Gỡ khó cho hộ nghèo làm ăn

Thu Hà Thứ tư, ngày 07/01/2015 09:01 AM (GMT+7)
“Nhờ được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã thoát nghèo, từng bước xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc và có điều kiện nuôi 2 con ăn học nên người” – ông Nguyễn Văn Tuyến ở xóm 4, xã Chính Tâm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) phấn khởi nói.
Bình luận 0

Dư sức trả nợ ngân hàng

Năm 2012, gia đình ông Tuyến được coi là một trong những hộ nghèo nhất xóm. Cuộc sống vốn chỉ trông chờ vào vài sào lúa, nay các con đến tuổi ăn tuổi học lại càng khó khăn hơn. “Thấy nhiều người trồng nấm cho thu nhập cao, tôi cũng đến học hỏi kinh nghiệm để làm nhưng “cái khó bó cái khôn”, tiền không có, định làm cái gì bà nhà tôi cũng gạt phắt đi vì sợ phải đi thuê tiền bên ngoài với lãi suất cao, làm ăn không khéo lại bể nợ” - ông Tuyến thật thà kể lại.

img
Ông Nguyễn Văn Tuyến tưới nước giữ ẩm để nấm mỡ phát triển đều. 
Đang lúc cần vốn, ông Tuyến được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Kim Sơn cho vay 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Ông Tuyến quyết định xây dựng trại nấm. Theo ông Tuyến, cái hay của nghề là tận dụng được sản phẩm phụ của nhà nông như rơm, rạ, quy trình trồng nấm cũng không quá phức tạp, chỉ cần theo học 1 khóa ngắn ngày là có thể làm được.

 

Vốn nhỏ nhưng được đầu tư đúng hướng, năm 2013, gia đình ông Tuyến từ hộ nghèo đã lên hộ cận nghèo. Đến năm 2014, gia đình ông Tuyến thoát nghèo và bắt đầu có của ăn của để. Với diện tích trại nấm 200m2, mỗi năm ông dùng 5 tấn rơm làm nấm sò và 5 tấn rơm làm nấm mỡ. Trừ chi phí, ông Tuyến có khoản lãi khoảng 30 triệu đồng từ trồng nấm. Ngoài ra, với 250 gốc đào phai, đến cuối năm, ông thu được thêm khoảng 20 triệu đồng. Nếu kể cả nguồn lãi khoảng 10 triệu đồng từ xuất bán 1 tạ gà, ông kiếm được hơn 60 triệu đồng/năm. Tháng 8.2014 vừa qua, ông Tuyến đã hoàn trả cả vốn và lãi cho ngân hàng.

Không có nợ quá hạn

Quan điểm

Ông  Nguyễn Văn Tuyến
  Trả nợ cho Ngân hàng CSXH xong, tôi vẫn tích lũy được ít tiền. Số tiền này tôi tiếp tục đầu tư cho trại nấm và mở rộng quy mô nuôi lợn, gà, nâng cao thu nhập cho gia đình”.  
Chung hoàn cảnh như ông Tuyến, chị Trần Thị Quế (xóm 1, xã Chính Tâm) bày tỏ: “Tháng 3.2014 được Hội ND xã hướng dẫn, tôi làm đơn và được Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn cho vay 15 triệu đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Có vốn, tôi đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn nái ngoại nạc và lợn thịt. Nhờ chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nên đàn lợn của tôi phát triển tốt, chưa gặp dịch bệnh bao giờ. Mỗi năm tôi có khoản lãi 30 triệu đồng từ đàn lợn. Tôi tin nếu mình chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống gia đình sẽ khấm khá dần”.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thể - Chủ tịch Hội ND xã Chính Tâm cho hay: Thực hiện công tác ủy thác vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện, Hội ND xã đang trực tiếp quản lý 5 chương trình vay vốn thông qua 6 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 6 xóm trên địa bàn. Chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã gỡ khó cho ND nghèo, góp phần hình thành mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho ND. Nhờ thực hiện tốt công tác giải ngân, thu nợ, nhiều năm liền tổ chức hội ND không có nợ quá hạn”.

Còn ông Đặng Văn Thắng – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn cho biết thêm: Để thực hiện tốt công tác, giải ngân, thu hồi vốn Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn đã phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội ND để chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến các đối tượng chính sách, nhanh chóng, dễ dàng, đảm bảo đúng đối tượng. Tính đến 30.11.2014, Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn đang thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ cho vay là 276,156 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 0,64%. Trong đó chương trình cho vay hộ nghèo là 58,926 tỷ đồng với gần 5.000 hộ còn dư nợ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem