Gia Lai: Trao vốn nuôi dê dân mau có của ăn của để
Gia Lai: Trao vốn nuôi dê dân mau có của ăn của để
Đức Thịnh
Thứ năm, ngày 04/11/2021 15:00 PM (GMT+7)
Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều hộ nông dân Gia Lai đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi dê và thu hiệu quả kinh tế cao, thoát cảnh nghèo khó, vươn lên khá giàu.
Với mô hình nuôi dê lớn nhất ở buôn Ia Jip, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, ông Nay Hoa (dân tộc Jrai) là điển hình nông dân giỏi sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND.
Ông Nay Hoa cho biết: Tháng 2/2020, gia đình ông được Quỹ HTND cho vay 50 triệu đồng. Ông mua 11 con dê giống và đầu tư làm chuồng trại. Chỉ sau 1 năm rưỡi, đàn dê phát triển lên gần 50 con. Ông đã bán 16 con dê thịt thu được 36 triệu đồng. "Người Jrai trước đây nghĩ nuôi dê không mang lại giá trị kinh tế cao như nuôi bò nên thường chỉ nuôi vài ba con. Trong khi đó, diện tích đồi núi ở đây rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giá dê thịt cao và ổn định. So với nuôi bò hay trồng mì thì hiệu quả kinh tế khi nuôi dê cao hơn hẳn"- ông Nay Hoa nói.
Cụ thể, dê đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con và chỉ nuôi trong năm đã có thể xuất chuồng, đầu ra lại rất thuận lợi. Với giá dê hơi bán 90.000-120.000 đồng/kg, ông thu được 2-3,5 triệu đồng/con.
Theo ông Nay Hoa, ngoài vốn đầu tư con giống, nuôi dê không tốn mấy chi phí. Vấn đề là cần quan sát và chăm sóc kỹ để kịp thời phát hiện một số bệnh thông thường mà dê hay mắc như: Bệnh đường ruột, lở mồm long móng, viêm phổi, mù mắt…
Đánh giá hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, ông Nguyễn Minh Trưởng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai khẳng định: "Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp nông dân kết nối, hợp tác liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 131 mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị, công nhận 149 sản phẩm OCOP".
Ông Nay Ly - Chủ tịch Hội ND xã Chư Drăng cho biết: Toàn xã còn 226 hộ nghèo, chiếm 15,3%. Những năm gần đây, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững, vận dụng những cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao để nhân rộng".
Cũng theo ông Nay Ly, khí hậu, thổ nhưỡng ở Chư Drăng rất phù hợp để chăn nuôi dê. Nếu người dân được tạo điều kiện vay vốn đầu tư nuôi dê thì không chỉ xóa đói giảm nghèo bền vững mà còn có khả năng tích lũy, làm giàu.
Liên kết nông dân nuôi dê
Tại xã Ia Boòng (huyện Chư Prông), tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã cũng được vay vốn Quỹ HTND. Ông Rơ Châm Dung - Chủ tịch Hội ND xã Ia Boòng trao đổi: Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê xã được thành lập tháng 10/2020 với 18 thành viên ở 5 thôn, làng. Mỗi tháng, các thành viên tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ và liên kết tìm đầu ra sản phẩm.
Để hỗ trợ tổ hội nghề nghiệp, tháng 1/2021, nguồn Quỹ HTND huyện đã giải ngân 200 triệu đồng cho 10 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay trong thời gian 24 tháng.
"Đến nay, các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay mua dê giống, mở rộng chuồng trại. Đây là hướng đi mới giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn"-ông Dung nhấn mạnh.
Theo báo cáo Hội ND tỉnh Gia Lai, hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 39 tỷ đồng. Với nguồn quỹ này, các cấp Hội ND đã hướng dẫn hơn 1.700 hộ và nhóm hộ làm các thủ tục cần thiết vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động.
Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân. Do đó, nguồn vốn vay đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn trên địa bàn.
Đáng chú ý, để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, tại các địa phương đã thành lập được các chi, tổ hội nghề nghiệp liên kết sản xuất như: Tổ hội nghề nghiệp trồng điều xã Ia Púch, huyện Chư Prông; chi hội nghề nghiệp trồng cây sầu riêng tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh; tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa; tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê các xã Ia Boòng, Ia Vê, huyện Chư Prông…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.