Gia vị tạo ngọt không nguồn gốc vẫn đắt khách
Trong vai một người đang tìm mua đường về nấu chè, nấu nước phở, chúng tôi có mặt ở khu chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Phùng Khoang để tìm mua loại đường này. Tại các cửa hàng bán đồ khô, khi được hỏi đến loại gia vị tạo ngọt, hầu hết các chủ cửa hàng đều nhìn chúng tôi với ánh mắt dè chừng.
Sau một hồi lần tìm, cuối cùng chúng tôi cũng đã được mục sở thị loại đường “thần thánh” này tại một quầy hàng góc giữa chợ Đồng Xuân và chợ Phùng Khoang. Sau một hồi nhìn và hỏi chúng tôi với sự dò xét, bà chủ quầy hàng mới nhanh chóng lấy ra từ góc khuất của gian hàng một túi đường nhỏ như yêu cầu của khách với giá 70 nghìn đồng một túi 0,5kg, tuy nhiên khi chúng tôi giơ gói đường lên cao để xem xét, ngay lập tức chủ cửa hàng kéo thấp xuống và nhìn ngó xung quanh như sợ bị người khác phát hiện.
Khi thấy chúng tôi có vẻ nhiệt tình mua, người bán hàng mới quảng cáo, hướng dẫn sử dụng cho khách hàng và khẳng định một viên nhỏ (như viên thuốc B1) có thể dùng cho một lít nước, thay thế mì chính giúp nước dùng có vị ngọt đậm đà, thơm ngon gấp 8 lần mì chính hay đường thông dụng.
Theo quan sát, loại đường này có tên đường viên NaBiCa-2, hòa tan trong nước, không kết tủa. Tuy nhiên, trên bao bì túi đường không ghi rõ cụ thể thành phần hóa học, hướng dẫn sử dụng cũng như nhà sản xuất, thời hạn sử dụng...
Tại một quầy bán đồ khô ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), chúng tôi được chủ hàng giới thiệu một loại đường hóa học bán chạy nhất hiện nay được giới chủ quán ăn, nhà hàng chọn mua. Ngoài loại đường viên NaBiCa-2 giống ở khu chợ Đồng Xuân, tại quầy hàng này còn xuất hiện một túi đường trên bao bì toàn bộ là chữ Trung Quốc, in hình cây mía, không hề có bất kỳ nhãn mác phụ bằng tiếng Việt nào.
Theo chủ cửa hàng, loại đường này có độ ngọt gấp 20 lần đường cát thông thường, thích hợp dùng cho nấu chè, pha đồ uống. Chủ hàng quảng cáo loại đường hóa học này là gia vị làm ngọt thay thế được cho xương ống, một lạng đường làm ngọt tới 20 nồi nước phở, từ 20 nồi nước phở này có thể chế biến ra hàng nghìn bát phở, rất phù hợp, tiện dụng, tiết kiệm cho các quán phở, lẩu, chè.
Trong số các loại đường siêu ngọt được bày bán hiện nay thì đường cây mía (theo cách gọi của người bán hàng) được bán chạy hơn so với đường viên NaBiCa (đường B1, theo cách gọi của người bán hàng).
Thấy chúng tôi do dự, chủ cửa hàng liến thoắng trấn an: “Chị bán nhiều cho các quán hàng ăn là chính chứ không bán lẻ đâu, em mới mở cửa hàng, chị tạo điều kiện nên bán cho thôi. Em cứ yên tâm mà dùng, không sợ đâu”.
Đường hóa học không phép có thể gây ung thư
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, các phụ gia thực phẩm, trong đó có chất tạo ngọt, không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tạp chất, kim loại nặng hay có hóa chất cấm sử dụng, rất nguy hại cho sức khỏe.
Các chất ô nhiễm có thể gây hại cho dạ dày, gan do đây là nơi tiếp nhận, xử lý thực phẩm đưa vào, nếu một chất bị đưa vào gan với liều quá mức có thể gây độc cho gan, làm tổn thương gan. Ngoài ra, nếu phụ gia không được kiểm soát chất lượng có thể nhiễm hóa chất, kim loại nặng, đưa vào cơ thể là tác nhân gây hại cho hệ thần kinh hoặc tăng nguy cơ ung thư.
“Các phụ gia thực phẩm, trong đó có chất tạo ngọt trong danh mục cho phép, được lưu hành hợp pháp cũng cần được sử dụng đúng liều lượng, hàm lượng theo khuyến cáo. Các phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc tuyệt đối không sử dụng bởi hoàn toàn không kiểm soát được nguy cơ” - ông Thịnh khuyến cáo.
Cách nhận biết thực phẩm có đường hóa học Đường hóa học rất dễ hòa tan trong nước, không màu, không mùi nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, khi ăn phải thực phẩm có đường hóa học thường sẽ cảm nhận được vị ngọt gắt, hơi chát và đắng. Vì vậy, người bán hàng thường dùng thêm đường mía khi chế biến. Đồng thời, đường hóa học tạo vị ngọt lợ sau khi ăn, đặc biệt là khi uống nước sẽ đọng lại vị ngọt trong miệng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.