Giá gà lông trắng giảm còn 10.000 đồng/kg, Tập đoàn De Heus vẫn mua giá 29.000 đồng, chấp nhận lỗ

Minh Huệ Thứ hai, ngày 12/09/2022 19:27 PM (GMT+7)
Khi xảy ra đại dịch Covid-19, giá gà lông tại thị trường xuống dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg. De Heus đã chấp nhận lỗ, thu mua gà lông với giá như đã cam kết, bởi lòng tin rất quan trọng trong chuỗi kiên kết hợp tác.
Bình luận 0

Giá gà lông trắng tụt xuống dưới 10.000 đồng/kg, De Heus chấp nhận lỗ, mua theo cam kết

Sáng nay 12/9, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII 2022 với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức.

Tại phiên thảo luận thứ nhất, nông dân Hoàng Thị Chắp, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai - nông dân sản xuất cá giống có thu nhập 1,2 – 1,8 tỷ đồng/năm thắc mắc: "Trong đợt bão giá thức ăn chăn nuôi vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi đã thua lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi quy mô lớn, nếu có các hợp đồng, mối quan hệ làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp, chi phí giảm được rất nhiều. Tôi xin hỏi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào ngành nông nghiệp có các hình thức gì để bắt tay cùng chúng tôi, giúp hai bên cùng có lợi và tiết giảm chi phí đầu vào?".

Giá gà lông trắng tụt xuống dưới 10.000 đồng/kg, vì sao doanh nghiệp chấp nhận mua với giá 29.000 đồng? - Ảnh 1.

Ông Johan Van Den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Nông dân quốc gia chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp". Ảnh: Dân Việt

Trả lời câu hỏi này, ông Johan Van Den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam cho biết, De Heus là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm và có nhiều kinh nghiệm liên kết với người chăn nuôi độc lập. Đến nay De Heus đã có mặt ở Việt Nam được 12 năm, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi phân bố ở các vùng chăn nuôi lớn trên khắp cả nước.

De Heus không trực tiếp chăn nuôi heo, không nuôi bò sữa, không nuôi cá, cũng không nuôi gà, nhưng chúng tôi luôn luôn đẩy mạnh hợp tác, đồng hành với người chăn nuôi Việt Nam. Người chăn nuôi Việt Nam đang cần gì? Đó là câu hỏi mà chúng ta đã nhiều lần đề cập.

Kinh nghiệm của De Heus ở khu vực châu Âu và thế giới là luôn luôn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật để góp phần giúp người chăn nuôi độc lập tiếp tục phát triển tốt hơn, sản xuất hiệu quả hơn nữa.

Tại Việt Nam, trong suốt thời kì đại dịch Covid 19 căng thẳng, nông dân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, nhất là năm 2021. Trong đó người chăn nuôi bị thua lỗ rất nặng nề vì khó tiêu thụ, giá bán sản phẩm thấp.

Ông Johan cho biết, thời điểm đó, De Heus đang tham gia 1 chuỗi liên kết sản xuất chăn nuôi gà tại khu vực Đông Nam Bộ, hợp tác với các trang trại. Chúng tôi cung cấp con giống gà màu, gà công nghiệp cho bà con và thu mua gà lông để cung cấp cho các nhà máy giết mổ độc lập ở khu vực miền Đông.

Tuy nhiên lúc đó, giá gà lông tại thị trường chỉ được dưới 10.000 đồng/kg, trong khi giá kí cam kết thu mua của De Heus với người chăn nuôi là 29.000 đồng/kg. Chúng tôi vẫn quyết định thực hiện cam kết thu mua gà lông của bà con với giá 29.000 đồng/kg. Rõ ràng thu mua gà cho bà con với giá như cam kết thì chúng tôi lỗ nặng.

"Chúng tôi chia sẻ câu chuyện này để thấy, sự cam kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong chuỗi liên kết rất quan trọng. Khi mà giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì người chăn nuôi bán sản phẩm cho ai? De Heus hiểu rằng, lòng tin là rất quan trọng trong chuỗi kiên kết hợp tác, đã nói là phải làm thôi" - ông Johan khẳng định.

De Heus cho rằng, khi tham gia chuỗi liên kết thì sự tin tưởng giữa các đối tác là mấu chốt thành công. De Heus sẽ luôn luôn giữ vững quan điểm: Đã cam kết thì sẽ phải thực hiện.

Giá gà lông trắng tụt xuống dưới 10.000 đồng/kg, vì sao doanh nghiệp chấp nhận mua với giá 29.000 đồng? - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Quyết - chủ trang trại nuôi gà đang tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi với De Heus Việt Nam. Ảnh: DV

Nhờ giữ lòng tin với nhau, mà ở châu Âu đã có rất nhiều HTX thành công, ví dụ như Tập đoàn Topigs Norsvin – doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống heo hậu bị của Hà Lan cũng là 1 ví dụ rất thành công trong phát triển HTX, xây dựng chuỗi liên kết. Hi vọng ở Việt Nam cũng sẽ có những chuỗi liên kết, HTX phát triển như vậy.

Để thúc đẩy chuỗi liên kết với người chăn nuôi Việt Nam, ngoài cung cấp các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, De Heus sẵn sàng chia sẻ kiến thức, khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi. Chúng tôi cũng đang cung cấp gà giống, heo con, heo hậu bị cho nông dân nhiều địa phương. Năm 2023, De Heus sẽ cung cấp giải pháp phát triển giống cá tra - mặt hàng quan trọng cho khu vực miền Tây.

Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, nhưng nếu người nông dân không tập hợp, không liên kết sản xuất theo chuỗi thì sẽ khó làm ra sản phẩm đồng bộ, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem