Vốn sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, tuy nhiên do đất đai ít lại kém màu mỡ nên hai vợ chồng bà Thu khăn gói vào Gia Lai lập nghiệp. Năm 1996, hai vợ chồng bà bắt đầu chập chững những bước chân đầu tiên trong công cuộc làm giàu từ cây cà phê. Thế nhưng, đến năm 2015 cà phê bắt đầu già cỗi, kém năng suất thêm vào đó giá cả lại bấp bênh, năm được năm mất nên bà Thu bàn bạc với chồng phá cà phê chuyển sang trồng cam sành.
Những cây cam sành sai trĩu quả của gia đình bà Thu trong vụ thu chính
Nói là làm nhưng hai vợ chồng không trồng ồ ạt cả vườn mà chỉ lấy mấy cây cam sành giống về trồng thử nghiệm trước. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thu kể lại: “Ngày đó tính trồng cả vườn luôn nhưng sợ đất đai không thích hợp, vì thời điểm ấy xung quanh cũng chưa ai trồng loại cam này. Sau một thời gian theo dõi quá trình phát triển cũng như đơm hoa kết trái của loại cam sành thì thấy cây phát triển khá nhanh. Ngoài ra, chất lượng cũng như số lượng cam sànhcũng đạt tiêu chuẩn, khá ngọt và sai quả nên năm 2016 tôi mua gần 800 cây cam sành giống dưới miền Tây về trồng hẳn…”.
Mỗi cây cam có trọng lượng từ 30-40 kg
Sau 28 tháng dày công chăm sóc kỹ càng, vụ thu bói năm 2018 vườn cam sành của bà Thu đạt 2 tấn quả, với giá bán 25.000 đồng/kg. Năm nay sẽ là vụ thu chính đầu tiên, theo dự tính của bà Thu vườn cam sành của bà sẽ đạt sản lượng khoảng hơn 5 tấn. Hiện bà đã thu về gần 3 tấn quả. Với giá bán cam sành tại vườn cho thương lái khoảng 25.000 đồng/kg, dự kiến năm nay vườn cam sành của bà sẽ cho thu về hơn 120 triệu đồng.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Thu là người tiên phong, mạnh dạn trồng cam sành ở đất Đăk Đoa.
Theo bà Thu thổ nhưỡng và khí hậu đất ở Đăk Đoa rất thích hợp để trồng cam sành, năng suất cam sành khá cao, lãi nhiều hơn so với trồng cà phê. Trong khi đó, công chăm bón, tưới tắm cho cây cam sành cũng thấp hơn so với cà phê, hồ tiêu.
"Cam sành thường mắc một số loại bệnh như sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ…Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì những bệnh này cũng không hẳn là quá nguy hiểm. Tôi và chồng cũng thường xuyên ủ tỏi, ớt để phun cho vườn cam. Ngoài ra cần thường xuyên tiến hành tỉa cành già, cành sâu bệnh và phun thuốc trừ sâu để phòng ngừa các loại bệnh trên…”, bà Thu chia sẻ kỹ thuật trồng cam sành.
Khoảng 3 quả cam sành đã đạt 1kg
Về kỹ thuật trồng cam sành, bà Thu chia sẻ thêm, sau khi thu hoạch quả cam sành được khoảng 1 tháng, người trồng cần tiến hành cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành khô héo, cành tăm hương, mọc không đúng hướng…Đặc biệt, người dân nên quét vôi vào gốc cây cam phòng trừ sâu bệnh và bắt đầu một vụ mùa mới chất lượng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tiến hành bón phân cho cây cam sành đầy đủ, cân đối, kịp thời và đúng cách để cây cam sành có thể hút chất dinh dưỡng chuẩn bị cho một vụ mùa mới.
Vì quá sai quả, bà Thu đã lấy các cây khác chống thêm nhưng vẫn không thể đỡ nổi
Dù bước đầu đã thành công với cây cam sành nhưng bà Thu không mở rộng thêm diện tích cam mà quay sang trồng thử nghiệm quýt đường. Hiện trong vườn của bà đã có gần 600 cây quýt đường. Ngoài ra bà còn xen canh thêm 150 cây sầu riêng. Với phương châm không trồng ồ ạt một loại quả, sau 3 năm gắn bó với cây ăn quả trong vườn của bà đã có đủ các loại cây từ cam sành, quýt đường, bưởi da xanh, sầu riêng…
Cam sành của bà Thu khá ngọt khi trồng trên vùng đất lạ
Hội Nông dân thị trấn Đăk Đoa đánh giá cao mô hình trồng cam sành của gia đình bà Thu. Hiện Hội Nông dân huyện này cũng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển bớt một phần diện tích từ trồng tiêu, cà phê sang trồng cây ăn quả
Vui lòng nhập nội dung bình luận.