GS Đặng Hùng Võ: “Người dân đồng thuận mới triển khai dự án”

Thứ ba, ngày 17/09/2013 06:10 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên NTNN, GS-TSKH Đặng Hùng Võ - chuyên gia phân tích chính sách đất đai độc lập - cho rằng: Quốc hội nên xem xét trao quyền cho người dân, cộng đồng trong việc quyết định phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư.
Bình luận 0

Thưa Giáo sư, theo văn bản Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi gần đây nhất mà Giáo sư nắm được (từ sau khi Quốc hội lùi thời điểm biểu quyết thông qua tại kỳ họp tháng Sáu vừa rồi), các quy định về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đã có những bước tiến nào?

Theo các quy định về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư gần nhất mà tôi nắm được, thì không khác gì mấy so với luật pháp hiện hành. Nói cách khác là một số điều của Nghị định 69 được luật hoá, có một số điểm chính: Thứ nhất, bồi thường vẫn tính giá trị đất “phù hợp với thị trường”, mà trên thực tế thì gần như chưa thể ngang với thị trường. Đặc biệt đối với đất nông nghiệp, định giá đất vẫn theo phương pháp tính thu nhập, nên kết quả định giá đất nông nghiệp thường rất thấp. Thứ hai, về hỗ trợ, các quy định trong dự thảo vẫn dùng nguyên tắc hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ mất việc làm, hỗ trợ di chuyển, tái định cư, hỗ trợ về việc giá đất đối với đất trong khu dân cư, đất có gắn với nhà ở.

Nói cách khác, tất cả những hỗ trợ này được tính thành những khoản tiền, bất luận người nông dân đã tìm được sinh kế mới hay chưa. Nó chỉ định hạn được mức hỗ trợ trong vòng một thời gian nhất định, tức là vẫn giống như cách đang làm hiện nay. Cho dù chúng ta vẫn nói tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng luật pháp của chúng ta vẫn thiếu một số quy định cụ thể khi phải tái định cư cả một cộng đồng. Như vậy, những bất cập về thực tế đền bù, hỗ trợ, tái định cư chưa có giải pháp đột phá, chưa có bước đổi mới thực sự quan trọng, mang tính quyết định để giải quyết khiếu kiện của dân; chưa để người bị thu hồi đất có cơ hội không bị thiệt thòi, được tốt hơn so với những người ở lại.

Về nội dung lấy ý kiến người dân liên quan đến phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư trong Dự thảo Luật Đất đai 2003 sửa đổi, theo Giáo sư, nên quy định như thế nào trong luật để không rơi vào cảnh lấy ý kiến theo kiểu chiếu lệ?

- Việc lấy ý kiến thì pháp luật hiện hành đã có quy định rồi. Chỉ có vấn đề “lấy ý kiến như thế nào” đang được đặt ra. Tôi cho rằng, điều quan trọng là cần phải để cộng đồng người dân được quyết định về phương án (thu hồi, đền bù, hỗ trợ, tái định cư) chứ không phải là phương án mà chính quyền lập và "ép" dân phải theo khi lấy ý kiến không thực sự "thành tâm". Quy định hiện hành vẫn chưa rõ vấn đề này, nên nhiều nơi thường chỉ lấy ý kiến người dân theo kiểu chiếu lệ, rồi sau đó có những điều "không chủ yếu" thì được tiếp thu, có những điều "chủ yếu" lại không được tiếp thu. Gần đây, dù muốn hay không chúng ta đều phải thừa nhận rằng đã có bạo lực, cái chết và thường xuyên là sự "nổi giận của đám đông" gắn với việc thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chưa nói tới đúng, sai của từng bên, nhưng bản thân những bất cập mang tính cực đoan đang nói rằng "chính sách chưa phù hợp với cuộc sống".

Một nông dân tiếc nuối nhìn hơn 100ha đất lúa bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư  – dân cư (giai đoạn 2) ở phường 5, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Một nông dân tiếc nuối nhìn hơn 100ha đất lúa bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư – dân cư (giai đoạn 2) ở phường 5, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tôi cho rằng, khi gặp việc gây thiệt hại cho người dân (trừ trường hợp thiên tai, địch hoạ, dịch bệnh bất khả kháng cần có những quyết định ngay lập tức) thì cần làm một cách bình tĩnh, cần phải có quy trình, trên cơ sở thực hiện thật tốt công tác dân vận để trao cho người dân được quyền quyết định. Nói cách khác, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được cộng đồng người dân tại nơi triển khai dự án đồng thuận mới được triển khai.

Nếu điều này được Quốc hội tiếp thu và đưa vào quy định tại Luật Đất đai hoặc các nghị định, theo Giáo sư, chỉ nên lấy ý kiến đồng thuận của những người bị thu hồi đất, hay cần lấy ý kiến cả những người trên địa bàn xã đó?

- Hiện nay có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, "đồng thuận" chỉ cần đạt được trong việc lấy ý kiến của những người bị thu hồi đất; luồng ý kiến thứ hai cho rằng, "đồng thuận" nên mở rộng trong việc lấy ý kiến ra đối với cả cộng đồng dân cư tại địa phương bị thu hồi đất.

Để khách quan, theo tôi nên lấy ý kiến cả của cộng đồng những người không bị thu hồi đất. Bởi nếu chỉ trao quyền quyết định cho cơ quan nhà nước, dễ xuất hiện nguy cơ cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đứng về một phía mà không bảo vệ người dân, và cái này đã, đang xảy ra ở rất nhiều nơi. Còn nếu trao quyền này chỉ cho những người bị thu hồi đất, thì sợ rằng lại thiếu khách quan về phía những người bị thiệt hại. Họ muốn quyền lợi của mình cao hơn so với thực tế rất nhiều. Để cân bằng hơn, theo tôi, cần phải trao quyền quyết định cho cộng đồng dân cư tại chỗ, kể cả những người bị thu hồi đất và người không bị thu hồi đất.

Cộng đồng này nên hạn định ở cấp thôn, hay cấp xã, thưa Giáo sư?

- Tôi cho rằng, phải lấy ý kiến người dân trên toàn địa bàn xã, vì xã là đơn vị hành chính cấp thấp nhất. Nhưng việc họp dân lấy ý kiến cần chia theo cộng đồng làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc... Những thôn, bản có số dân cư quá đông, có thể phải chia nhỏ ra thành các xóm, theo số hộ gia đình để họp lấy ý kiến. Điều quan trọng là các thông tin nào sẽ được sử dụng vào công tác dân vận và mức độ trọng thị với người dân được thể hiện như thế nào.

Theo Giáo sư, tỷ lệ đồng thuận của người dân trong vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên được sử dụng như thế nào?

- Tôi muốn dẫn lại điều này: Chúng ta biết những việc khó khăn nhất của đất nước ta đều được giải quyết khi người dân được tham gia, được quyết định. Tư tưởng “chiến tranh nhân dân” là một tư tưởng rất vĩ đại, chỉ có chiến tranh nhân dân mới giúp đất nước ta giành thắng lợi trước những thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Điều đó cho thấy sức mạnh của người dân lớn đến mức nào, khi sức mạnh đó được tập trung, được chính danh, được pháp luật đưa vào, được lãnh đạo cần đến. Và lãnh đạo Đảng ta vẫn coi “dân vận” là quan trọng hàng đầu.

Vậy thì lúc này trên mặt trận kinh tế, chúng ta cần phải đưa ra điều rất quan trọng về vai trò của nhân dân trước mọi khó khăn – mà một trong những khó khăn nhất hiện nay là chuyện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Nó đang gây ra nguy cơ tham nhũng, nguy cơ khiếu kiện. Mà thực tế, tham nhũng và khiếu kiện đều đang ở mức độ cao. Vậy thì chúng ta phải sử dụng “vũ khí” tạo sự đồng thuận của nhân dân.

Chỉ có điều, có 2 việc cần làm khi dùng “vũ khí” này: Bước 1 là cần tuyên truyền phổ biến cặn kẽ để người dân thực sự hiểu thấu đáo mọi ngóc ngách của vấn đề. Sau đó, bước 2 là trao quyền quyết định cho người dân và cộng đồng. Khi làm tốt, người dân ở khắp nơi đang góp đất miễn bồi thường vào xây dựng hạ tầng nông thôn mới như chúng ta đang thấy.

Pháp luật của nước ta đã có quy định nào cho phép cộng đồng người dân có quyền biểu quyết chọn phương án qua tỷ lệ đồng thuận hay chưa?

imgKết quả khảo sát độc giả trên báo điện tử Dân Việt, đến ngày 16.9.2013

- Pháp luật Việt Nam chưa hề có quy định cho cộng đồng, người dân quyết định theo tỷ lệ phiếu đồng thuận trên bất cứ lĩnh vực nào. Tôi cho rằng lĩnh vực đất đai hiện là lĩnh vực “nóng” nhất, nên bắt đầu từ đất đai. Chuyện bàn về quy định này cũng đang gặp phải một cấn cá là “tỷ lệ nào”. Không thể là 100%, nhưng nếu chỉ quy định mức trên 50% (quá bán) thì quá thấp, không phản ánh hết những cặn kẽ trong việc bảo vệ quyền lợi của người mất đất.

Vậy theo Giáo sư, tỷ lệ nào là phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay?

- Nhiều nước đang phát triển, nước công nghiệp mới đã lựa chọn tỷ lệ đồng thuận 2/3. Người ta gọi đó là sự đồng thuận trên mức đa số. Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, người dân mất đất được bồi thường là quan trọng, cần tăng tỷ lệ đồng thuận lên, ví dụ như từ 70%, 75%, 80% hay 85% trở lên, thậm chí có ý kiến là 95%.

"Nếu tỷ lệ 2/3 được chọn từ kinh nghiệm quốc tế, có nghĩa là 67% và tỷ lệ 70% được chọn từ kinh nghiệm của TP.HCM, thì tôi cho rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ từ 67- 70% là phù hợp. Cũng có thể ở khu vực đô thị, chúng ta cho tỷ lệ này lên đến 75% vì dân trí cao hơn. Vùng nông thôn, nơi có dân trí thấp hơn thì có thể cân nhắc áp dụng tỷ lệ ở mức 70% là được. Đó là ý kiến của tôi nhưng là ý kiến có đủ cơ sở”.
GS Đặng Hùng Võ


Tôi cho rằng, tỷ lệ bao nhiêu, phụ thuộc vào trình độ dân trí. Dân trí cao thì tỷ lệ đồng thuận cao cũng được, vì đại đa số dân hiểu được cơ bản các vấn đề và số lượng người đòi hỏi "vô lý" sẽ thấp. Nhưng với cộng đồng dân trí thấp hơn thì mức độ đồng thuận cũng thấp hơn, vì những người ham muốn đòi hỏi "vô lý" thường cao.

Việc cân nhắc tỷ lệ so với trình độ dân trí cần phải tính toán thêm. Nếu chúng ta thấy cần làm điều đó, thì thẩm quyền này thuộc về Quốc hội, để đưa ra được tỷ lệ phù hợp với trình độ dân trí hiện nay.

TP.Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm nhiều, đã có kiến nghị cụ thể về tỷ lệ đồng thuận trong áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất: Sau khi đạt được thỏa thuận với trên 70% người bị thu hồi đất mà không thể thỏa thuận được với phần còn lại thì áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất. Năm 2007, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đồng thuận này trong trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư xin thực hiện cơ chế tự thỏa thuận. Chúng ta cần mở rộng cơ chế này để luôn đạt được sự đồng thuận của nhân dân trên mặt trận kinh tế.

Chẳng hạn, nước nào đang áp dụng tỉ lệ người dân đồng thuận 2/3 thì phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư mới được phê duyệt ?

Như Hàn Quốc là một ví dụ. Họ lấy tỷ lệ đồng thuận ở mức 2/3 trong việc áp dụng nhiều cơ chế cụ thể trong quá trình chuyển dịch đất đai để thực hiện công nghiệp hóa và đô thị hóa. Họ đưa vào văn bản pháp luật quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục thực hiện. Chắc chúng ta có thể cùng nhau khẳng định rằng Hàn quốc làm một nước công nghiệp mới rất thành công, trong đó có chính sách đất đai và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Vậy theo quan điểm cá nhân của Giáo sư, tỷ lệ nào phù hợp với điều kiện dân trí và thực tế nước ta?

Nếu tỷ lệ 2/3 được chọn từ kinh nghiệm quốc tế, có nghĩa là 67% và tỷ lệ 70% được chọn từ kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, thì tôi cho rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ từ 67% đến 70% là phù hợp. Cũng có thể ở khu vực đô thị, chúng ta cho tỷ lệ này lên đến 75% vì dân trí cao hơn. Vùng nông thôn, nơi có dân trí thấp hơn thì có thể cân nhắc áp dụng tỷ lệ ở mức 70% là được. Đó là ý kiến của tôi nhưng là ý kiến có đủ cơ sở.

Theo kết quả khảo sát trên báo điện tử Dân Việt, đến thời điểm này, tỷ lệ độc giả chọn mức đồng thuận 80% chiếm đa số. Theo Giáo sư, có nên đưa quy định về tỷ lệ ý kiến người dân làm cơ sở để quyết định các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào luật hoặc nghị định không?

imgTỷ lệ ý kiến đồng thuận của người dân để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (theo khảo sát trên Dân Việt, đến ngày 16.9.2013).

Trước hết, tỷ lệ ý kiến chọn mức đồng thuận 80% như kết quả lấy ý kiến qua mạng của Dân Việt là kết quả phù hợp vì ý kiến qua mạng là ý kiến của những người thuộc nhóm dân trí cao rồi.

Tôi cho rằng đây là việc Quốc hội cần đưa ra quyết định cụ thể, hơn nữa nên biểu quyết riêng về cơ chế "đồng thuận" này. Trong trường hợp Luật Đất đai, nên bắt đầu cho người dân có quyền quyết định, vì lĩnh vực này gắn chặt với đời sống người dân. Nên xem xét kỹ và trao quyền cho người dân trong vấn đề này là phù hợp. Đây là một giải pháp để thực sự giảm khiếu kiện của dân. Khi người dân chưa đủ đồng thuận, chúng ta phải vận động thêm, cho đến khi đạt được đồng thuận của người dân.

Việc trao quyền cho cộng đồng có hai vế, không nên chỉ hiểu đơn giản là trao cho người dân cái quyền ấy, rồi để người dân bỏ phiếu được hay không được. Chúng ta phải có quá trình dân vận, giải thích, làm rõ, thuyết minh giải trình làm cho người dân hiểu rõ vấn đề. Khi người dân đã hiểu, tôi tin họ sẽ làm rất tốt. Đó là quá trình rất quan trọng.

Nếu chính quyền không làm được việc này, tức là lỗi ở chính quyền. Cơ chế "đồng thuận" này có thể làm chính quyền mất nhiều thời gian hơn, chi phí cao hơn để thực hiện "dân vận" nhưng là giảm đi rất nhiều thời gian, chi phí cho giải quyết khiếu nại của dân. Hơn nữa, cách làm này là thể hiện bản chất chính trị của chính quyền nhân dân ở Việt Nam.

Nếu trong kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội tiếp thu và thông qua những nội dung trao quyền cho người dân và cộng đồng như Giáo sư đề cập trên đây, liệu đây có phải là bước tiến đột phá?


- Nếu được như thế thì quá đột phá! Đây sẽ là bước tiến rất lớn, thể hiện sự thay đổi cơ bản về quan niệm dân chủ ở nước ta, dân chủ là trao quyền quyết định cho người dân.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Hoàng Sơn (thực hiện) (Hoàng Sơn (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem