Vừa qua Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt nhận được đơn thư phản ánh của thân nhân ông Trần Kỷ (SN 1919) và bà Nguyễn Thị An (SN 1934) đều trú tại xã Sơn Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Phản ánh về việc người thân hi sinh trong lúc được điều làm dân công đắp đê nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.
4 người hy sinh, 2 người được công nhận
Tháng 5.1953, ông Kỷ, bà An cùng một số người trong xã được lệnh điều động đi đắp đê La Giang tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Lao động được khoảng 10 ngày thì đoàn bị máy bay địch ném bom khiến nhiều người chết và bị thương.
Trong số người bị chết có ông Trần Kỷ, bà Nguyễn Thị An, ông Phạm Liên và bà Nguyễn Thị Nhỏ đều ở xã Sơn Diệm. Thi thể những người này được chôn cất tại huyện Đức Thọ.
Sau giải phóng, nhà nước có chủ trương giải quyết chế độ cho những người có công nhưng từ đó đến nay các gia đình đã nhiều lần làm hồ sơ cũng như gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-07-06/149927723787093-b---thanh--ng-----i---i-d--n-c--ng------p------c--ng------t-v---i---ng-k-----b---an-k----l---i-tr---n-bom-n--m-n--o-c---a-gi---c-ph--p.jpg)
Bà Thành người đi dân công đắp đê cùng đợt với ông Kỷ, bà Ân kể lại trận bom năm càn của giặc Pháp. Ảnh Nguyễn Nguyên
Ông Phan Ngọc Tuấn (SN 1936), trú tại xóm 1, xã Sơn Diệm kể: "Năm đó tôi nằm trong đội cứu thương đi cùng đoàn đắp đê La Giang của xã. Đoàn bị máy bay địch ném bom khiến nhiều người chết và bị thương. Lúc đó, ông Kỷ tử vong nên được mọi người chuyển đi, còn tôi trưc tiếp băng bó cho bà An và bà Nhỏ. Hai người này bị thương rất nặng nên sau đó đều không qua khỏi. Tôi cũng không hiểu vì sao cả mấy người cùng đi dân công một đợt, cùng bị chết trong lúc đang làm nhiệm vụ nhưng đến nay họ vẫn chưa được giải quyết chế độ”.
Bà Nguyễn Thị Vân (SN 1931 trú tại xóm 5, xã Sơn Diệm) cũng xác nhận: “Năm đó tôi được điều động đi đắp đê La Giang cùng một số người trong xã lúc đó có bà Nguyễn Thị An. Vừa đến làm được mấy ngày thì bom ném trúng người chết, người thì bị thương. Ngày đó bà An bị thương rất nặng sau đó được đội cứu thương băng bó rồi chuyển đến nhà thương Lam Kiều (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Bà An đã chết sau đó, chính tôi là người đi chôn cất bà An. Lúc đó thi thể chỉ được bọc trong ni lông rồi chôn. Thời điểm ấynhững người bị chết đều được chôn vội tại nghĩa trang Bệnh viện Lam Kiều”.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1931, trú tại xã Sơn Diệm) nhớ lại: “Năm 1953, chúng tôi nhận được thông báo là đi. Vừa làm được khoảng 10 ngày thì bị địch ném bom, chúng ném rất nhanh nên rất ít người chạy được xuống hầm trú ẩn. Tôi trú dưới hầm mà vẫn bị thương ở chân. Sau đó lên thì thấy người nằm la liệt trong đó có chị An bị thương nặng rồi chết. Lâu nay tôi thấy nhiều đợt làm chế độ nhưng không hiểu sao họ vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ?”.
Nộp hồ sơ từ năm 1997...
Theo trình bày của thân nhân ông Trần Kỷ: Năm 1997, sau khi có chủ trương làm chế độ cho người hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, bà Văn Thị Kỷ (vợ ông Trần Kỷ) đã hoàn thiện hồ sơ gửi UBND xã. Từ đó đến năm 2002, gia đình không nhận được bất cứ một phản hồi nào của các cơ quan chức năng. Bà Kỷ cũng đã mất.
Đến năm 2002, hồ sơ của ông Trần Kỷ bị trả lại cho gia đình mà không rõ lý do. Sau đó gia đình tiếp tục mang hồ sơ đi hỏi các cơ quan chức năng từ xã đến tỉnh nhưng đều nhận được những cái lắc đầu bởi đã qua đợt làm chế độ và đề nghị gia đình chờ thêm.
Bà Nguyễn Thị Thái (SN 1954, trú tại xã Sơn Diệm là thân nhân của ông Trần Kỷ) buồn rầu: “Hồ sơ được gia đình làm và nộp về ban chính sách xã, các cấp ngành tại xã đã họp xét với đầy đủ các ban ngành phê duyệt. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà hồ sơ của bố chồng tôi bị ngâm từ năm 1997 đến năm 2002 thì bị trả về mà không một lời giải thích. Từ đó, năm nào tôi cũng thay mặt gia đình gõ cửa các cơ quan chức năng để hỏi nhưng chỉ nhận được câu trả lời đã qua đợt làm hồ sơ. Nếu như thời điểm đó (năm 1997 - PV), họ trả lời cho chúng tôi thì chúng tôi còn có cơ hội để làm chế độ”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-07-06/14992774184089-page-1.jpg)
Biên bản họp Hội đồng bình xét liệt sỹ của xã Sơn Diệm về trường hợp ông Kỷ năm 1997. Ảnh Nguyễn Duyên
"Vừa rồi tôi có đơn thư hỏi và nhận được trả lời của Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh rằng thân nhân của chúng tôi không được xét duyệt bởi vì nhà nước không chấp nhận xét liệt sỹ khi có 2 người làm chứng. Nhưng thời điểm gia đình tôi làm hồ sơ thì chỉ cần hai người làm chứng là đủ điều kiện xét duyệt thì hồ sơ lại bị ngâm? Có lúc họ lại đòi hỏi phải có giấy báo tử, rồi giấy điều động. Nhưng chúng tôi biết thời điểm đó những người đi dân công tại địa phương chỉ nhận được thông báo của địa phương là đi. Lúc chết cũng không có bất kỳ ai có giấy báo tử”, bà Thái nói.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-07-19/150043194469027-149927806575084-a.jpg)
Bà Nguyễn Thị Thái (thân nhân ông Trần Kỷ) thắc mắc việc hồ sơ bị ngâm rồi trả lại không rõ lý do. Nguyễn Duyên
Trao đổi với PV về việc này ông Văn Đinh Tạo - Nhân viên văn phòng UBND xã Sơn Diệm cho biết: “Năm 2015 các gia đình này có lên hỏi để làm chế độ công nhận liệt sỹ. Nhưng khi lên họ chỉ thắc mắc tại sao cùng đi dân công hi sinh mà người lại được công nhận liệt sỹ người thì không được. Họ đi hỏi làm chế độ cho thân nhân nhưng lại không có giấy báo tử, không có các giấy tờ có liên quan”.
Còn ông Nguyễn Thành Lê -Phó Phòng LĐTBXH huyện Hương Sơn cho hay: “Từ khi tôi tiếp nhận công việc tại đây không có hồ sơ chính sách nào còn tồn đọng. Đến thời điểm hiện tại phòng cũng chưa nhận được thông tin về các trường hợp trên và cũng không thấy xã báo cáo. Hằng tháng phòng tổ chức giao ban và chỉ đạo các xã tiến hành rà soát dưới cơ sở để nắm bắt các đối tượng tồn đọng, các đơn thư”.
Ông Phạm Văn Công - Phó trưởng phòng Người có công Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Tôi cũng chưa nắm được về trường hợp này. Giai đoạn 1999 đến 2004 nhà nước có chủ trương làm hồ sơ công nhận liệt sỹ chỉ cần 2 người làm chứng mà không hiểu vì sao những đối tượng này lại không được. Còn nguyên nhân vì sao không được thì cũng không rõ vì hiện nay không rõ manh mối là có hồ sơ nộp nay không. Đến nay cũng đã trải qua nhiều thế hệ bàn giao rồi. Trong hồ sơ tồn đọng tại sở hiện nay không có hai đối tượng trên. Chúng tôi sẽ phối hợp với huyện để xem xét nguyên nhân”.
Tuy nhiên khi xem toàn bộ hồ sơ của đối tượng ông Công cho hay: “Ở đây đang thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện. Hồ sơ này chưa hoàn thiện bởi đã có xác nhận của cấp xã nhưng chưa có giấy chứng tử. Ở đây chỉ mới hoàn thiện ở gia đình và cấp xã. Nếu xã lập hồ sơ thấy đủ điều kiện thì chuyển lên cho cấp huyện và huyện sẽ xem xét cấp giấy báo tử tại thời điểm làm hồ sơ. Sau đó huyện sẽ chuyển hồ sơ về tỉnh để chuyển ra bộ xem xét giải quyết. Nếu không đủ điều kiện công nhận thì cũng phải có trả lời bằng văn bản. Còn hiện nay thực hiện theo Nghị định 31 và thông tư 28 và thông tư 05 thì nhà nước không xem xét giải quyết chế độ thương binh liệt sỹ với 2 người làm chứng”.
"Lúc có chủ trương, mẹ chồng tôi (Vợ ông Kỷ - PV) đã làm hồ sơ để nộp theo quy định. Nếu như thiếu sót giấy tờ cơ quan chức năng thông báo cho gia đình mà gia đình không hoàn thiện thì đó là lỗi của gia đình chúng tôi chấp nhận. Còn ở đây không có ai nói gì từ khi chúng tôi nộp hồ sơ đến khi hồ sơ bị trả về. Đến khi nhận được hồ sơ trả về gia đình đi hỏi thì lại nhận được thông báo là đã qua đợt làm chế độ. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm về những sai sót này?"
(Bà Nguyễn Thị Thái (thân nhân ông Trần Kỷ)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.