Liên quan đến những khó khăn của người dân sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, phóng viên Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn GS Võ Tòng Xuân (ảnh)- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nhà khoa học về lĩnh vực nông nghiệp.
Thưa GS Võ Tòng Xuân, vài năm gần đây, thu nhập của người dân làm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, theo ông là do đâu?
- Rất nhiều năm qua, bà con nông dân thường sản xuất kiểu tự phát, thấy người khác trồng gì bán cho thương lái có giá cao thì bắt chước trồng theo. Cho đến khi thương lái tự hạ giá xuống hoặc không mua thì người dân chỉ hoà vốn, thậm chí bị thua lỗ.
Hiện có nhiều vùng trồng lúa ở ĐBSCL đã chuyển sang làm cánh đồng mẫu lớn, nhiều vùng cây ăn trái chuyển sang mô hình VietGAP, GlobalGAP. Tuy nhiên, cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn do khâu liên kết tiêu thụ chưa tốt, vai trò quản lý của nhà nước các địa phương còn rất mờ nhạt.
Thu hoạch ruộng mía của ông Lý Út Nhiều (ấp Long Sơn 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Huỳnh Xây
Về xuất khẩu, ĐBSCL có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu nhưng phần lớn là sang Trung Quốc và chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Làm ăn theo kiểu này, không bền vững và thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá.
Để hạn chế rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, về phía người dân cần làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
- Người nông dân phải mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm thiểu phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, giúp bà con hạn chế đến mức thấp nhất chi phí đầu vào, đồng thời tạo ra sản phẩm có chất lượng đúng theo thị trường cần, giảm thiểu tác động môi trường.
Người dân phải tham gia vào các hợp tác xã để cùng nhau sản xuất theo chuỗi, để được cung cấp phấn bón, thuốc trừ sâu với giá thấp, được kết nối với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ngoài ra, người dân phải có cách nghĩ mới, tạo ra sản phẩm nông nghiệp dần hướng đến những thị trường cao cấp, thu được giá trị cao hơn thông qua con đường xuất khẩu chính ngạch.
Với ngành chức năng, theo GS cần có những động thái gì để giúp người dân tăng thu nhập?
- Ngành chức năng phải đổi mới từ tư duy quản lý, không đổ lỗi cho nông dân làm ăn theo phong trào, trình độ kỹ thuật yếu, chậm đổi mới mà phải tham gia tổ chức cho dân. Đồng thời, dự báo được nhu cầu thị trường để người dân có kế hoạch sản xuất cụ thể, hợp lý. Riêng đối với cây lúa, ở những nơi hạn mặn thì cho chuyển sang cây ăn trái hoặc rau màu. Các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần phải được tuyên truyền mạnh hơn nữa. Kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ nông sản vùng nguyên liệu có chất lượng cao của nông dân có tham gia liên kết, tạo dần thương hiệu…
Xin cảm ơn GS!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.