Gian nan biến muối đen thành muối trắng

Thứ năm, ngày 29/09/2011 19:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần đây, có một doanh nghiệp tư nhân liên hệ với nhiều địa phương giới thiệu một kỹ thuật tẩy trắng muối đen bằng “chiếc bồn kỳ diệu”, có thể chế biến muối đen giá trị thấp thành muối trắng.
Bình luận 0

Trên một nửa trong số 2.000 hộ dân của phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa sống bằng nghề muối. Nhiều năm gần đây, cái nghề truyền thống này chẳng còn mang lại cơm áo cho họ nữa vì dù có được mùa hay mất mùa, giá muối vẫn chỉ quẩn quanh 500-700 đồng/kg.

Biết rằng, không thể bám vào đồng muối truyền thống để sinh nhai vì hạt muối làm ra luôn bị chê đen, nhưng để có được hạt muối trắng rất khó. Loay hoay cải thiện mãi mà hạt muối của diêm dân vẫn cứ bị chê đen…

img
Tinh chế muối tại Ninh Diêm, Ninh Hòa.

Biết làm nhưng thiếu vốn

Ông Trương Công Hiến - Chủ nhiệm HTX Muối 1.5, cho biết, đã sắp hết mùa muối nhưng HTX mới sản xuất được hơn 2.000 tấn, trong khi đó kế hoạch là 9.000 tấn/năm. Đã mất mùa, năm nay muối lại mất giá, chỉ quanh quẩn 400 - 500 nghìn đồng/tấn. Tại sao bà con không đầu tư làm muối theo công nghệ mới, đạt năng suất cao hơn, chất lượng muối tốt hơn, bán được giá hơn?

Về vấn đề này, theo ông Trương Công Hiến, không phải diêm dân không biết cách làm muối đạt chất lượng cao hơn muối làm theo cách cổ truyền. Năm 2009, HTX Muối 1.5 liên doanh với một công ty của Hàn Quốc để sản xuất muối theo công nghệ lót bạt trên diện tích 10ha. Trong đó, 9ha để phơi nước, 1ha để nước chạt kết tinh. Năm nay, 10ha ruộng muối lót bạt cho sản lượng khoảng 1.500 tấn, trong khi 102 ha còn lại của HTX làm theo cách cổ truyền chỉ sản xuất được 2.000 tấn.

Tuy nhiên, làm muối lót bạt cần khoản vốn đầu tư rất lớn. Để đầu tư 10ha ruộng muối lót bạt cần khoảng 1,2 tỷ đồng và để chuyển toàn bộ diện tích của HTX sang sản xuất muối theo công nghệ lót bạt cần khoảng 12 tỷ đồng. Đối với một HTX thì đây là một số vốn khổng lồ, huống hồ gì đối với hộ diêm dân. “Vay tiền ngân hàng thì khó có thể tránh khỏi bị phá sản với mức lãi suất hiện nay” – ông Hiến nói.

Có một cách khác để nâng cao chất lượng muối, đó là tinh chế muối. Những hạt muối bị chê là đen sẽ được hòa tan thành nước. Sau đó lắng lọc loại bỏ tạp chất rồi nấu kết tinh lại. Cách làm này không quá khó với diêm dân. Ở Ninh Diêm có 4 cơ sở chế biến muối tinh chế, nhưng thu nhập của lao động ở các nơi này cũng chẳng cao vì chi phí cho công lắng lọc, đun nấu kết tinh lại hạt muối rất cao, đó là chưa kể vốn đầu tư ban đầu trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trông chờ “chiếc bồn kỳ diệu”?

Gần đây, có một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) liên hệ với nhiều địa phương giới thiệu một kỹ thuật tẩy trắng muối đen bằng “chiếc bồn kỳ diệu”.

Theo họ, với “chiếc bồn kỳ diệu”, có thể bảo quản muối không bị tổn thất khi gặp mưa bão. Hơn nữa, cùng với “chiếc bồn kỳ diệu” và một ít hóa chất (do họ bán độc quyền) sẽ có thể chế biến muối đen giá trị thấp thành muối trắng, muối xuất khẩu chất lượng cao. Giá mỗi “chiếc bồn kỳ diệu” có công suất chế biến 500 tấn muối/năm là 100 triệu đồng.

Chưa rõ hiệu quả thực sự của “chiếc bồn kỳ diệu” ra sao, nhưng DNTN nọ đòi thêm tiền “chuyển giao công nghệ” với mức 50 triệu đồng/bồn.

Ông Trương Hữu Lan – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Chủ DNTN này cũng đã đến gặp Sở KHCN tỉnh Khánh Hòa và chi cục giới thiệu về công nghệ này. Tuy nhiên, để biến được muối đen thành muối trắng như họ nói, còn có nhiều việc khó khăn phải vượt qua.

Ví như, đào tạo cho nông dân công nghệ mới, thuyết phục diêm dân tiên tiến hưởng ứng và quan trọng hơn cả là vận dụng thành công nguồn vốn ưu đãi để diêm dân có thể vay vốn, đầu tư cho công nghệ mới… Và còn cần phải thẩm định xem lời hứa bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu của DNTN nọ có chắc chắn không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem