Giải mã giếng lạ, kỳ bí ở Đường Lâm giúp các bà mẹ căng sữa

Phong Lê (Dòng Đời) Thứ bảy, ngày 09/08/2014 07:25 AM (GMT+7)
Giếng nước nhỏ xíu chỉ sâu khoảng hơn 2 mét nhưng nước lúc nào cũng ở mức 1,2m trong vắt. Ở thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm, TX.Sơn Tây, Hà Nội) nhiều người bảo những bà mẹ nuôi con mà uống nước ở giếng này sẽ không bao giờ mất sữa. Đằng sau câu chuyện tưởng như thần bí này là những quan niệm thực sự khoa học mà ông cha đã vận dụng.
Bình luận 0

Con đường đất khấp khểnh dẫn vào đền Mẫu nơi có giếng Sữa ở thôn Cam Lâm- giữa mùa hè mà vẫn âm u khiến cho vẻ kỳ bí của vùng đất 2 vua này càng thêm hiển hiện. Trước 2 ngã rẽ, chúng tôi được hướng dẫn vào đền Mẫu trước để trình, rồi mới sang xin nước giếng Sữa.

Từ câu chuyện kỳ bí về giếng Sữa…

Giếng Sữa nổi tiếng này đang được chị em “rỉ tai” nhau về sự kỳ bí, như mất sữa cả tháng uống nước giếng vào là có sữa ngay; nếu đang mang thai uống nước thì thai nhi và mẹ khỏe mạnh, sinh nở mẹ tròn con vuông. Cụ Phan Thị Sót, thủ từ đền xác nhận thông tin này. Sau khi hướng dẫn chúng tôi đặt lễ xin nước ở đền Mẫu, cụ… bán cho một cái can giá 20.000 đồng để đi lấy nước.

img

 Cụ Phan Thị Sót trên đường đi lấy nước cho sản phụ.

Giếng Sữa cách đền Mẫu chừng 100m, nằm dưới bóng một cây đa, cây si um tùm xanh tốt khiến cho không khí ở đây lúc nào cũng mát mẻ. Xung quanh là các thửa ruộng cao. Một “phụ tá” của cụ Sót nhanh nhẹn mở nắp giếng múc nước đổ vào can cho cụ đặt vào bệ đền phụ nhỏ, rộng chưa tới 3m2 gần bờ giếng. Giếng Sữa gây nhiều ngạc nhiên, miệng giếng rất nhỏ với đường kính khoảng 80cm. Dù nhỏ như vậy nhưng vẫn được xếp gạch theo đúng “chuẩn” xây giếng xưa. Dù mưa nhiều hay khô hạn, nước lúc nào cũng ở mức khoảng 1,2m nước, trong vắt, mát mẻ. Bản thân cụ Sót, thủ từ đền 2,3 năm nay cũng không biết giếng Sữa có từ bao giờ. Cụ chỉ nói vắn tắt, giếng xây cùng với đền Mẫu Thượng Ngàn, nhờ ơn Mẫu để ban sữa cho những bà mẹ ít sữa hoặc mất sữa.

Nước lấy lên, cụ hướng dẫn chúng tôi đặt lễ vào đền và đặt lễ thần cây si bản thổ. Cuối cùng mới là đặt lễ lên miệng giếng. Cụ nhanh nhảu nói: “Tiền đặt lễ ở đền và sân thì tùy tâm, nhưng đặt lễ ở giếng thì theo lệ bé trai đặt 7 đồng (7.000 đồng), bé gái đặt 9 đồng (9.000 đồng) rồi khấn xin sữa cho bà mẹ và em bé”.

Chúng tôi khấn xong, nghe cụ hướng dẫn: “Nước mang về tới nhà thì cho ngay sản phụ uống, phần nước còn lại thì để nấu cháo móng giò cho sản phụ ăn. Trong quá trình rót nước, không được để rơi ra ngoài đất giọt nào. Nếu rớt ra ngoài là nước mất thiêng ngay”.

... tới niềm tin được truyền miệng

Giếng Sữa ở Cam Lâm được hầu hết người dân xã Đường Lâm và nhiều xã lân cận “tín nhiệm”. Bà Kiều Thị Hương- người thôn Mông Phụ cho biết cháu gái bà sinh con, bị mất sữa gần 1 tháng, lên đây xin nước về uống. Được khoảng 3 ngày sau thì có sữa về. “Hầu hết phụ nữ bị mất sữa ở đây và các xã lân cận như Cam Thượng, Tây Đằng …đều đến xin nước ở giếng Sữa”.

img

Giếng nước nhỏ lúc nào cũng đầy ắp nước. 

Chị Phan Thị H, một sản phụ trong xã cho biết, người đến xin nước ở giếng Sữa phần lớn là mất sữa cả tháng, 2 tháng không rõ nguyên nhân. Nhiều người không đi khám mà uống nước giếng Sữa và cũng có ứng nghiệm. Theo bà Hương, trước kia việc xin nước giếng Sữa khá đơn giản. Người dân chỉ cần mang chai, can ra giếng lấy nước, rồi đặt lên đền khấn vái xin Mẫu phù hộ cho sữa là mang nước về. Không cần đặt lễ hoa quả hay tiền.

“Từ khi thông tin về giếng Sữa được nhiều người biết tới, chúng tôi mới thấy người ở Hà Nội và các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ … tới đây xin nước, đặt lễ hoa quả và tiền”. Nói về độ “tín”, cụ Phan Thị Sót khẳng định, ngày cao điểm bà làm lễ cho tới 25 trường hợp xin nước giếng Sữa. Rồi bà đọc vanh vách một vài trường hợp thành công và đọc thuộc lòng cả một đoạn tin nhắn của anh Đỗ Văn Sơn (Bắc Ninh) cảm ơn bà vì nhờ nước giếng Sữa mà vợ anh có sữa cho con bú đủ. Bà cũng khẳng định, nước giếng xin về, nếu thành tâm thì chậm nhất là 7 ngày sau, sản phụ sẽ có sữa. Đặc biệt, sau khi xin nước 3 ngày, sản phụ phải làm lễ tạ. Khi chúng tôi thắc mắc: “Sản phụ hầu hết vừa sinh nở, trông con nhỏ sơ sinh nên không đi được xa, làm sao mà lễ tạ được?”, cụ Sót bảo chỉ cần người đi xin hộ gửi lễ tạ lại cho cụ, 3 ngày sau gọi điện, cụ tạ … hộ. Với những trường hợp không có sữa, cụ khẳng định là “làm không đúng hoặc không tin là mẫu không cho”.

Giếng Sữa từ góc nhìn khoa học

Trò chuyện với người dân trong vùng, chúng tôi nhận thấy không phải ai cũng tin nhưng cũng không bác bỏ. Nhiều người trẻ tuổi cho biết, trước kia giếng vắng vẻ, trẻ con đi học khát nước thường xuống đó múc nước uống. Chúng tôi cũng xin một cốc nước uống thử thấy vị ngọt và mát như nước mưa, nước trong, chứng tỏ mạch nước ngầm ở đây khá đầy và tốt.

Nhìn từ góc độ khoa học, bác sĩ sản khoa Nguyễn Thị Hương (Hà Nội) cho biết, với cuộc sống hiện đại, phụ nữ sau sinh có rất nhiều lý do dẫn tới mất sữa như quá căng thẳng khi không thấy sữa non về hoặc không thấy hiện tượng tiết sữa. Chính sự lo lắng này đã khiến sản phụ rơi vào tình trạng có ít sữa hoặc có rồi lại dần mất đi. Trầm cảm sau sinh cũng là một yếu tố khiến các bà mẹ mất sữa; Ăn uống quá kiêng khem vì sợ bị thừa cân sau sinh cũng làm ảnh hưởng đến việc tiết sữa cũng như chất lượng sữa. Không có chế độ nghỉ ngơi hay thường xuyên bị mất ngủ do con quấy khóc mà không được ngủ bù ngày hôm sau cũng khiến mẹ bị mất sữa. Sữa thừa đọng lại ở bầu sữa nhiều sau mỗi cữ bú nên làm tắc tuyến sữa, viêm vú, áp xe tuyến vú dần cũng dẫn đến việc mất sữa. Đặc biệt, một lý do khiến ít sản phụ nghĩ tới là uống ít nước làm cơ thế thiếu nước khiến việc tiết sữa ít đi.

Khi nói về khả năng “uống nước giếng Sữa là có sữa”, bác sĩ Hương khẳng định là có cơ sở khoa học, và là một quan niệm, một cách “chữa bệnh” rất thông minh của các cụ xưa. “Như tôi phân tích, việc bà mẹ bị mất sữa phần lớn là do lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và uống ít nước. Nước giếng bình thường, nếu phân tích thành phần thì chắc chắn cũng chỉ như các loại nước lã khác. Nhưng người dân mình vốn có tín ngưỡng thờ Mẫu, tín Mẫu, khi uống nước với niềm tin đã được thần linh phù hộ để có sữa, các vấn đề về tinh thần được giải tỏa. Nước múc về, vì tin là “nước thần” nên các mẹ uống nhiều. Khi có nhiều nước thì cơ thể cũng tạo nhiều sữa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem