Giá khoai lang tím Vĩnh Long tăng vùn vụt, nông dân tiếc ngẩn ngơ vì không thể xuất khẩu

Nguyễn Vy Thứ sáu, ngày 13/11/2020 09:37 AM (GMT+7)
Do Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản nên dù giá khoai lang tím Vĩnh Long đang tăng cao vùn vụt, nông dân vẫn phải ngồi "ôm hận" tiếc ngẩn tiếc ngơ vì khoai lang tím Vĩnh Long không thể xuất khẩu được.
Bình luận 0

Năm 2019, giá khoai lang tím Vĩnh Long trồng trên địa bàn huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) chỉ khoảng 350.000 đồng/tạ (ở Vĩnh Long, 1tạ = 60kg); tương đương 1kg khoảng 5.800 đồng.

Giá khoai lang tím Vĩnh Long tăng vùn vụt, nông dân tiếc ngẩn ngơ vì không thể xuất khẩu - Ảnh 1.

Nông dân Vĩnh Long thu hoạch khoai lang tím.

Những ngày cuối tháng 2/2020, giá khoai lang tím Vĩnh Long bất ngờ tăng mạnh lên mức trên 650.000 đồng/tạ (khoảng 12.000 đồng/kg).

Khi đó, giá khoai lang tím tăng giá được cho là do thị trường tiêu thụ hút hàng, trong khi diện tích khoai lang đến kỳ thu hoạch còn lại trên đồng không nhiều nên nguồn cung cho thị trường hạn chế.

Sau thời gian giá bán cầm chừng do dịch Covid-19, cuối tháng 10/2020, giá khoai lang tím Vĩnh Long tiếp tục tăng lên 900.000- 950.000 đồng/tạ (khoảng 15.000-16.000 đồng/kg). Mức giá này cao hơn từ 300.000 - 350.000 đồng/tạ so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Trương Văn Luận - Chủ tịch HĐQT HTX khoai lang tím Tân Thành (huyện Bình Tân) cho biết, giá khoai lang tím hiện đã tăng từ 1,1 triệu đồng đến hơn 1,2 triệu đồng/tạ, tương đương 20.000 đồng/kg.

Giá khoai lang tím Vĩnh Long tăng vùn vụt, nông dân tiếc ngẩn ngơ vì không thể xuất khẩu - Ảnh 3.

Sản lượng khoai thu hoạch đã giảm. Ảnh I.T

Ông Luận cho rằng giá tăng cao vì thị trường hút hàng nhưng nguồn cung đang thiếu. Trước đây, diện tích trông khoai tím ở Vĩnh Long tăng nhanh phần lớn là do tự phát. Sau 3-4 năm liền thất thu nên nhiều người đã giảm diện tích trồng để chuyển qua cây khác có giá trị hơn.

Ông Luận kể, hết ảnh hưởng của dịch Covid-19 lại đến việc Trung Quốc tăng cường tiêu chuẩn kỹ thuật lên hàng nông sản nhập khẩu. Dù giá đang tăng nhưng HTX Tân Thành vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu mặt hàng khoai lang tím.

Suốt giai đoạn từ 2015-2019, khi thị trường còn thông thoáng, trung bình mỗi ngày ông Luận xuất trung bình 30 tấn hàng sang Trung Quốc. "Từ đầu năm tới nay, tôi chưa xuất được lô hàng nào sang thị trường này", ông Luận nói.

Khi thị trường Trung Quốc co hẹp lại, ông Luận thu mua khoai lang tím Vĩnh Long với số lượng hạn chế hoặc bán cho nội địa hoặc xuất khẩu qua Malaysia. Thế nhưng nhu cầu của Malaysia không lớn. Tính ra, mỗi tuần ông chỉ xuất qua đây 1 container hàng.

Giá khoai lang tím Vĩnh Long tăng vùn vụt, nông dân tiếc ngẩn ngơ vì không thể xuất khẩu - Ảnh 4.

Giá khoai tím Vĩnh Long đang tăng cao. Ảnh IT

Trung Quốc vẫn là thị trường rộng lớn. HTX đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục chứng nhận an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng. "Đầu năm sau, HTX sẽ hoàn tất. Hi vọng thị trường lúc đó vẫn duy trì được sức hút", ông Luận nói.

Theo Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Bình Tân, khoai lang là cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân. Diện tích sản xuất mỗi năm hơn 10.000 ha tập trung chủ yếu ở các xã Thành Đông, Tân Thành, Tân Hưng, Thành Lợi.

Thời gian qua, việc chuyên canh khoai lang liên tục nhiều năm đã dẫn đến sâu bệnh hại ngày càng nhiều, gây khó khăn cho nông dân, nhất là khi có đối tượng sâu hại mới xuất hiện.

Để đối phó, nông dân chủ yếu dựa vào việc sử dụng thuốc BVTV nhưng hiệu quả mang lại không cao, trong khi lượng thuốc cung cho cây khoai lang cứ tăng lên theo từng mùa vụ.

Ngoài việc khuyến cáo nông dân nên trồng đa dạng cơ cấu cây trồng hoặc luân canh các loại cây trồng khác để cải tạo đất, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Bình Tân cũng tích cực thử nghiệm mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)  trên khoai lang.

Giá khoai lang tím Vĩnh Long tăng vùn vụt, nông dân tiếc ngẩn ngơ vì không thể xuất khẩu - Ảnh 5.

Khoai lang Vĩnh Long chủ yếu phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Ảnh IT

Kết quả thực hiện 5ha khoai lang trồng thử nghiệm tại xã Tân Thành bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình IPM trên khoai đã giúp tiết kiệm thuốc BVTV trung bình 8 lần/vụ, và lợi nhuận cao hơn 3 triệu đồng/1.000m2 so với ruộng đối chứng của nông dân.

Ông Châu Văn Huấn - Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Bình Tân cho biết, hiệu quả bước đầu từ mô hình góp phần thúc đẩy nông dân thay đổi thói quen canh tác, việc quản lý sâu hại có tính chủ động hơn, sử dụng thuốc luôn cân nhắc đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cho chính người trực tiếp sản xuất.

Đầu tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề án xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với tổng kinh phí hơn 453 triệu đồng.

Đề án này nhằm giúp khoai lang từng bước tiếp cận vào hệ thống phân phối hiện đại, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là đối với xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem