Góp lúa, khoai nuôi ca trù

Thứ năm, ngày 04/08/2011 14:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 3 năm quyết tâm khôi phục, phong trào hát ca trù ở làng Đông Dương đã đều đặn trở lại. Dân làng sẵn sàng đóng góp hạt lúa củ khoai để câu lạc bộ ca trù của họ có kinh phí hoạt động.
Bình luận 0

Đông Dương (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch), là nơi duy nhất ở Quảng Bình còn bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù. Người làng Đông Dương luôn giữ được điệu hát độc đáo này bởi ai ai cũng say hát ca trù.

img
Các thành viên CLB Ca trù Đông Dương

Những người “giữ lửa”

Theo các bậc cao niên ở làng Đông Dương kể lại, ca trù đã có mặt ở đây trên 200 năm, từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, làng có các đoàn ca trù đi diễn khắp nơi, từ kinh đô Huế ra đến Kinh Bắc...

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt là vậy nhưng chiếu hát ca trù ở làng Đông Dương vẫn tồn tại, vẫn “át” cả tiếng bom trong các ngày hội làng. Cũng có thời gian dài, điệu hát ca trù ở làng Đông Dương lắng xuống, nhưng từ đầu năm 2000 đến nay, nó lại được phục hồi và phát triển, bởi những người tâm huyết như các ông bà Lê Tấn Đạt, Hồ Xuân Thể, Phạm Xuân Hộ, Phạm Thị Thứu...

Năm 1999, quyết tâm "nhóm" lại "ngọn lửa" ca trù của làng, họ đã đứng ra thành lập lại Câu lạc bộ (CLB) Ca trù làng Đông Dương với 6 thành viên...

Theo ông Lê Tấn Đạt - Chủ nhiệm CLB Đông Dương, thì phải mất 3 năm “những người tâm huyết” mới khôi phục lại được nghệ thuật ca trù. Nghệ nhân ca trù Phạm Thị Thứu (đã mất năm 2007), lúc đó đã trên 80 tuổi vẫn vượt lên tuổi già, bệnh tật, miệt mài truyền dạy các điệu hát ca trù.

img
Ông Lê Tấn Đạt - Chủ nhiệm CLB Ca trù Đông Dương.

Nhắc đến ca trù Đông Dương ngày nay không thể không nói đến nghệ nhân Hồ Xuân Thể và cây đàn đáy trên 100 tuổi. Với cây đàn này, ông say mê tự học, trở thành "kép" độc nhất sử dụng loại nhạc cụ này khi ca trù của làng hồi sinh.

Ông Thể hiện là thành viên duy nhất của Câu lạc bộ Ca trù Đông Dương được Hội Di sản văn hoá Việt Nam công nhận là Nghệ nhân dân gian và ông đang đảm nhiệm việc truyền dạy phần nhạc, kinh nghiệm sử dụng từng nhạc cụ cho các kép trong CLB.

Tre già, măng mọc

Hiện tại mỗi tháng CLB Ca trù Đông Dương vẫn đều đặn sinh hoạt, tập luyện định kỳ vào những ngày rằm. Kinh phí cho các hoạt động của CLB đều do dân làng Đông Dương đóng góp. “Đông Dương là một làng thuần nông, cuộc sống với hạt lúa, củ khoai còn nhiều khó khăn, nhưng vì say mê điệu hát ca trù nên họ đã tự nguyện đóng góp. Người có thì vài chục ngàn, người khó thì vài cân lúa, khoai... Không có người làng chung tay, chúng tôi không thể làm gì nổi, CLB cũng không thể phát triển như hôm nay” - ông Đạt chia sẻ.

Từ đam mê giữ nghề, các nghệ nhân ở Đông Dương sưu tầm được 120 bài hát mở, hát phú, hát văn, hát khế... và tổ chức luyện tập biểu diễn được 50 bài. CLB từ chỗ thành lập chỉ 6 thành viên nay đã có 19 thành viên.

Sau khi ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, CLB Ca trù Đông Dương được tham gia hội diễn thường xuyên hơn và gặt hái được rất nhiều thành tích. Nhưng có lẽ điều vui mừng nhất đối với CLB Ca trù Đông Dương là trong các buổi biểu diễn ca trù của họ, vẫn thấy 3 thế hệ cùng ngồi trên chiếu hát: Lớp già có ông Thể, ông Đạt; lớp giữa có chị Quyết, chị Khuyên, anh Sứt và lớp trẻ có em Duyên, em Dũng, em Lan...

“Tre già, măng mọc, chúng tôi quyết không bao giờ để đứt mạch tiếng hát ca trù. Quyết giữ gìn tiếng hát ấy như một báu vật của làng, của nước” - ông Đạt khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem