Trồng la liệt rau ăn lá, rau gia vị theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Bình Phước hưởng lương cao
Trồng đủ thứ loại rau ngon, bán đắt hàng, nông dân Bình Phước "tự trả lương cao" cho chính mình
Chủ nhật, ngày 11/08/2024 19:11 PM (GMT+7)
Nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung ứng cho thị trường, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, công nghệ thủy canh,... óp phần mang lại thu nhập cao hơn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, người dân xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) chủ yếu trồng rau theo cách truyền thống, nhỏ lẻ, do đó năng suất không cao, lợi nhuận thấp, thậm chí còn bị thua lỗ.
Với mong muốn mở ra hướng đi mới cho người trồng rau, năm 2018, Chi hội trồng rau xã Lộc Thái được thành lập.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chi hội đã vận động các thành viên ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất rau.
Đầu tiên là làm nhà lưới, hệ thống tưới, sau đó sử dụng phân bón vi sinh, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,... nhờ vậy năng suất, chất lượng, sản lượng, số vụ canh tác tăng lên so với trước.
Ông Nguyễn Đình Sánh ở ấp 8, xã Lộc Thái, thành viên Chi hội trồng rau xã Lộc Thái cho biết, gia đình ông có 2 sào đất, nhiều năm trước, ông chủ yếu trồng rau theo kinh nghiệm nên năng suất thấp.
Từ khi tham gia chi hội, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng KH&CN, lại thụ hưởng từ dự án “Xây dựng mô hình trồng một số loài cây ăn trái và rau màu trên địa bàn các huyện vùng biên giới tỉnh Bình Phước theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP)” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025 do Trung tâm KH&CN tỉnh chủ trì thực hiện, năng suất rau tăng rõ rệt, vụ nào cũng có lời.
Ông Trần Văn Viễn ở ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước chăm sóc vườn rau an toàn của gia đình.
Trung bình mỗi ngày ông Sánh bán khoảng 70kg rau sạch cho các vựa rau. Rau làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhiều khi không đủ bán.
Ông cũng là một trong 8 thành viên Chi hội trồng rau xã Lộc Thái được cấp giấy chứng nhận VietGAP với 11 loài rau gồm: cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, mồng tơi, rau dền, xà lách, tần ô, ngò rí, hành lá, cải nhúng, rau đay.
“Tuân thủ quy trình VietGAP, chúng tôi có một vườn rau an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và cả người trực tiếp canh tác” - ông Sánh khẳng định.
Trồng rau an toàn-hiệu quả kinh tế cao
Được xem là một trong những địa phương có diện tích trồng rau an toàn lớn của huyện Bù Đốp, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình đã phát triển được 13 hộ trồng rau với khoảng 4 ha. Hiện vùng rau an toàn này chủ yếu sản xuất các loại rau ăn lá như: rau dền, mồng tơi, xà lách, rau thơm, các loại rau họ cải,...
Để sản xuất rau an toàn, nông dân tuân thủ quy trình ngay từ khâu xử lý đất, trồng cây con trong vườn ươm, dùng nước sạch để tưới, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học. Gia đình bà Đỗ Thị Sim ở ấp Thanh Tâm trồng 4 sào rau, trong đó có khoảng 1 sào rau thơm.
Mỗi ngày bà cung cấp ra thị trường khoảng 150kg rau các loại, với giá bán từ 12-15 ngàn đồng/kg tùy loại; rau thơm khoảng 30 ngàn đồng/kg. Bà Sim luôn tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn.
Đặc biệt đối với rau ăn lá phải kết thúc bón phân hữu cơ, vi sinh trước khi thu hoạch từ 15-20 ngày. Thời gian sinh trưởng đến lúc thu hoạch của rau an toàn chậm hơn 5 ngày so với rau trồng theo cách thông thường, nhưng lá rau dày, năng suất cao và để được từ 2-3 ngày không bị hư.
Gia đình ông Trần Văn Viễn ở ấp Thanh Tâm gắn bó với nghề trồng rau đến nay đã hơn 30 năm. Với 5 sào rau an toàn trồng trong nhà lưới, mỗi ngày ông thu hoạch từ 150-200kg rau, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 1,7 triệu đồng/ngày.
Theo ông Viễn, trồng rau không khó, nhưng đòi hỏi phải cần cù. Trồng rau an toàn thì quy trình phải kỹ. Đặc biệt, quy trình trồng, chăm sóc tuyệt đối không xịt thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học mà chỉ bón phân vi sinh.
Trồng rau sạch, an toàn là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp đang được người dân huyện biên giới Bù Đốp triển khai, mở rộng nhằm nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Bù Đốp hiện có 830 ha rau các loại, chiếm gần 20% diện tích cây hằng năm; với năng suất bình quân khoảng 80 tấn/ha/năm rau củ, quả và 200 tấn/ha/năm rau ăn lá.
Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, nhằm giúp nông dân trồng rau thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, nắm bắt được quy trình sản xuất mới theo hướng hữu cơ an toàn, năm 2021, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã chọn Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp thực hiện dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn” trên địa bàn huyện.
Ngay sau khi được chọn, các thành viên dự án đã tiến hành xây dựng 3 mô hình, với quy mô 3.000m2/mô hình. Đồng thời tập huấn quy trình canh tác rau theo hướng hữu cơ cho 120 nông dân trong huyện.
Thạc sĩ Đỗ Hữu Đức, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp: Qua hơn 2 năm thực hiện dự án “Xây dựng vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn” đã đem lại hiệu quả cao, đặc biệt trong phòng trừ sâu bệnh hại, góp phần thúc đẩy hình thành vùng chuyên canh trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn.
Từ đó, giúp tăng năng suất rau và đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, hiệu quả kinh tế tăng 42,4%, trung bình mỗi hộ đạt gần 757 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng rau truyền thống.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động, hầu hết người trồng rau trên địa bàn tỉnh đều tích cực ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung do đặc thù canh tác rau màu của nông dân vẫn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm...
Để tiếp tục phát triển các vùng sản xuất rau màu tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, các cấp, ngành, địa phương cần hỗ trợ nông dân tiếp cận KH&CN, nâng cao trình độ quản lý để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực để tiếp nhận và vận hành công nghệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.