Giá heo hơi 23/5: Vài nơi giảm, giá thịt lợn thế giới đang tăng vọt

Thiên Ngân - Quang Vinh Thứ năm, ngày 23/05/2019 05:30 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đang ngày càng lan rộng, giá lợn hơi (heo hơi) tại Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay liên tục giảm, một số nơi đã xuống dưới 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo tổ chức FAO, giá thị lợn thế giới đang bắt đầu tăng vọt trên cả sàn giao dịch thông thường và sàn giao dịch kỳ hạn Chicago.
Bình luận 0

Giá heo hơi vài nơi giảm, riêng Đồng Nai giá vẫn tăng

Theo khảo sát của Anova Feed, giá heo hơi trong ngày 22/5 tại một số khu vực tiếp tục giảm, thậm chí có nơi tụt xuốn dưới mức 30.000 đồng/kg như Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế khi các thương lái chỉ thu mua ở mức 29.000 đồng/kg.

img

Do ảnh hưởng phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, giá heo hơi (lợn hơi) tại thị trường trong nước hiện đang giảm mạnh, dao động từ 29.000 - 39.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T

Ngoài ra, một số tỉnh cũng đang bị giảm giá như Lào Cai, Yên Bái giảm 1.000 đồng/kg xuống còn từ 31.000 - 32.000 đồng/kg. 

Tại các tỉnh miền Trung, giá heo hơi cũng đang ở mức thấp khi cả vùng chỉ dao động từ 28.000 đồng/kg đến 39.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Ninh Thuận, Khánh Hoà đạt 39.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, tại khu vực Đông Nam Bộ, mặc dù đang xuất hiện một số ổ dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai, Bình Phước, nhưng giá heo hơi tại tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg, lên mức 37.000 đồng/kg.

Anh Trần Thiên Phước, đại diện Công ty Omega Mix thông tin, những ngày gần đây Công ty Chăn nuôi CP chi nhánh phía Nam vẫn cố gắng tiếp tục giữ giá bán heo hơi tại các trang trại liên kết, nuôi gia công. Cụ thể, giá heo thịt 3 máu hiện đang ở mức cao nhất, đạt 39.500 đồng/kg; heo 2 máu cái trọng lượng đến 115kg/con giá thu mua ở mức 39.000 đồng/kg, chưa tính chiết khấu. 

Các loại heo khác giá xuất bán tại trại dao động từ 32.000 - 36.000 đồng/kg. Trong ngày 22/5, lượng heo hơi về chợ đầu mối trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt 5.100 con, giá bán giảm nhẹ nhưng tình hình tiêu thụ của thương lái đã thuận lợi hơn so với thời điểm bắt đầu xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai. 

Nói về thị trường thịt lợn với PV Dân Việt, anh Phước cho biết rất khó dự báo trước tình hình trong thời điểm này, vì biến động liên tục, từng ngày.

"Không biết đợt cầm giá này của CP, cũng như một số doanh nghiệp lớn khác có thể cầm cự được bao lâu, "kìm" thị trường khỏi rớt giá tới mức khủng hoảng như năm 2017 được hay không, nhưng hầu hết bà con chăn nuôi đều cho biết giá thấp vẫn không đáng sợ bằng tình hình dịch tả lợn châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp, căng thẳng, gây thiệt hại vô cùng lớn nếu trang trại nào mắc phải. Chính vì thế mà bà con chăn nuôi đang bán chạy heo, dù heo to hay nhỏ..." - anh Phước bày tỏ. 

Giá thịt lợn thế giới bắt đầu tăng vọt

Theo tổ chức Lương nông LHQ, giá thịt lợn "đã bắt đầu tăng vọt", cán mốc 50% cả ở trên hai sàn giao dịch hàng hóa thông thường là Trung Quốc và Chicago- nơi hợp đồng mua bán đã được ký kết và được giao hàng trong tương lai theo nguyên tắc không được hủy hợp đồng.

img

Đã có khoảng 200 triệu đầu lợn tại Trung Quốc bị tiêu hủy vì dịch bệnh. Ảnh: I.T

Còn tại châu Âu, hàng tin AFP dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa Cyclope cho hay, giá thịt cũng đã tăng thêm 18% kể từ đầu tháng 3 khi Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia nhập khẩu lớn đã bắt đầu các hoạt động dự trữ thịt trong kho lạnh đề phòng trường hợp gián đoạn nguồn cung.

Riêng ở Pháp và Đức, theo ông Jean-Paul Simier (chuyên gia phân tích thị trường nông sản tại ngân hàng Credit Agricole, đồng tác giả của báo cáo thường niên mới nhất của Cyclope), giá thịt lợn còn tăng tới 30% kể từ hồi đầu năm nay do những tác động, ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi chiếm tới khoảng một nửa tổng đàn lợn thế giới.  

Mặc dù virus ASF không gây nguy hiểm cho con người nhưng kể từ khi  dịch bùng phát khắp các tỉnh thành ở Trung Quốc vào năm ngoái thì virus này lại gây tử vong cao đối với lợn nuôi và cả lợn rừng.

Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành chiến dịch tiêu hủy lợn dịch quy mô lớn trong nỗ lực ngăn  chặn đà lây lan. Tuy nhiên đến nay dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và đang tiếp tục đe dọa những vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn của nước này như vựa lợn trọng điểm Tứ Xuyên.

Campuchia, Mông Cổ và Việt Nam cũng đang phải hứng chịu tổn thất lớn từ dịch bệnh ASF, buộc các nước này cũng phải tiêu hủy số lượng lợn bệnh khá lớn. Ông Jean-Paul Simier cho biết, việc tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thịt lợn để bù đắp cho sản lượng bị mất.

"Trung Quốc là thị trường quyết định cho ngành hàng thịt lợn thế giới. Bạn cần hiểu rằng tổng đàn lợn của Trung Quốc có lúc lên tới 700 triệu con, trong khi ở Pháp chỉ có 20 triệu con mà thôi", ông Simier cho hay.

FAO cho biết, trong báo cáo mới nhất về thị trường thực phẩm công bố hồi đầu tháng 5 vừa qua cho thấy, sự nguy hiểm của dịch bệnh ASF ở khu vực Đông Á có thể sẽ dẫn tới những tác động rõ rệt tới thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem