Những ngày qua, Dân Việt đã liên tục phản ánh vụ việc hai nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh bị chủ quán hành hạ.
Cụ thể, hai người giúp việc trong quán bánh xèo Miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên xuất hiện những vết thương bất thường: gãy răng, thâm tím, có vết chém trên tay, lưng xuất hiện nhiều vết thương, …
Tối 23/11, Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 34 tuổi ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, chủ quán bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong về hành vi "hành hạ người khác". Tại cơ quan công an, Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể là một trong những quyền nhân thân cơ bản và quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của mỗi công dân.
Mỗi cá nhân được quyền sống được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể và không một chủ thể nào có quyền xâm phạm đối với quyền nhân thân này.
Quy định về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể được pháp luật được ghi nhận trong các văn bản khác như Hiến pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự ,...
Những cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm, gây ra thiệt hại đối với quyền nêu trên đều phải chịu trách nhiệm bồi thường và các loại trách nhiệm khác tùy theo mức độ gây ra thiệt hại.
Cá nhân mỗi người đều có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của mình thay vì cá nhân tự bảo vệ.
Ngoài ra, Luật trẻ em năm 2016 quy định, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động...
Các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em đều bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh.
"Như vậy, trong vụ việc nêu trên, tuỳ theo mức độ của vụ việc, chủ quán bánh xèo có thể bị bị phạt tù từ 1 đến 3 năm", luật sư Bình thông tin.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, giám định tỷ lệ thương tật đối với 2 nhân viên của quán.
Nếu như trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n điều 134 Bộ luật hình sự 2015 hoặc đối với người dưới 16 tuổi, với 2 nạn nhân thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.
Tội "hành hạ người khác" được quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự 2015 cụ thể như sau:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
c) Đối với 2 người trở lên.
Tin cùng chủ đề: Quán bánh xèo ở Bắc Ninh bạo hành nhân viên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.