Cần giúp ND đủ tự tin bảo vệ mình
“Ngày 11.12.2014, được sự thống nhất của các cơ quan, đơn vị có liên quan, tỉnh Hậu Giang đã thông qua quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội ND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Công Thương và Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang. Hiện Hội ND tỉnh được giao xây dựng kế hoạch triển khai và đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp, dự kiến sẽ triển khai trong tháng 5” – ông Trần Văn Trợ - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban chỉ đạo chương trình phối hợp này cho biết.
Đội quản lý thị trường số 2 (TP.Vị Thanh) kiểm tra phân bón tại một cửa hàng VTTN trên phường 4. Ảnh: Chúc Ly
Theo nhận định của ông Trợ, thông qua hoạt động giám sát, Ban chỉ đạo sẽ kịp thời phát hiện những hạn chế trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hoạt động này cũng được kỳ vọng sẽ phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng VTNN, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, qua đó nâng cao năng lực giám sát của cán bộ, hội viên, ND.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ quản lý thị trường, ông Ung Hữu Nghị - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hậu Giang) nêu ý kiến: “Việc thực hiện ký kết phối hợp về giám sát thực hiện pháp luật về mặt quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN tạo thuận lợi cho lực lượng quản lý thị trường rất nhiều vì sẽ giúp cho ND hiểu được vai trò của mình. Trước đây, tâm lý ND còn rất e ngại khi trình báo phân bón giả với cơ quan chức năng. Rất mong, khi chương trình ký kết phối hợp giám sát được triển khai rộng, ND sẽ tự tin hơn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”.
“Cảnh báo sớm” đối với cơ sở kinh doanh
Quan điểm
Ông Nguyễn Hồng Sáng -Chủ tịch Hội ND xã Long Bình (huyện Long Mỹ, Hậu Giang)
Khi đã có sự phối hợp trong giám sát, điều trước tiên là phải nâng cao nhận thức của ND trong việc chủ động, có ý thức đấu tranh, trình báo khi phát hiện phân bón giả.
Cũng theo ông Nghị, trong năm, lực lượng quản lý thị trường có 1-2 đợt kiểm tra định kỳ ở các cơ sở kinh doanh VTNN, với hình thức chọn ngẫu nhiên. Sau khi ký kết liên tịch giữa các cơ quan Hội ND, Mặt trận, Sở NNPTNT, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường được Sở Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, có sự phối với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên ngành.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, lực lượng quản lý thị trường tổ chức 189 đợt kiểm tra (về phân vô cơ), trong đó có 7 vụ do nhân dân phản ánh. Trong số 7 vụ do dân báo thì có 1 vụ lực lượng kiểm tra đã thực hiện trình diễn sử dụng phân bón tại chỗ, mời người bán phân bón, nhà sản xuất và ND cùng đối chứng, để kiểm tra chất lượng phân bón.
Theo Ban chỉ đạo chương trình phối hợp giám sát VTNN của tỉnh, huyện Châu Thành A dự kiến được chọn thực hiện thí điểm, sau đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng. Nội dung giám sát đầu tiên là về mặt pháp luật (kiểm tra, giám sát các cơ quan chức năng thực hiện pháp luật về mặt quản lý). Tiếp đó là nội dung phát động các đơn vị kinh doanh trên địa bàn cam kết thực hiện không bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả cho ND. Cùng với những hoạt động trên, một lớp tập huấn tại tỉnh và một lớp cho các cán bộ Hội ND cấp huyện, xã và một số chi hội cũng sẽ được tổ chức để giúp các cán bộ tham gia nắm rõ vấn đề này.
Lên kế hoạch tập huấn cho nông dân
Liên quan đến các vấn đề chuyên môn, Chi cục Bảo vệ thực vật sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính, thực hiện tuyên truyền rộng rãi trong dân và ban hành các tài liệu có liên quan. Đồng thời, chi cục sẽ phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất phân bón tổ chức những lớp tập huấn cho ND giúp phân biệt phân bón thật, giả. Việc giám sát thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN là thực hiện nâng cao vai trò tham gia phản biện xã hội của người dân.
Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.