Góp những thanh âm cho “Bản hùng ca 5 tháng 8”

Bùi Oanh - Hồng Đức Thứ ba, ngày 02/08/2016 06:30 AM (GMT+7)
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5.8.1964 là khởi đầu bản hùng ca của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Một trong những người lính tham gia trận chiến này, ông Trần Văn Lự (78 tuổi, ở thôn Giang Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là bằng chứng sống về thắng lợi oanh liệt, vẻ vang của Hải quân Việt Nam.
Bình luận 0

Trắng đêm chờ  mệnh lệnh

Ngồi trong căn nhà nhỏ, hướng đôi mắt ra phía biển, ông Lự hồi tưởng lại những phút giây lịch sử năm xưa. Giọng đầy tự hào và xúc động, ông kể: Ngày 2.8.1964, địa phương nhận được tin báo Mỹ đang đánh chiếm vịnh Bắc Bộ và đã bị tàu của ta tấn công, truy đuổi buộc chúng phải rút lui. Sang ngày 3.8, có đoàn đại biểu tỉnh đội, huyện đội triệu tập xã đội họp gấp. Tại cuộc họp, chỉ huy thông báo tàu khu trục Maddox của Mỹ đã chạy ra khu vực biển quốc tế, bây giờ cấp trên cần 1 đội trinh sát, gồm 15 người là quân dân xã Hoằng Trường đi ra vịnh Bắc Bộ để nghe ngóng tình hình quân địch.

img

Ông Trần Văn Lự hồi tưởng lại những giây phút trong ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam. Ảnh: H.Đ

Lúc bấy giờ, ông Lự đang là bí thư đoàn xã, đảng ủy viên xã đội Hoằng Trường. Ông không nằm trong danh sách đội trinh sát, nhưng vẫn một mực xin cấp trên cho đi, với lý do từ bé đã lênh đênh trên biển nên rất am hiểu vùng biển này. Đội trinh sát được chia ra làm 2 thuyền, mỗi thuyền 7-8 người, đi trên chiếc thuyền chài 3 vách giăng buồm. Trên thuyền đem theo ngư lưới cụ, lương thực ăn đủ trong 3 ngày.

"Hơn 40 chiến sĩ của Hải quân Việt Nam bị hy sinh, được chúng tôi cùng người dân chôn cất tại nghĩa trang ấy. Bà con đã gom hòm, ván, tiền của để mua đồ phục vụ việc chôn cất các chiến sĩ”.

Ông Trần Văn Lự

“Chúng tôi được ngụy trang cẩn thận, đóng giả ngư dân đi đánh cá. Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là quan sát tình hình ngoài vịnh Bắc Bộ, nếu thấy địch vẫn còn trong vùng biển của ta hay có động thái gì khả nghi là phải báo cáo cấp trên ngay. Đêm 3.8, đội trinh sát đã sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Cả đêm chúng tôi hồi hộp, thấp thỏm chờ mệnh lệnh, nhưng đến 5 giờ sáng thì nhận được lệnh ngừng hoạt động” - ông Lự kể.

Ngày 5.8, chiến thắng mang tên trận đầu

Hồi tưởng lại những phút giây hào hùng về chiến thắng vẻ vang của Hải quân Việt Nam, khuôn mặt ông Lự lúc mỉm cười mãn nguyện, khi lại rơm rớm nước mắt. Ông kể tiếp: “Ngày 5.8, khi tôi đang họp trên huyện Hoằng Hóa, thì nghe tiếng máy bay đang bắn phá ở Hoằng Trường. Tôi xin phép cấp trên chạy về để cùng nhân dân chiến đấu. Tôi chạy thẳng về trung đội mạnh - nơi được trang bị vũ khí (ở xóm 13, xã Hoằng Trường) kéo thùng đạn và súng ra, rồi gọi dượng tôi vác giúp thùng đạn ra hào ở cồn Bò, để bắn máy bay địch...”.

Sau một hồi bắn trả máy bay địch, ông Lự di chuyển vị trí, vác súng và đạn lên sông để tiếp tục bắn máy bay địch. Sau đó, ông phát hiện ở khu vực đảo Nẹ, có 1 chiếc thuyền của ta bị chìm, nên cùng 2 người nữa chèo thuyền ra tìm kiếm và phát hiện có 2 chiến sĩ bị thương đang cố bấu víu vào mạn thuyền. Nhóm ông Lự lập tức nhảy xuống biển cứu 2 chiến sĩ lên thuyền, nhanh chóng đưa họ vào bờ cứu chữa. Sau đó, họ tiếp tục chèo thuyền ra vớt những người lính đã hy sinh, đưa vào bờ cho bà con chôn cất. “Lúc này, tôi được giao nhiệm vụ tìm chỗ chôn cất cho các chiến sĩ hy sinh trên biển. Tôi cùng bà con chọn mảnh ruộng gần chân núi Đá Rùa để làm nghĩa trang. Hơn 40 chiến sĩ của Hải quân Việt Nam hy sinh, được chúng tôi cùng người dân chôn cất tại nghĩa trang ấy. Bà con đã gom hòm, ván, tiền của để mua đồ phục vụ việc chôn cất các chiến sĩ”- nhắc đến chuyện này, đôi mắt ông Lự đỏ hoe.

img

Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam tại cửa biển Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Ảnh:  B.O

Sau ngày 5.8, ông Lự được điều vào miền Nam chiến đấu, bị thương nặng và bị địch bắt giữ. Đến năm 1973, chiến sĩ Trần Văn Lự được phía Mỹ trao trả cho Việt Nam. Tháng 4.1974, người lính Trần Văn Lự được xuất ngũ về quê.

Nói về sự kiện chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cảm nhận: “Chiến thắng mang tên trận đầu ngày 5.8 của Hải quân Việt Nam là mốc son chói lọi, hào hùng của quân và dân ta. Những khúc ca “sống” như ông Lự đã nhắc nhở con em về ngày truyền thống vẻ vang này. Ở thời bình, những ngư dân Hoằng Trường và con cháu của các cụ lão dân quân vẫn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha, ông mình. Hàng trăm ngư dân vươn khơi bám biển, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, tàu cá Trung Quốc xâm phạm ngư trường, nhưng những ngư dân vẫn vững tay chèo, tìm cách xua đuổi tàu cá Trung Quốc. Mỗi một ngư dân Hoằng Trường chính là một “cột mốc sống” để bảo vệ ngư trường, biển đảo quê hương”.

Mở đầu trang sử hào hùng của Hải quân Việt Nam

 Trước sức tiến công mạnh mẽ của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, năm 1964, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường cho máy bay trinh sát, tàu chiến vào sâu trong hải phận của ta, bắn phá dọc bờ biển từ Thanh Hóa trở vào Quảng Bình. Đặc biệt, ngày 2.8.1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã ngang nhiên vào sát bờ biển miền Bắc để trinh sát và khiêu khích các lực lượng của ta. Đây là những hành động nằm trong mưu đồ tạo cớ mở rộng chiến tranh phá hoại, ngăn cản sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Kiên quyết trừng trị những hành động thách thức ngang ngược của địch, Phân đội 3 tàu phóng lôi của Tiểu đoàn 135 Hải quân đã dũng cảm tiến công tàu khu trục Maddox, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác, buộc địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta.

Bị đánh đuổi, Mỹ đã dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ cho việc ngày 5.8.1964 đem máy bay đánh phá nhiều địa phương ven biển, các căn cứ, vị trí trú đậu tàu thuyền của Hải quân Nhân dân Việt Nam, mở đầu cho hành động leo thang chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta. Cùng với quân và dân miền Bắc, nhất là các địa phương ven biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã giáng trả bọn xâm lược những đòn đích đáng, góp phần bắn rơi 8 máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái, làm thất bại bước đầu âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Chiến thắng ngày 2 và 5.8.1964 đã mở đầu trang sử chiến đấu và chiến thắng hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở miền Bắc và đồng bào miền Nam thi đua đánh giặc lập công, quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nguyễn Văn Hiến

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem