Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt ở những vùng có lợi thế, tiến tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa.
Duy trì 92.000ha đất lúa
Mục tiêu của TP. Hà Nội trong giai đoạn 2011 – 2020, sẽ có mức tăng trưởng bình quân GDP từ 1,5 – 2%/năm và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp là 1,85%/năm, giai đoạn 2021 – 2030, GDP đạt từ 1,2 – 1,5%/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 1,5%/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp năm 2020, trồng trọt 34,5%, chăn nuôi 54% và thủy sản 11,5%, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 340 triệu đồng/ha/năm.
|
Bưởi Diễn là một trong những cây ăn quả được đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa. |
Nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong giai đoạn này là, sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất và chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển những cây, con có lợi thế; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, chuyển mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư, theo định hướng ổn định tổng đàn lợn và gia cầm, tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt…
Cụ thể, năm 2020, diện tích đất canh tác lúa khoảng 92.000ha, năng suất ước đạt 6 tấn/ha; ngô khoảng 23.000ha, năng suất đạt 5 tấn/ha; đậu tương 31.000 – 33.000ha, sản lượng 59.000 – 62.000 tấn; cây rau màu khác khoảng 34.000ha, sản lượng 680.000 tấn, trong đó khoảng 18.000 – 19.000ha trồng rau an toàn, sản lượng ước đạt 380.000 tấn. Cây ăn quả khoảng 17.000ha, sản lượng 260.000 tấn… Về chăn nuôi, duy trì đàn lợn ổn định từ 1,4 – 1,5 triệu con đến năm 2020; đàn bò thịt năm 2015 khoảng 170.000 con và 15.000 con bò sữa…
Sẽ có nhiều vùng sản xuất hàng hóa
Theo lộ trình, trên cơ sở mục tiêu, kết quả đạt được của giai đoạn 2011 – 2020, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đẩy nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, mở rộng diện tích cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Phát triển nông nghiệp gắn với hình thành vành đai xanh như: Vùng rau sạch, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung ngoài dân cư, vùng nuôi thủy sản tập trung.
Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, đến năm 2015, Hà Nội sẽ dành 21.500ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng ước đạt 120.000 tấn, năm 2020 diện tích khoảng 22.500ha, sản lượng khoảng 212.000 tấn. Về lâm nghiệp, đến năm 2020 có khoảng 26.707ha rừng, nâng tỷ lệ rừng che phủ từ 7,3% lên 8% năm 2020. Trong đó rừng phòng hộ khoảng 9.000ha, rừng đặc dụng 13.546ha, rừng sản xuất 4.161ha.
Theo đó, Hà Nội sẽ bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung với quy mô khoảng 40.000ha đất canh tác, chủ yếu tập trung tại các huyện trọng điểm lúa như: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín. Vùng sản xuất rau đậu thực phẩm, vùng rau an toàn, rau cao cấp được bố trí ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, khu vực ven sông Đáy và bãi sông Hồng... Vùng sản xuất cây ăn quả chủ yếu tập trung ở vùng bãi bồi sông Hồng, sông Đáy, với các cây chủ lực như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, cố gắng đạt diện tích 17.000ha vào năm 2020. Vùng hoa, cây cảnh phát triển tập trung ở các huyện Mê Linh, Gia Lâm, Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, thị xã Sơn Tây, với diện tích khoảng 4.600ha. Chăn nuôi bò, gia cầm sẽ bố trí tại các huyện có đồi gò, bãi bồi ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống... Còn chăn nuôi lợn thương phẩm ở hầu hết các huyện.
Để triển khai quy hoạch trên, dự kiến TP.Hà Nội sẽ tổ chức công bố quy hoạch, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch tại các huyện, thị. Hoàn thành xây dựng các quy hoạch chi tiết về chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp đến năm 2020 gần 60.200 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 22.941 tỷ đồng), giai đoạn 2011 – 2015 là 30.185 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 29.984 tỷ đồng.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.