Hà Quảng: Vươn lên từ miền khô khát

Thứ tư, ngày 22/02/2012 07:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nói đến huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là nói đến vùng đất “nghèo kiệt” khó khăn. Nhưng mấy năm gần đây, trên vùng đất khó này có một “phép màu” làm chấm dứt những cuộc di cư.
Bình luận 0

Xóa sổ đói nghèo

Hà Quảng có trên 90% là nông dân nhưng không được trời ban cho ưu thế để phát triển nông nghiệp mà chỉ “giáng” xuống sự khắc nghiệt. 12 xã vùng Lục Khu là những dãy núi đá cao ngất, khô khát. 7 xã vùng có ruộng dù nằm dọc hai bên bờ suối nhưng nước rất lạnh nên chỉ làm cây lúa ốm yếu.

img
Hà Quảng giờ là điểm đến của nhiều du khách và nhà đầu tư

Cuộc sống bấp bênh trên vách núi, nghèo đói đeo bám dai dẳng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện luôn “duy trì” từ 40-60%. Trước sự khó khăn đó, từ năm 2005, nhiệm vụ làm nông dân thoát nghèo đã được chính quyền Hà Quảng, cũng như Cao Bằng đặt ra.

Ông Triệu Đình Lê- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng nói: “Chúng tôi cứ đau đáu mãi, bởi Hà Quảng có cửa khẩu Sóc Hà, có Khu di tích lịch sử Pác Bó, 12 xã Lục Khu có trữ lượng khoáng sản lớn là thế mạnh thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, khai thác khoáng sản nhưng dân vẫn nghèo. Nếu tập trung làm theo hướng đó sẽ “xa lạ” với nông dân”.

Sau nhiều cuộc họp bàn, Hà Quảng quyết định đối với những xã vùng đồng thấp có truyền thống trồng cây thuốc lá sẽ chọn làm cây trọng điểm, mở rộng thành vùng nguyên liệu. Vùng Lục Khu núi đã đẩy mạnh trồng cây ngô, lạc và chăn nuôi bò thịt. Trồng cây lạc hè thu phù hợp với khí hậu mát, khô ráo, vùng Lục Khu lại tạo được mầu cho nương, rẫy để trồng cây ngô chính vụ. Xác định được hướng đi đó, huyện Hà Quảng đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển “3 cây + 1 con” là thuốc lá, cây ngô, cây lạc và con bò đến tận các xã.

Từ khi có chủ trương diện tích trồng 3 cây tăng nhanh theo từng năm, số lượng đàn bò tăng “nhảy vọt”. Từ vùng cao xuống vùng thấp, bà con đua nhau tận dụng đất bờ ruộng, sườn đồi, hốc đá trồng cỏ voi nuôi bò. Xe cộ tấp nập đến trung tâm xã thu mua thuốc lá, ngô hạt, lạc giống và bò thịt của người Mông. Sau vụ thu hoạch, hộ nghèo có tiền chục triệu. Thậm chí, nhiều nông dân xã Đào Ngạn, Phù Ngọc có hộ thu nhập cả trăm triệu/vụ thuốc lá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4 - 5%/năm.

Tạo đà xây dựng NTM

Ông Lãnh Đức Dũng- Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: “Để tạo đà cho kinh tế hàng hoá phát triển, huyện đột phá thực hiện “Giao thông + đào tạo nghề”. Đến nay, tuyến đường nối huyện với trung tâm xã đã hoàn thành. Huyện tập trung chỉ đạo 19/19 xã mở đường từ xã đến thôn”. Chúng tôi đi lên vùng Lục Khu, những cung đường rải nhựa xuyên núi đá như cánh tay lực lưỡng nối gần các trung tâm xã. Hàng trăm ha nương, rẫy trồng trên hốc đá đã xanh màu cây lạc giống L14 sau vụ thu hoạch ngô.

Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất ở Hà Quảng đạt 26 triệu đồng/năm, trong đó vùng cao 15 triệu đồng, vùng đồng thấp là 48 triệu đồng. Diện tích trồng cây thuốc lá 634ha, ngô 500ha, lạc 600 ha; đàn bò tăng đàn 5%/năm đạt gần 14.000 con, giảm tỷ lệ hộ nghèo 5%/năm. Tăng hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp 2.346/7.904 hộ.

Nhờ “sức bật”, từ sản xuất nông nghiệp, Hà Quảng đang bắt tay vào xây dựng chương trình nông thôn mới (NTM). Theo ông Lãnh Đức Dũng, do có cơ sở từ “3 xây + 1 con”, nên việc xây dựng NTM ở Hà Quảng có… nhàn hơn. Bằng chứng là, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều xã ở Hà Quảng đã đạt được các tiêu chí “cứng” của NTM như quy hoạch, hoàn thiện đường giao thông đến trụ sở xã, đang thực hiện giao thông trên địa bàn xã. Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem