăn 15 triệu đồng, chi phí nhân công, điện, nước, thuốc thú y 3 triệu đồng/con… thì giá bán bò hơi phải đạt mức 85.000 đồng/kg mới đủ trang trải các chi phí. Còn khi bán với giá 70.000 – 75.000đ /kg thì mỗi con bò thu được khoảng 32 triệu đồng người chăn nuôi sẽ lỗ từ 4 đến 6 triệu đồng/con.

Nuôi bò vỗ béo là vậy, các hộ nuôi bò sinh sản kết hợp nuôi bò thịt cũng không có lãi. Anh Lữ Sĩ Hoàng ở ấp Bắc là hộ nuôi 6 con bò lai Sind sinh sản cho biết: Anh nuôi bò sinh sản để lấy con giống nuôi thành bò thịt để giảm chi phí bò nền ban đầu. 

Trước đây, khi bò mẹ đẻ bê con anh nuôi từ 22 – 24 tháng thì bò thịt đạt trọng lượng từ 350kg/con với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg thì mỗi con bò thịt anh thu được 35 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thức ăn và các khoản chi phí khác anh còn lợi nhuận 18 triệu đồng/con.

Nhưng hiện nay sau khi xuất bán 1 con bò với giá 70.000đ/kg hơi anh chỉ còn lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng. Anh Hoàng cho biết thêm, những năm trước 1 con bò cái giống lai Sind sinh sản đang có chửa có giá từ 30 – 35 triệu đồng nhưng hiện nay chỉ còn 18 – 20 triệu đồng. Những người đầu tư nuôi bò sinh sản từ đầu năm 2022 đến nay lỗ mất gần một nửa vốn.

Bà Mai Thị Hương ở ấp Phong Phú là hộ chăn nuôi gần 30 con bò lai Sind. Bà Hương cho biết: Trước đây, nhà bà lúc nào cũng có 12 -14 con bò sinh sản và trên 10 con bò nuôi lấy thịt do bò sinh sản đẻ ra. Bà chăn nuôi theo hình thức gối đầu nên tháng nào trong năm bà cũng có bò thịt để bán.

Bà Hương cho biết thêm, để nuôi được gần 30 con bò như bà thì đòi hỏi người nuôi phải có diện tích đất trồng cỏ trên 5.000m2 và phải có 2 lao động trở lên để lấy thêm rơm, cắt thêm cỏ dại cho bò ăn. 

Tuy nhiên, giá bò hiện nay giảm sâu, càng nuôi nhiều thì càng lỗ nhiều nên bà giảm đàn chỉ còn 5 con bò sinh sản và 4 con bò nuôi lấy thịt nhằm bớt đi diện tích trồng cỏ để trồng trọt các loại rau và giảm đi 1 lao động để làm việc khác nhằm tăng thêm thu nhập để duy trì đàn bò.

Giá bò hơi giảm mạnh, Hội Nông dân một xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Hội Nông dân xã Long Phước đề xuất có chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp vay vốn giúp nông dân tiêu thụ bò thịt để giảm bớt tầng nấc trung gian, tránh qua nhiều thương lái

Hội Nông dân xã Long Phước đề xuất 5 giải pháp hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò

Theo ông Huỳnh Văn Minh một thương lái có nhiều năm mua bán bò thịt thì hiện nay, tình hình giá bò thịt lai Sind hơi giảm mạnh (dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg tùy theo chất lượng bò) là do lượng bò nhập ngoại vào thị trường nước ta quá nhiều và giá bò hơi nhập ngoại cũng chỉ 70.000 – 75.000 đồng/kg nhưng bò nhập ngoại thịt nhiều và thịt rất nạc, không có mỡ nên dễ tiêu thụ.

Ông Minh cho biết: Một cơ sở mà ông thường mua bò mỗi đợt nhập về trên 5.000 con bò của nước ngoài làm cho bò nội địa bị cạnh tranh gay gắt. Với giá hơi thấp hơn hoặc ngang bằng thì thương lái sẽ chọn mua bò nhập để thịt vì có lợi nhuận nhiều hơn mua bò của nông dân nuôi làm cho bò của nông dân nuôi không tiêu thụ được và càng ngày càng giảm giá.

Ông Minh nói "Nếu không có bò nước ngoài nhập vào bán với giá thấp thì giá bò trong tỉnh có thể sẽ tăng lên".

Theo ghi nhận của Hội Nông dân xã Long Phước, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2022 tới nay, giá thịt bò hơi liên tục giảm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng cao khiến người nuôi không có lãi, thậm chí là lỗ.

Hầu hết người chăn nuôi đang phải xoay xở mọi cách như giảm đàn, tận dụng lao động nông nhàn, nguồn thức ăn tại chỗ và nguồn giống từ bò mẹ sinh sản để giảm chi phí chăn nuôi, lấy công làm lãi. Tuy nhiên với giá bò thịt thấp như hiện nay thì người chăn nuôi gần như không có lợi nhuận.

Tổng đàn bò của xã Long Phước trước đây có gần 3.000 con nay giảm chỉ còn hơn 1600 con. Nguyên nhân khiến giá bò thịt giảm mạnh một phần là do hiện nay lượng bò nhập ngoại về tiêu thụ khá nhiều. Việc giá bò hơi xuống thấp kéo dài đã khiến nông dân gặp không ít khó khăn và phải giảm đàn.

Trước thực trạng trên, Hội Nông dân xã Long Phước đã khuyến cáo người chăn nuôi bò cần tiếp tục kiên trì, theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy khi giá bò bình ổn trở lại; tập trung phòng, chống dịch để không bị thiệt hại do dịch, bệnh; thay đổi khẩu phần ăn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Để chăn nuôi phát triển ổn định, Hội Nông dân tiếp tục vận động nông dân chăn nuôi bò chọn những giống bò tốt, khối lượng thịt lớn như bò lai 3B, bò Úc… và thành lập các Tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi; kiến nghị cấp trên khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước nói: "Tận dụng lợi thế tự nhiên của xã nên từ lâu, người nông dân xã Long Phước đã phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Từ đầu năm 2022 trở về trước, mỗi con bò xuất bán, người dân thu lãi từ 14 đến 18 triệu đồng. Nhưng hiện nay, người chăn nuôi phải chịu lỗ vài triệu đồng mỗi con. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã giảm số lượng đàn bò. UBND xã cũng đang tìm giải pháp, đề xuất các cấp hổ trợ để nông dân giữ được đàn bò".

Trước khó khăn của nông dân chăn nuôi bò hiện nay, hội viên hội nông dân xã Long Phước kiến nghị các bộ, ngành chức năng cấp Trung ương có những giải pháp hổ trợ nông dân chăn nuôi bò, cụ thể như:

Thứ nhất: Kiểm soát chặt chẻ lượng bò nhập khẩu theo đường tiểu ngạch vào nước ta, hạn chế nhập khẩu thịt bò để tăng sức tiêu thịt bò nuôi trong nước.

Thứ 2: Quy hoạch vùng chuyên canh trồng nguyên liệu sản xuất thức ăn công nghiệp, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu để giảm giá thức ăn công nghiệp.

Thứ 3: Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo những giống bò thích hợp với khí hậu, thời tiết từng vùng, miền ở nước ta, kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao để chuyển giao cho nông dân.

Thứ 4: Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thịt bò, tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu thịt bò.

Thứ 5: Tổ chức chặt chẽ hệ thống lưu thông phân phối, có chính sách hỗ trợ các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp vay vốn giúp nông dân tiêu thụ bò thịt để giảm bớt tầng nấc trung gian, tránh qua nhiều thương lái làm cho người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với người chăn nuôi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem