Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng

Khuynh Diệp Thứ hai, ngày 12/08/2024 06:12 AM (GMT+7)
Qua khu dưỡng lão của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP Hồ Chí Minh, tôi len lỏi trên con đường mòn mấp mô sỏi đá vừa đủ cho chiếc xe gắn máy tìm đến nhà ông Phạm Văn Bẻo, một nông dân vào hàng cố cựu sống trong cánh rừng ven suối đầm Bông Trang, dài ra mé Nhà Đỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Bình luận 0
Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng ở Bình Dương - Ảnh 1.

Hai lần thoát chết

Cơn mưa cuối mùa rơi nặng hạt trên những chiếc lá cao su tạo thành âm thanh là lạ. Lâu lắm, tôi mới lại được nghe mưa rơi rừng Miền Đông. Ông Bảy Bẻo dường như cũng không ngủ khi có tôi.

- Nhà lạ, anh khó ngủ, hả? - Bảy Bẻo hỏi nhỏ.

- Dạ! - Tôi trả lời ông Bảy.

Nhờ khó ngủ, tôi được dịp nghe Bảy Bẻo kể về những đoạn đời đối diện giữa cái chết và mạng sống mỏng như sợi tóc. 

Vốn gốc người phường Hòa Lợi TP Bến Cát (Bình Dương) ngày nay, năm 1954 ông cụ thân sinh đưa cả gia đình Phạm Văn Bẻo vào cạnh suối đầm Bông Trang khai vỡ đất rừng vừa làm rẫy, vừa canh tác lúa nước và trồng rừng lấy gỗ tính sinh kế dài lâu. 

Ai dè, mới được mấy mùa lúa, cây rừng chưa kịp xả tán, năm 1962, chính quyền Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm xây dựng "Ấp chiến lược kiểu mẫu" Bến Tượng gần căn cứ Lai Khê cạnh Quốc lộ 13, dồn gia đình Bảy Bẻo và hàng trăm hộ dân các xã Chánh Phú Hòa, Lai Uyên ở huyện Bến Cát phải bỏ lại nhà cửa, tài sản vào sống trong vòng kẽm gai.

Tháng 5/1964, ấp chiến lược Bến Tượng bị Mặt trận Dân tộc giải phóng dẹp phá, chính quyền Sài Gòn lại chuyển gia đình Bảy Bẻo cùng hàng trăm nông hộ hai xã Chánh Phú Hòa và Lai Uyên xuống ấp chiến lược ở Thủ Dầu Một.

Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng ở Bình Dương - Ảnh 2.

Ông Bảy Bẻo tâm sự, rừng đã cho vợ chồng, con cái ông một cuộc sống bình yên, ổn định. Ảnh: P.V

Anh Phạm Văn Thiện con trai thứ năm của Bảy Bẻo có mặt từ những ngày đầu thành lập Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương kể: "Nhờ Hoa viên có chính sách ưu đãi, giành riêng khu đất để phường Chánh Phú Hòa chôn cất người qua đời với mức thu phí thấp nên bà nội rồi má của anh em tôi qua đời đều được nằm trong Hoa viên nghĩa trang Bình Dương".

Sau Tết Mậu Thân 1968, Bảy Bẻo còn bị bắt đi lính, bị đưa xuống quân trường Quang Trung học bắn súng. 

Mấy tháng vất vả ở quân trường, Bảy Bẻo được điều sang binh chủng pháo binh mặt đất thuộc đơn vị pháo 105. "Mùa hè đỏ lửa" (quân giải phóng gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ) 1972, đơn bị Bảy Bẻo đóng ở căn cứ Đồng Tâm, Lộc Ninh. 

"Biết không thể chống cự với quân giải phóng, khẩu đội pháo của tôi hè nhau hủy vũ khí, tìm cách leo lên trực thăng chở binh sĩ bị thương trốn về Lai Khê giữ mạng sống" - Bảy Bẻo bộc bạch.

Khốn nỗi, Phạm Văn Bẻo đâu thoát được cái gông làm lính quốc gia khi bị gí súng vào tay bởi chế độ Việt Nam cộng hòa đang ở thời kỳ hấp hối. 

Bị đẩy ra mặt trận Long Khánh ác liệt, đơn vị pháo 105 của Bảy Bẻo không đủ cơ số đạn nên bắn cầm chừng mỗi khi được lệnh. Tháng 4/1975, trung sĩ Phạm Văn Bẻo cùng khẩu đội pháo 105 bỏ pháo băng rừng mạnh ai nấy chạy. Riêng Bảy Bẻo chạy về với góc rừng bên suối đầm Bông Trang, nơi xưa kia cha con ông khai vỡ, lập nghiệp.

Tôi nắm bàn tay chai sần của người trung sĩ thoát chết trên chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh cách nay nửa thế kỷ, bên ngoài, cơn mưa cuối mùa cũng dứt hạt. 

"Hai đận thoát chết, tôi còn lành lặn đầu óc, chân tay, lại được trở về ngay nền nhà cũ của cha tôi khai khẩn bên đầm suối Bông Trang, vui chứ bộ!" - Bảy Bẻo thực lòng.

Ráng giữ lấy rừng mà sống!

Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng ở Bình Dương - Ảnh 3.

Ông Bảy Bẻo gắn bó cả cuộc đời với rừng.

Bảy Bẻo nở nụ cười hồn nhiên như thời còn trẻ, dù nay đã sang tuổi bát tuần. Uống cạn ly trà ướp hương sen, tôi theo Bảy Bẻo ra vườn cao su sau nhà, ông xoay một vòng tay qua mấy lỗ bom còn ngập nước trong mùa mưa, nói rổn rảng: "Hồi vừa giải phóng, vợ chồng tôi về nền đất nhà cũ này, hố bom dày như mặt sàng, cha con, vợ chồng nai lưng san lấp, vẫn không hết".

Quanh vườn cao su, cha con Bảy Bẻo còn trồng đu đủ, tre mạnh tông lấy măng. Bên những hố bom đìa ngập nước mùa mưa, con trai ông mua dừa giống từ Bến Tre, dừa xiêm Thái Lan trồng nay sắp ra quả mùa đầu. 

Tiện thể, ông gọi cậu con út tên Thanh lấy cho ông cái cuốc và cầm theo con rựa, ngoắc tôi lội qua con suối cạn cạnh hố bom sang khu rừng trải bóng mát quanh năm trên mảnh sân trước nhà. "Chú đi với tôi sang đám rừng nguyên sinh rộng chừng 1ha tôi ráng giữ suốt mấy chục năm trường", Bảy Bẻo níu vai tôi, chỉ đám rừng bên con suối cạn.

Theo ký ức của anh trung sĩ pháo binh Việt Nam cộng hòa, cha ông quê xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát (nay là TP.Bến Cát), 70 năm trước (1954), cha ông đưa gia đình vào giáp suối Bông Trang cất chòi khai vỡ đất lập nghiệp. 

Nào phát le, bứng gò mối, gốc cây già, san mặt bằng tạo dựng được gần mười mẫu tây đất. Nơi thân đất sâu hàng năm canh tác lúa nước nhờ nước mưa. Trên gò thì làm rẫy trồng các loại rau màu... Do quen sống với rừng từ nhiều đời, cha Bảy Bẻo khuyên con ráng giữ lấy rừng mà sống.

Chiến tranh đi qua, sau ngày giải phóng 30/4/1975, được trở về nền rừng cũ, vợ chồng Bảy Bẻo lại tiếp tục phát quang "địa hình", lại bạt gò mối, lại bấng từng cụm le, san từng hố bom tạo dựng lại cơ ngơi.

"Thời bao cấp lo cái ăn đã khó, còn sinh một bầy con, giữa rừng sâu bên suối Bông Trang, nhớ lời cha, vợ chồng tôi vẫn cố giữ được khu rừng nguyên sinh cho đến hôm nay" - Phạm Văn Bẻo thật thà chia sẻ.

Nhờ giữ được rừng, hiện có cây đường kính hai người lớn vòng tay ôm không hết. Qua bao gian truân, vất vả, con cái lớn đều lập gia đình ra riêng, phần đất khai vỡ ông cắt chia các con cất nhà và trồng cao su, nhờ đó các con đều có cuộc sống an nhiên, kinh tế khấm khá.

Dựng cán cuốc bên cây gỗ trắc cổ thụ, Bảy Bẻo nói nhỏ: "Vài năm nay, biết rừng có cây gỗ trắc quý hiếm, lái vô trả gần tỷ bạc, nhưng không bán!". Thậm chí, có lần họ không mua được cây cổ thụ quý hiếm, ác ý cho đệ tử dùng thuốc diệt cỏ giết cây nhưng bất thành.

Bảy Bẻo dẫn tôi đi vòng vòng trong khu rừng xanh mát, ông "bật mí": "Biết tôi có cây gỗ trắc cổ thụ quý hiếm, khách từ Hà Nội gọi điện vô, hỏi mua, tôi phát giá một tỷ đồng mới bán!".

Tiếng gió len trong vòm cây hòa với tiếng chim chào mào hót lanh lảnh tạo cho khu rừng nguyên sinh còn sót lại nhờ tấm lòng yêu rừng của người nông dân lính pháo binh chế độ Việt Nam cộng hòa, có thâm niên bảy năm hành quân trên đất lửa Miền Đông, dưới những cánh rừng xơ xác vì bom và chất độc hóa học. 

"Mùa hè đỏ lửa" năm 1972 anh trung sĩ pháo binh từng trèo lên trực thăng tải thương nhưng vẫn không trốn thoát đời lính chiến. Ba năm sau (1975) Bảy Bẻo bỏ pháo, giật mề đay bậc trung sĩ ném xuống chân để người nhẹ tênh chạy một mạch từ Long Khánh về lại với rừng xưa.

Trở về với nền nhà cũ và khu rừng bên suối đầm Bông Trang thuộc địa bàn phường Chánh Phú Hòa, vợ chồng Bảy Bẻo sinh 6 người con. Nhờ khai lập cả chục mẫu đất nên nay các con Bảy Bẻo không ai không có đất cất nhà, lại còn có đất trồng cao su. 

Năm 2006, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa (tức Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương) ra đời, Ban quản lý ưu tiên tuyển lao động tại địa phương, các con ông đều được nhận vào làm tại công ty, thu nhập hàng tháng ổn định. Năm 2020, vợ ông qua đời được Ban quản lý "Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương" áp dụng nhiều ưu đãi để bà an nghỉ với chi phí thấp.

Hai lần thoát chết, người lính của chế độ cũ dốc sức hồi sinh những cánh rừng ở Bình Dương - Ảnh 4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem