Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống

Trần Khánh Thứ hai, ngày 27/12/2021 10:07 AM (GMT+7)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực để hoàn thành các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh, giúp đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng giàu đẹp.
Bình luận 0
Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 1.

Một tuyến đường giao thông nông thôn ở huyện Xuyên Mộc. Ảnh: H.P

Toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) hiện có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thị xã Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ được Thủ tướng Chính phủ chủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Long Điền và Đất Đỏ được công nhận là huyện NTM. 

Đó là những thành quả nổi bật khẳng định sức ảnh hưởng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mang lại.

Sức sống nông thôn đổi thay rõ rệt

Được chọn làm xã điểm đầu tiên xây dựng NTM từ năm 2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân, từng bước hoàn thành 19/19 tiêu chí của xã nông thôn.

Năm 2012, sau khi đạt chuẩn NTM, xã Long Tân tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; chú trọng phát triển các ngành nghề có thế mạnh ở địa phương. Đồng thời, xã Long Tân thành lập các cơ sở sản xuất, tổ hợp tác tạo công ăn việc làm cho nhân dân.

Xã Long Tân còn tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Theo đó, xã có hàng trăm lượt hộ dân nghèo và cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất.

Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 2.

Huyện Đất Đỏ là vùng quy hoạch chính của tỉnh BRVT về sản xuất giống theo quy trình VietGAP cho nuôi trồng thủy sản. Trong ảnh: Thu hoạch tôm tại huyện Long Điền. Ảnh: H.P

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đặt 53 triệu/người/năm; tăng 4,9 triệu so với năm 2017. Hiện tại, xã Long Tân không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Tháng 3/2020, xã Long Tân chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hành trình xây dựng bức tranh nông thôn giàu đẹp có thể còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, những thành quả hôm nay và những nỗ lực sắp tới của chính quyền và nhân dân là dấu ấn quan trọng, tạo tiền đề để sức sống NTM ngày càng hiện hữu trên từng miền quê BRVT.

Ông Vũ Ngọc Đăng - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh BRVT

Phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM. Tại huyện Đất Đỏ, phát triển sản xuất gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn được xem là giải pháp để địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM

Huyện Đất Đỏ đã quy hoạch 250ha tại các xã Láng Dài, Phước Long thọ, Phước Hội và thị trấn Phước Hải để trồng rau củ quả, trồng lúa và chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Đất Đỏ cũng là vùng quy hoạch chính của tỉnh về sản xuất giống theo quy trình VietGAP cho nuôi trồng thủy sản, với 239ha ở thị trấn Đất Đỏ.

Không chỉ phát triển kinh tế, các địa phương xây dựng NTM nâng cao cũng chủ động đầu tư như nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông nông thôn, tạo ra cuộc sống tốt hơn, chất lượng hơn cho người dân, nhất là ở những địa phương còn nhiều khó khăn vùng sâu vùng xa.

Bà Nguyễn Thị Hà, người dân ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) cho biết, phong trào người dân hiến đất làm đường đã giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt. Người dân không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền mà chủ động kêu gọi, tự bỏ tiền mua hoa trồng ven đường. Đồng thời tích cực cải tạo, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây, làm vườn hoa trước nhà.

Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 4.

Ông Trịnh Văn Thành (phải) hướng dẫn nông dân trồng ca cao hữu cơ. Ảnh: Đông Hiếu

Tuyến đường được bê tông hóa, trồng hoa rực rỡ, dài hơn 1km là niềm tự hào của bà con ở xã Hòa Hiệp lâu nay. Mỗi nhà một vườn hoa đã hình thành một đường hoa tô đẹp cho cả khu dân cư. Đó chính là những nhân tố quan trọng, là tiền đề góp phần làm nên NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.

Đến nay 100% các xã của huyện Xuyên Mộc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Huyện Xuyên Mộc đang hoàn thành hồ sơ xét công nhận huyện NTM.

Nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn

Từng bị hắt hủi và chặt bỏ nhưng đến nay, cây ca cao lại là loại cây không thể thiếu trong vườn trồng của nhiều hộ nông dân ở huyện Châu Đức. Cây ca cao hữu cơ đã và đang là nguyên liệu để chế biến ra sản phẩm chocolate "Made in Bà Rịa-Vũng Tàu" chinh phục những thị trường khó tính, để mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. 

Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 5.

Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định và công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới năm 2021 ở BRVT. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2017, ông Nguyễn Bá Hoàng, nông dân xã Xà Bang (huyện Châu Đức) đắn đo dữ lắm mới quyết định giữ lại vườn cây ca cao hơn 5 sào (5.000m2) đất của mình. "Thực tình vì tiếc cái công chăm sóc, chứ hạt ca cao lúc đó không có đầu ra, hiệu quả kinh tế thấp lắm", ông Hoàng kể.

Cũng trong 2017, bà con ở xã Xà Bang tiếp cận mô hình sản xuất ca cao theo quy trình hữu cơ và được doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cũng như bao tiêu thụ sản phẩm. Ông Hoàng cũng thử chuyển hướng canh tác cho vườn cây ca cao của mình.

Nhờ nỗ lực thay đổi, quyết định giữ lại vườn ca cao năm xưa nay đã giúp ông mỉm cười. Trên diện tích đang trồng xen canh với cây ăn trái, ông Hoàng thu nhập riêng từ ca cao trên 150 triệu đồng/năm.

Hạt ca cao bình thường có giá khoảng 60.000 đồng/kg thì ca cao hữu cơ có giá 100.000 đồng/kg. "Tôi đang mở rộng thêm 3 sào ca cao nữa; cũng canh tác hữu cơ, chuẩn bị cho thu hoạch trong năm tới", ông Hoàng kể.

Giá trị cây cao càng được nâng lên khi mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất này là được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ giữa năm 2010, công ty TNHH MTV ca cao Thành Đạt (huyện Châu Đức) đã vận động nông dân trồng ca cao theo quy trình hữu cơ và bao tiêu sản phẩm.

Theo ông Trịnh Văn Thành - Giám đốc công ty Thành Đạt, một lợi thế rất lớn ở tỉnh BRVT là ở các vùng nông thôn hầu như đã phủ sóng internet, giao thông thông suốt khắp các đường làng ngõ xóm. Việc phổ biến thông tin, truyền đạt kiến thức canh tác cho tới tổ chức tiêu thụ nông sản rất thuận lợi. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Thành Đạt vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

"Đây là động lực để công ty này tự tin hướng tới mục tiêu mới trong năm 2022. Trọng tâm là tiếp tục tục mở rộng vùng liên kết để gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp và nâng cao thu nhập của người dân", ông Thành nói. 

Xây dựng nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng giàu đẹp, trở thành nơi đáng sống - Ảnh 6.

Một góc diện mạo nông thôn xã Suối Rao, huyện Châu Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Minh

Chia sẻ về những đổi thay của nông thôn BRVT, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, huyện Xuyên Mộc là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, cũng là địa phương có xuất phát điểm thấp nhất so với các huyện khác. Thế nhưng, chương trình xây dựng NTM đã khiến cho địa phương ngày càng giàu đẹp, nhà cửa khang trang, kinh tế phát triển. Đặc biệt là thu nhập của người dân tăng thêm 20 triệu đồng/người/năm so với năm 2018, đạt 61 triệu đồng/người/năm.

Ông Vũ Ngọc Đăng - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh BRVT cho biết, thời gian dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp cũng như quá trình xây dựng nông thôn.

Quá trình xây dựng NTM sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp ngành, các hội đoàn thể vận động doanh nghiệp hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Về lâu dài, Chi cục PTNT sẽ tiếp tục thực hiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ chính sách hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.

Theo ông Đăng, hiện toàn tỉnh có 19/46 xã  đã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt chỉ tiêu đề ra trong năm là 15 xã. Hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đây là tiền đề để toàn tỉnh tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn 2021 - 2025, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển HTX;  Chuyển đổi kinh tế hộ sang kinh tế trang trại; Tập trung xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống. Mục tiêu phấn đấu đến 2025, tỉnh BRVT sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; nâng thu nhập của người dân ở các xã NTM đạt 108 triệu đồng/người/năm.

Theo Sở NNPTNT tỉnh BRVT, đến tháng 11/2021, toàn tỉnh có 47/47 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM, đạt tỷ lệ 100%. Hiện nay, toàn tỉnh có 45/47 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại 45 xã xây dựng NTM còn 0,09%, 100% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem