Ở Hà Tĩnh cũng có chùa Hương, còn là một trong 21 thắng cảnh đẹp nhất nước Nam xưa

Tập Thỏa Thứ ba, ngày 25/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Hương) tọa lạc trong dãy Hồng Lĩnh, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, ngôi chùa này là một trong 21 thắng cảnh đẹp nhất của nước Nam xưa.
Bình luận 0

Chùa Hương giữ đại ngàn

Chùa Hương Tích (hay còn gọi là chùa Hương) nằm cách mặt nước biển 650m, tọa lạc lưng chừng đỉnh núi Ngàn Hống, thuộc dãy Hồng Lĩnh (thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Nơi đây, được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam" - ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu (xứ Nghệ) và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa.


Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 1.

Chùa Hương Tích (chùa Hương) Hà Tĩnh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh, một trong 21 thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của nước Nam xưa. Ảnh: PV

Theo các chuyên gia tại Bảo tàng Hà Tĩnh, chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII) gắn với truyền thuyết cổ xưa xứ Thiên Cầm. Đó là sự tích Bà Chúa Ba-tức công chúa Diệu Thiện, con gái của vua Sở Trang Vương nước Sở đã đến tu hành và đắc đạo ở đây. 

La Sơn Phu Tử từng nhắc đến lịch sử hình thành chùa Hương Tích qua 2 câu thơ: "Hương Sơn Trần Triều/Hồng Sơn đệ nhất phong" nghĩa là: "Hương Tích ngôi chùa đời Trần/Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống". Ngôi chùa gắn liền với câu chuyện công chúa Diệu Thiện tu hành đắc đạo, hóa Phật, cứu độ chúng sinh. 

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 2.

Quần thể chùa Hương Tích, Hà Tĩnh được chia làm 3 phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu. Ảnh: PV

Chuyện kể rằng, công chúa Diệu Thiện là con gái út của vua Sở Trang Vương (vị vua thứ 25 của nước Sở - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) đã bỏ nhà đi, nương nhờ cửa Phật tại ngôi chùa Hương Tích khi bị vua cha ép gả cho 1 kẻ độc ác. Sau khi con gái bỏ đi, Sở Trang Vương đau buồn thành tâm bệnh. 

Một thần y đến bắt bệnh và chỉ cho vua một cách đó là cần một bàn tay và mắt của một người con gái của vua để khỏi bệnh. (Hương tích động-nơi công chúa Diệu Thiện tu hành).

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 5.

Quần thể chùa Hương Tích, Hà Tĩnh với nhiều ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ Thần, có cả những ngôi đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu. Ảnh: PV

Biết được sự tình, Diệu Thiện không chút chần chừ bèn móc mắt, cắt tay cho sứ giả đem về chữa bệnh cho cha. Khi vua uống thuốc, khỏi bệnh và sai người sang tạ ơn, thì mới biết đó chính là vị thuốc làm từ chính bàn tay và mắt của con gái mình.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, từ bi của Diệu Thiện, Đức Phật đã hóa phép cho nàng mọc tay và mắt trở lại, sau đó hóa thành Phật Quan Âm. Ở chính nơi nàng đã tu hành và hóa Phật, nhân dân xây dựng lên thành ngôi chùa Hương Tích ngày nay.

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 7.

Quần thể này được chia thành 3 phần chính: Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh mẫu là nơi dân gian tương truyền rằng công chúa Diệu Thiện đã đắc đạo hóa Phật ở đó. Ảnh: PV.

Chùa Hương Tích thực chất là một quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam cổ truyền, bao gồm nhiều ngôi chùa thờ Phật, đền thờ Thần và một số ngôi đền mang đậm nét đặc trưng của tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu.

Một trong những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của quần thể di tích chùa Hương Tích chính là cung Tam Bảo, nơi ngụ tại của nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm, hàng nghìn năm. Đặc biệt, phải kể đến 50 pho tượng Phật cao ngang tầm ngực, đang trong tư thế ngồi im thanh tịnh. 

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 9.

Chùa Hương Tích Hà Tĩnh với nhiều kiến trúc đẹp: Miếu Cô, động Tiên Nữ, suối Tiên Tắm, am Phun Mây, khe Quỷ Khóc... Ảnh: PV

Năm 1885, chùa Hương Tích trải qua một trận hỏa hoạn lớn, phần lớn các công trình kiến trúc, tượng phật, hiện vật trong chùa Hương Tích bị thiêu rụi, chỉ sót lại một vài công trình kiến trúc đơn lẻ, gạch lát thời Trần, quả chuông thời Lê.

Năm 1901, chùa được Tổng đốc An Tĩnh (2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) là Đào Tấn cho xây dựng lại; sau này được trùng tu 2 lần lớn vào năm 1910 và 2003. Các công trình kiến trúc như đền, am, chùa, hầu hết được khởi tạo lại trả về dáng vẻ nguyên xưa. Nhưng tiếc thay Phật phả và bia ký của chùa Hương Tích không còn.

Chùa Hương Tích điểm đến văn hoá tâm linh, hấp dẫn

Hằng năm, hội lễ chùa Hương Tích kéo dài từ đầu tháng Giêng đến 19/2 (al) đã tiếp đón đông đảo khách thập phương đến tham quan, lễ bái. Nét đẹp tâm linh này vẫn được mang theo cùng truyền thống người Việt từ ngàn xưa cho đến ngày nay, góp phần làm cho đời sống tâm linh của người Việt luôn sâu sắc và phong phú. 

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 11.

Rất đông du khách dâng hương tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Từ QL 1A đoạn thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), du khách di chuyển 5km để đến với khu du lịch chùa Hương Tích. Qua cổng chính, du khách có thể lựa chọn cho mình cách di chuyển phù hợp bởi đường lên chùa Hương Tích khá đa dạng.

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 13.

Du hành hương về chùa Hương Tích Hà Tĩnh chiêm bái, lễ Phật. Ảnh: PV

Để lên được chùa Hương Tích du khách có thể đi bộ theo từ chân núi để đến miếu Linh Sơn (núi Hồng Lĩnh). Sau đó tiếp tục đi bộ để lên đến chùa chính. Đường lên chùa Hương Tích Hà Tĩnh dài khoảng 3km, vừa đi bạn có thể vừa vãn cảnh. Tuy nhiên, bạn cần có nền tảng thể lực tốt nếu chọn cách di chuyển này.

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 14.

Du khách thập phương khi đến vãn cảnh, dâng hương tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh có thể chọn đi bằng cáp treo, với độ dài 1.000mét, chỉ mất 10 phút để đi từ Miếu Cô lên đến chùa Hương. Ảnh: PV

Du khách hành hương có thể di chuyển bằng cáp treo từ miếu Cô đến đền Thượng với giá 160.000 đồng/vé 2 chiều và 120.000 đồng đối với vé 1 chiều.

Nhiều người lựa chọn đi thuyền để thưởng thức phong cảnh non nước hữu tình. Từ miếu Linh Sơn, du khách đi thuyền theo dọc theo hồ Nhà Đường với chặng đường khoảng 1,5km để đến miếu Cô làm lễ với chi phí 10.000 đồng/lượt. Sau đó, du khách sẽ phải lựa chọn theo 2 con đường di chuyển đã được liệt kê trên.

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 15.

Du khách có thể chọn phương tiện đi bằng thuyền trên sông để thưởng ngoạn cảnh đẹp. Ảnh: PV

Khám phá ngôi chùa được mệnh danh “Hoan Châu đệ nhất danh lam” trên núi Hồng Lĩnh - Ảnh 16.

Khai hội chùa Hương Tích, mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh 2023. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, cho biết: "Chùa Hương Tích trên ngọn núi Hương Tích trong dãy Hồng Lĩnh. Nơi đây, được mệnh danh là "Hoan Châu đệ nhất danh lam" – ngôi chùa đẹp nhất vùng Hoan Châu và là một trong 21 thắng cảnh của nước Nam xưa. Theo các kết quả nghiên cứu, chùa Hương Tích được xây dựng vào khoảng thời Trần (thế kỷ XIII).

"Một trong những nét đặc sắc nhất trong kiến trúc của quần thể di tích chùa Hương Tích chính là cung Tam Bảo, nơi ngụ tại của nhiều pho tượng Phật có niên đại hàng trăm năm. Đặc biệt phải kể đến 50 pho tượng Phật cao ngang tầm ngực, đang trong tư thế ngồi im thanh tịnh, mây gió vờn quanh. Để chùa Hương Tích xứng tầm với vai trò và vị thế vốn có của một ngôi chùa với những giá trị vô song cả về lịch sử và văn hóa. Công việc trùng tu tôn tạo các hạng mục nói trên đang được duy trì", ông Trần Phi Công - Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem