Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lý giải vì sao cần cấm nuôi gián đất

Thứ ba, ngày 25/03/2014 13:17 PM (GMT+7)
Hôm nay (25.3), các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh sẽ có buổi làm việc trực tiếp với các chủ trang trại được cấp phép nuôi gián đất. Dân Việt xin trích nguyên văn bài viết của GS Nguyễn Lân Dũng để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về gián đất và lý do vì sao cần cấm nuôi.
Bình luận 0
Tôi tìm hiểu thông tin trên các báo cho thấy: Phong trào nuôi gián đất ở Trung Quốc có thể xem như bắt đầu xuất hiện từ năm 2003… và cho đến hôm nay đã có không ít nông dân lỡ đầu tư vào phi vụ này và phải thừa nhận: “Đây chỉ là một trò lừa đảo”.

Ban đầu phong trào nuôi gián đất xuất hiện ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải… Đã có không ít người nông dân tin mù quáng và đầu tư vào mô hình này một cách tự phát mà không có bất kỳ sự hướng dẫn, tư vấn nào từ các cơ quan có trách nhiệm. Ngay sau đó, họ nhanh chóng phải trả giá cho quyết định đầu tư, để quỹ đất nuôi gián đất ồ ạt.

Anh Liu Xingqing (45 tuổi, nông dân ở Quảng Đông) mới đây đã có lời chia sẻ ngậm ngùi trên Tân Hoa xã: “Nếu những ai đang có ý định nuôi gián đất và hy vọng có thể trở thành triệu phú từ cách làm này thì nên dừng lại. Những kẻ bán con giống luôn hứa lo “đầu ra”, nhưng thực chất bán xong vài đợt giống là chúng bỏ đi. Đầu tư, đâm đầu vào gián đất đồng nghĩa với mất tiền, ôm nợ…”.

Trang Dahe Daily còn đưa tin, một thủ đoạn lừa đảo khác cũng được nhóm xưng danh là công ty, là nhà khoa học, hướng dẫn nuôi, chăm sóc con giống. Sau 2-3 năm, khi tạo được lòng tin, hàng trăm, hàng nghìn nông dân bắt đầu đua theo nuôi gián đất, nhóm người này ôm tiền đặt cọc mua con giống của nông dân rồi bỏ trốn. Như năm 2008, 22 nông dân ở thị xã Tân Mật, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam bị lừa hơn 200.000 nhân dân tệ…

Tân Hoa xã đầu tháng 3 này còn đưa tin, tháng 8 năm ngoái, chỉ vì tin theo và nuôi gián đất, nông dân ở huyện Lê Thụ, tỉnh Cát Lâm đã bị lừa 100.000 nhân dân tệ. Hai người đàn ông đến Lê Thụ, lập công ty bán thuốc chế biến từ gián đất và cung cấp cả trứng gián cho nông dân với cam kết sẽ bao tiêu đầu ra nếu nông dân chịu mua con giống và chăm theo kỹ thuật mà họ đưa ra. Thực chất, nhóm người này chỉ buôn trứng gián bán lại cho nông dân và kinh doanh mặt hàng này theo kiểu đa cấp.

img

Tuy nhiên, theo Báo điện tử VnExpress thì cũng có những người đề cao việc sử dụng gián đất để chữa bệnh. Ông Liu Yusheng, Giáo sư Đại học Nông nghiệp Sơn Đông và là người đứng đầu Hiệp hội Côn trùng tỉnh này, nói: "Chúng có thể chữa được nhiều bệnh và phát huy tác dụng nhanh hơn nhiều so với các loại thuốc khác".

Theo Giáo sư Liu, một loại kem làm từ bột gián đang được sử dụng trong vài bệnh viện Trung Quốc để chữa bỏng và làm mặt nạ chăm sóc sắc đẹp tại Hàn Quốc. Trong khi đó, một công ty dược phẩm ở tỉnh Tứ Xuyên điều chế được loại siro hứa hẹn có thể chữa viêm dạ dày, loét tá tràng và lao phổi từ gián.

"Trung Quốc gặp vấn đề từ sự già hóa dân số", giáo sư Liu giải thích, "Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng tìm ra loại thuốc mới cho người già. Loại thuốc này phải rẻ hơn thuốc Tây. Ngoài ra, chúng tôi còn có truyền thống ăn côn trùng".

Trong thập niên qua, ông Wang từng nuôi một loại côn trùng khác là gián đất (Eupolyphaga sinensis) cũng được dùng trong phương thuốc cổ truyền Trung Quốc. Nhưng từ năm 2011, khi nhu cầu về gián bắt đầu tăng vọt, Wang chuyển sang nuôi loài gián Mỹ (Periplaneta americana) màu đồng, dài tối đa 4 cm.

Gián đất có tên khoa học là Eupolyphaga sinensis, tiếng Trung Quốc thường gọi là thổ miết trùng. Đây là loài gián không cánh thuộc chi Eupolyphaga, họ Corydiidae, bộ Blattodea, lớp Côn trùng Insecta, gốc gác vùng miền tây Trung Quốc và Mông Cổ. Gián đất có màu nâu đen, bò rất nhanh và không biết bay, gián nhà có màu nâu vàng và bay vù vù. Theo Trung y đây là một loại dược liệu, gần đây nhiều người nuôi gián đất để làm thức ăn nuôi một số loại cá.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống thì gián đất, còn gọi là địa miết trùng, thổ miết trùng, địa ô quy, tiết tiết trùng, giá trùng…, gián đất có vị mặn, tính lạnh, có độc, có công dụng hoạt huyết hoá ứ, tiêu thũng chỉ thống, thông kinh lợi sữa, được dùng để chữa các chứng trùng hà tích tụ, bế kinh, đau bụng sau sinh nở do ứ huyết, tắc tia sữa, tổn thương do trật đả, viêm loét miệng, tê lưỡi, cứng lưỡi, lao hạch… Đau lưng cấp: Gián đất 9 con sấy khô tán bột, chia uống 2 lần trong ngày. Bế kinh đau bụng: Gián đất 20 con, đào nhân 20 hạt, đại hoàng 15g, sấy khô tán bột, luyện mật làm hoàn, chia làm 4 phần, mỗi ngày uống 1 phần chia làm 2 lần. Đau bụng cấp tính, nổi những khối tròn không tiêu: Gián đất 2 con, xuyên sơn giáp 15g, đào nhân giã nát 9g, hải tảo 9g, toàn quy 9g, huyền hồ sách 9g, một dược 6g, mẫu lệ sao 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia uống 2 lần. Chú ý: Khi dùng phải loại trừ đau bụng ngoại khoa. Tổn thương do trật đả gây đau nhức: Gián đất 5g, trạch lan 20g, nga bất thực thảo 20g, sắc uống. Xơ gan: Gián đất 6g, đẳng sâm 9g, phục linh 9g, đại hoàng chế 9g, đào nhân 6g, long đởm thảo 6g, chi tử 9g, râu ngô 30g, a giao 9g sao phồng, bột xuyên sơn giáp 1,2g (uống ngoài), sắc uống mỗi ngày 1 thang. Ung thư gan: Đại hoàng giá trùng hoàn (một loại thuốc hoàn trong thành phần có gián đất) uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 4,5g với nước ấm. Các tổn thương do trật đả nhưng không có hiện tượng sưng đỏ: Gián đất 120g, đương quy 90g, xuyên khung 90g, hồng hoa 60g, phòng phong 60g, chế nam tinh 60g, bạch phụ tử 60g, tất cả sấy khô tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1,5g. Lao hạch: Gián đất tươi, trần ngõa hoa, hai thứ giã nát đắp vào tổn thương. Làm xương gãy nhanh liền: Gián đất sao tồn tính, tán bột, uống mỗi ngày 6 - 9g với nước ấm. Bí tiểu tiện: Gián đất 10 con bỏ chân rang vàng, mộc thông 10g, xa tiền 10g, kinh giới 10g, đăng tâm 10g, sắc uống. Hoặc gián đất đâm với củ kiệu hoặc lá hành, củ tỏi, hoà với dầu vừng đắp vào rốn. Tuy nhiên, muốn sử dụng bài thuốc có hiệu quả cần phải được các thầy thuốc hoặc các lương y có kinh nghiệm bắt mạch kê đơn.

img

Tại tỉnh Bắc Ninh, một số hộ đã đầu tư nuôi gián đất cho hay, qua người quen giới thiệu bên Trung Quốc đang phát triển rầm rộ phong trào nuôi gián đất nên giữa năm 2013 đã mua trứng gián Trung Quốc với giá 150 tệ/kg (tương đương 500.000 đồng/kg) về nuôi. Kỹ thuật nuôi gián đất dễ, không phải đầu tư cầu kỳ. Thức ăn lại dễ kiếm, chỉ cần cám, bí, rau băm nhỏ. 1 kg trứng gián có thể sinh sôi nảy nở thành 16.000 con. Thương lái Trung Quốc sẽ sang tận nơi chuyển giao kỹ thuật nuôi, đồng thời cũng là đối tác nhận thu mua toàn bộ gián thương phẩm về để làm thuốc. Giá phía Trung Quốc đang thu mua hiện nay khoảng 200.000 đồng/kg gián tươi. Còn gián khô là 11,7 triệu đồng/kg. Không chỉ xuất hiện ở miền Bắc, gián đất còn được nuôi ở một số tỉnh phía Nam.

img

Nguyên nhân của việc phát triển nuôi gián đất ở Bắc Ninh là do Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh này. Ông Ngô Tấn Phượng - Phó giám đốc Sở KHĐT Bắc Ninh - cho biết: "Về phía sở, chúng tôi đã nhận thấy sai sót của mình trong việc cấp phép nuôi gián. Sở sẽ xem xét để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp cho hai chủ cơ sở nuôi gián ở huyện Gia Bình và huyện Lương Tài, không để họ phải chịu thiệt thòi". Tuy nhiên ông Nguyễn Đình Nguyên, một chủ hộ nuôi gián ở xã Xuân Lai, huyện Gia Bình không đồng ý chỉ được hỗ trợ như vậy. Ông Nguyên cho biết trước khi nuôi gián đã có đơn xin phép và được cấp phép cho sản xuất kinh doanh, không thể chỉ nói hỗ trợ là xong. Ông đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để nuôi gián đất, bây giờ bắt tiêu hủy là mất hết. Ông nói: "Sở KHĐT là đơn vị cấp sai phép cho tôi nuôi phải chịu trách nhiệm, phải đền bù cho gia đình tôi".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 7.3 đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân có liên quan. Theo Bộ NNPTNT, về cơ sở khoa học, cho đến nay chưa có tài liệu chính thức nào khẳng định tính có lợi của gián đất và hiệu quả gây nuôi gián đất. Trong khi đó, các gia đình Việt Nam vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tiêu diệt loại côn trùng này. Bộ NNPTNT yêu cầu người dân không được tự ý gây nuôi khi chưa được phép.

Theo phát biểu của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo… Hằng năm, trong danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Do vậy, đây là loài Việt Nam đang tiêu diệt, không có lý gì chúng ta lại nhập về nuôi”.

Ông Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng: Việc người dân tự ý nhập gián đất về nuôi là vi phạm pháp luật. Gián đất không có trong danh mục giống vật nuôi được phép kinh doanh, sản xuất.

Theo TS Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư), gián đất là loại côn trùng chân đốt, có vỏ cứng nên tiêu diệt rất khó.

Một số tài liệu Trung Quốc có nói gián đất có tác dụng trong Đông y để chữa bệnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này. “Cũng giống như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, khi nhập vào không lường hết được tác hại sau này. Vì vậy, cơ quan kiểm dịch của Việt Nam cần phải kiểm soát chặt chẽ đối với loại gián đất”, TS Chính khuyến cáo.

Trước mối nguy hại của gián đất, Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) đã cử các nhà khoa học thu thập lấy mẫu phân tích.

PGS-TS Khuất Đăng Long, Phòng Sinh thái côn trùng, Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật chia sẻ: “Gián là loại côn trùng thường có mầm bệnh không thể kiểm soát. Người dân có thể chạy theo lợi nhuận trước mắt, cái lợi chưa thấy đâu, nhưng cái hại luôn tiềm ẩn nguy cơ rình rập”.
Thanh Xuân (ghi) (Thanh Xuân (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem