Giá mà tôi có hai đôi tay!

Chủ nhật, ngày 24/10/2010 10:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vốn bị liệt cả hai chân từ nhỏ, nên mỗi lần nhìn bạn bè cùng lứa được chạy nhảy tung tăng vui đùa, tôi tủi thân đến ứa nước mắt...
Bình luận 0
img
Chị Phạm Thái Hồng ở cửa hàng trang sức của mình.

Tuổi thơ của tôi chỉ là con đường đến trường khó nhọc, rồi lại trở về nhà bên những quyển vở, trang sách, và những chú gấu bông cùng các con hạc giấy… Không có xe lăn, tôi đeo cặp sách sau lưng rồi bám tay vịn vào bờ tường từ nhà này sang nhà khác để dò lần từng bước, từng bước chậm chạp đến trường. Thương con gái thiệt thòi, bố tôi đã viết đơn xin về hưu non rồi đưa tôi đi khắp nơi, chữa trị bằng nhiều phương pháp, nhưng vẫn không đem lại kết quả...

Suốt 12 năm học, dù không có đôi chân nhưng tôi đều đạt học sinh giỏi và đã từng thi đỗ vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Nhưng rồi, niềm mơ ước được ngồi vào giảng đường đại học của tôi đành phải lỡ dở vì tôi biết với sức khỏe và sự hạn chế của mình nếu ra thủ đô trọ học sẽ là gánh nặng quá lớn cho bố mẹ.

Nén đi nỗi buồn, nhất quyết không chịu đầu hàng số phận, tôi quyết định lập nghiệp ngay tại nhà. Từ chỗ gấp những hộp đựng quà bằng giấy, làm các đồ thủ công, cắt, gói các đồ lưu niệm đem giao cho các cửa hàng trong phố, tôi mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng làm và bán đồ trang sức. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm, ngay từ những ngày đầu tôi đã phải nếm trải vị đắng của thất bại.

Chủ nợ đến đòi, khách hàng gây áp lực... đã có lúc định buông xuôi nhưng cứ nhìn đến đôi chân tật nguyền của mình tôi lại gắng gượng. Nhiều đêm tôi phải thức gần đến sáng để ngồi nghiên cứu, sáng tạo ra mẫu mới, hoặc các mẫu theo sở thích của khách hàng.

Đến nay, cửa hàng "Thế giới đồ trang sức" của tôi ở thành phố Thái Bình đã đứng vững và dần khẳng định thương hiệu của mình. Không chỉ ổn định cuộc sống của mình, tôi còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ với mức thu nhập khá, truyền dạy nghề này cho hàng chục người khuyết tật trong tỉnh về làm tại các vùng quê...

Hiện nay tôi là chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật của tỉnh Thái Bình với 60 thành viên là những người kém may mắn. Mỗi tháng, chúng tôi gặp gỡ 1 lần cùng chia sẻ, trao đổi để giúp đỡ nhau có được công việc tự nuôi sống bản thân, cùng nhau tham gia vào các hoạt động xã hội.

Với vai trò chủ nhiệm, tôi luôn chủ động tìm kiếm trên Internet, liên lạc với các nơi dạy nghề, tạo việc làm hay các xưởng, nhà máy, xí nghiệp, công ty… đang cần tuyển dụng để thông báo cho các thành viên trong CLB có nhu cầu và năng lực đáp ứng. Tính đến hết tháng 11-2009, trên 70% thành viên trong CLB đã tìm được những việc làm phù hợp.

Tôi đã được nhiều CLB người khuyết tật trong cả nước mời đi tư vấn, giảng dạy về các kỹ năng giao tiếp, hoạt động nhóm, viết dự án, khởi sự kinh doanh... Có phóng viên một tờ báo mới đây hỏi tôi rằng: "Chị mơ ước nhất điều gì?". Tôi đã không ngần ngại trả lời rằng: "Giá như tôi có thêm hai tay nữa, để có thể làm được nhiều việc hơn cho những người khuyết tật cùng cảnh ngộ...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem