Giá heo hơi hôm nay 11/3: Thịt lợn VietGAP bán chạy vèo vèo, giá không hề giảm

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 11/03/2019 05:30 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn tại miền Đông Nam Bộ những ngày gần đây không biến động đáng kể. Tuy giá lợn hơi (heo hơi) đang giảm xuống nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không giảm so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). 
Bình luận 0

Bà Vũ Thanh Trúc – Giám đốc siêu thị Co.opmart ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho biết sức mua thịt lợn tại siêu thị không giảm so với tuần trước. Giá các sản phẩm từ thịt lợn vẫn đang ở mức ổn định, chưa tăng hay giảm dù có tác động từ thông tin dịch tả lợn châu Phi

img

Mức tiêu thụ thịt lợn và giá bán ở các siêu thị vẫn ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ

Còn theo bà Trần Thị Kim Ánh – Chuyên viên thu mua ngành thịt của siêu thị BigC (TP.HCM), đa số thịt lợn được bày là hàng bình ổn, thịt lợn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá bán và sức mua vẫn ổn định, thậm chí tăng hơn so với trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.

Tại siêu BigC (TP.HCM), các mặt hàng thịt lợn VietGAP như bắp giò bán với giá 97.000 đồng/kg; xương lợn 57.000 đồng/kg; sườn non 165.500 đồng/kg; chân giò 90.000 đồng/kg; nạc thăn 125.000 đồng/kg;... Còn tại siêu thị Aeon Mall (TP.HCM), thịt lợn xay được bán giá 99.900 đồng/kg; sườn già 110.000 đồng/kg; ba rọi: 120.000 đồng/kg...  

Buổi sáng cuối tuần tại siêu thị Aeon Mall quận Bình Tân (TP.HCM), khách hàng vẫn nườm nượp ra vào khu thực phẩm. Tại gian thịt lợn, chị Lý Thị Mai (ngụ cùng quận) chia sẻ, thịt lợn bày bán tại hệ thống siêu thị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường xuyên được kiểm tra các chỉ số kháng sinh, dịch bệnh… nên người tiêu dùng yên tâm về chất lượng.

img

Người tiêu dùng vẫn tin tưởng hơn vào các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường xuyên được kiểm tra. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Mai kể vẫn nghe thông tin về DTLCP được nhắc đến những ngày qua nhưng nhu cầu thực phẩm thịt vẫn chưa có nhiều thay đổi trong bữa cơm từng ngày. Điều mà chị Mai quan tâm hơn là giá lợn hơi hiện đang có chiều hướng giảm xuống song thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng dường như không thay đổi.

Xác nhận điều này, ông Lê Văn Tiển – Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) cho biết đúng là giá heo hơi đang giảm xuống cuối tháng 2 đến nay.

Nửa tháng trước, giá heo hơi trên địa bàn vẫn giữ ở mức cao. Đầu tháng 3, tùy theo tùy theo heo hơi loại 2 và loại 1, giá dao động từ 51.000 - 53.500 đồng/kg.

“5 ngày trước, giá heo hơi còn khoảng 51.000 đồng/kg. Đến nay giá heo hơi về chợ chỉ còn 48.000 đồng/kg. Số lượng thì có ngày giảm ngày tăng. Nhìn chung là lượng có giảm dần, phần nào do tâm lý lo ngại DTLCP”, ông Tiển nói.

img

Thịt heo về chợ đầu mối giảm cả số lượng và giá. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại tỉnh Bình Phước, hôm đầu tháng 3, giá lợn hơi dao động từ 47.000 – 54.000 đồng/kg tùy loại nhưng hiện chỉ còn 43.000 – 49.000 đồng/kg.

Tương tự, thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết hiện giá lợn hơi bình quân trên địa bàn tỉnh ngày 10.3 chỉ còn 48.500 đồng/kg; mức giá này đã giảm khoảng 4.000 đồng/kg so tuần trước.

Tuy nhiên, ngay tại thị trường Đồng Nai, mức giá bán lẻ các mặt hàng thịt lợn không thay đổi theo đà giảm giá lợn hơi. So sánh giá ngày đầu tháng 3 và hôm nay cho thấy, thịt lợn nạc vẫn ổn định từ 85.000 – 100.000 đồng/kg; thịt ba rọi: 90. 000 - 110.000 đồng/kg; thịt lợn nạc từ 85.000 – 100.000 đồng/kg.

img

Việc ổn định giá thị trường cũng quan trọng không kém việc hỗ trợ chi phí thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các mặt hàng khác như thịt bò phi lê (250.000 – 300.000 đồng/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn (45.000 – 60.000 đồng/kg); cá diêu hồng (48.000 – 55.000 đồng/kg); trứng gà, trứng vịt (20.000 – 32.000 đồng/chục)… mức giá vẫn ổn định.

Theo chị Lý Thị Mai, để khống chế tốc độ lây lan của DTLCP, phải tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam. Thứ nữa là phải cân bằng được giá thị trường hai miền.

“Việc ổn định giá thị trường tiêu dùng cũng quan trọng không kém việc hỗ trợ chi phí thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy là giải pháp tình thế nhưng cần thiết có thể cấm vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn khỏe mạnh còn lại”, chị Mai nói.

img

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đưa ra nhiều kiến nghị để phòng chống DTLCP. Ảnh: TNO.

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ gửi lên chính quyền tỉnh, Bộ NNPTNT và Chính phủ kiến nghị:

- Tạm thời cấm vận chuyển lợn từ các tỉnh miền Bắc vào miền Nam kể từ đèo Hải Vân trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc. Lập thêm các chốt kiểm dịch ngay từ cửa ngõ của tỉnh Đồng Nai.

- Kiểm soát chặt chẽ và cấm nhập khẩu các sản phẩm bột xương, thịt, huyết và các phụ phẩm khác của lợn từ các nước có dịch vì tiềm ẩn nguy cơ nhiễm DTLCP trong thức ăn chăn nuôi.

- Khử sát trùng phương tiện vận chuyển ra vào các nhà máy thức ăn chăn nuôi. Tăng cường kiểm soát các điểm giết mổ nhất là nhỏ lẻ. Đồng thời khoanh vùng, cô lập trại lợn giống để bảo vệ nguồn giống hạt nhân.

- Cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về cách phòng chống DTLCP để người dân cùng nhau giám sát và hợp tác với chính quyền.

- Nên chọn giải pháp tiêu hủy lợn bệnh bằng phương pháp đốt vì giải pháp chôn lợn bệnh có nhiều rủi ro, ảnh hưởng lâu dài đến nguồn nước ngầm và tái đàn.

- Khi dịch xảy ra với quy mô lớn thì không thể kéo ra để cân từng con, mà nên áp dụng biện pháp đếm con cho dễ kiểm soát; và tính mức hỗ trợ như sau lợn con (1 triệu đồng), lợn choai (2 triệu đồng), lợn thịt (4 triệu đồng), lợn nái (6 triệu đồng).

Ngoài ra nếu áp dụng hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường và mức thấp nhất phải là 38.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới không bán tháo ra thị trường gây lây lan dịch.

- Việc nhận hỗ trợ cần kịp thời, minh bạch và có giám sát để người chăn nuôi mạnh dạn báo dịch và tránh tình trạng gian lận gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem