Hải Phòng: Một người dân bị đánh thương tích 14%, vì sao chưa khởi tố vụ án?

Vũ Thị Hải Thứ sáu, ngày 24/11/2023 09:45 AM (GMT+7)
Báo Dân Việt nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Đình Hiệp, cán bộ Cty Cổ phần Công nghệ phẩm Hải Phòng về việc ông bị bà Đào Thị Hồng Hà (Sn 1979, trú tại số 28, lô 6b, Lê Hồng Phong, Ngô Quyền, Hải Phòng) gây thương tích khiến ông bị mất 14% sức khoẻ, nhưng đến nay cơ quan Công an vẫn chưa khởi tố vụ án.
Bình luận 0

Thương tích ở mắt

Theo trình bày của ông Nguyễn Đình Hiệp, chiều ngày 7/4/2022, trong lúc tranh chấp nhà số 28B Quang Trung, Hồng Bàng, Hải Phòng (ông Hiệp là cửa hàng trưởng cửa hàng này), ông đã bị bà Đào Thị Hồng Hà đánh, gây thương tích. Cụ thể, bà Hà dùng tay móc vào mắt ông, làm cho mắt trái của ông bị tổn thương, sưng tấy.

Bà Nguyễn Thị Đông và bà Đỗ Thị Nải, đều là cán bộ của Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng có mặt tại hiện trường thời điểm đó. 

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Đông cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc nói trên, bà có mặt tại nhà số 28B Quang Trung. "Trong nhà còn ông Hiệp và bà Hà, ông Hiệp kêu to: sao mày ác thế, mày bổ vào mắt tao. Tôi nhìn thấy ông Hiệp máu me be bét chảy từ mắt ra. Ông Hiệp nói: cô Hà bổ vào mắt tôi", bà Đông kể lại.

Bà Đỗ Thị Nải - Trưởng Chi nhánh Cửa hàng Công nghệ phẩm Lê Chân thuộc Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng cho biết, chiều ngày 7/4, khi nghe tin có đông người đến tranh chấp nhà số 28B Quang Trung, bà cũng tới đó để bảo vệ nơi làm việc của cán bộ, nhân viên công ty. 

Khi được yêu cầu giải tán để đảm bảo an ninh trật tự, bà đã chấp hành và đi ra. Khi đến gần cửa, bà Nải nghe tiếng ông Hiệp kêu lên "Sao mày ác thế, mày bổ vào mắt tao". "Câu đấy tôi nghe rất rõ, tôi quay lại nhìn thì thấy máu ở khu vực mắt anh Hiệp chảy ra, chị Đông nhanh tay dìu anh Hiệp ra cửa và gọi người đến giúp anh Hiệp, đưa anh Hiệp đi băng bó vết thương…"- bà Nải nói.

Ngay sau khi bị đánh, ông Hiệp được người nhà chở lên công an phường Hoàng văn Thụ, quận Hồng Bàng trình báo, tố giác tội phạm.

Sau đó, ông được người nhà chở đến khoa cấp cứu bệnh viện Việt Tiệp để khám. Tại đây, bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay để mổ cấp cứu và khâu vết thương do mắt bị rách kết mạc, đụng dập nhãn cầu, xây xước, tụ máu mi…

Khó hiểu một vụ án gây thương tích, cơ quan điều tra 5 lần tạm đình chỉ tiếp nhận tin báo - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Đông trình bày với PV Dân Việt. Ảnh: VTH


Giấy chứng nhận thương tích số 44 ngày 12/04/2022 của Bệnh viện Việt Tiệp xác nhận tình trạng thương tích của nạn nhân lúc vào viện: Mi mắt trái xây xước, bầm tím, sưng nề, xuất huyết dưới kết mạc; rách kết mạc cùng đồ dưới kéo dài từ góc ngoài vào góc trong sát kết mạc. Biện pháp điều trị: nạn nhân phải phẫu thuật khâu kết mạc.

Sau thời gian điều trị, ông Hiệp được Công an Quận Hồng Bàng dẫn đi khám chứng thương tại bệnh viện Việt Tiệp. Kết quả giám định sau đó được công an Hồng Bàng thông báo tỷ lệ thương tích của ông là giảm 3% sức khoẻ.

Ông Hiệp không đồng ý với kết quả giám định trên vì ông thấy, mắt trái của ông bị rách kết mạc phải khâu nhiều mũi, khi ra viện, mắt của ông vẫn bị đau nhức, nhòe mờ khó nhìn, có bóng nhòe, nhìn 1 thành 2, khi bước trên cầu thang do nhìn không rõ, có bóng lên nhiều lần ông bị bước hụt, bị ngã, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt.

Ông Hiệp đã đề nghị cơ quan điều tra cho ông được làm giám định lại tại cơ quan giám định pháp y Trung ương.

Kết quả giám định pháp y số 80/22/TgT ngày 29/7/2022 của Viện pháp y Quốc gia cho thấy, nạn nhân bị sẹo kết mạc mắt trái không gây co kéo hở mi: tổn thương 3%; Song thị do sẹo kết mạc gây hạn chế vận nhãn: tổn thương 11%. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 14%. Viện pháp y Quốc gia cũng kết luận thương tích của nạn nhân là do vật tày có góc cạnh cứng tác động tại chố gây ra.

Sự việc trên diễn ra đến nay đã gần 20 tháng nhưng cơ quan điều tra CA quận Hồng Bàng vẫn chưa khởi tố vụ án.

Khó hiểu một vụ án gây thương tích, cơ quan điều tra 5 lần tạm đình chỉ tiếp nhận tin báo - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thị Nải trình bày với PV. Ảnh: VTH

Chưa làm rõ thương tật?!

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết, sau khi có kết luận giám định pháp y số  80/22/TgT ngày 29/7/2022 nói trên, cơ quan điều tra CA quận Hồng Bàng đã 3 lần có văn bản hỏi Viện pháp y Quốc gia về thương tích của ông. Nội dung hỏi và nội dung trả lời như thế nào ông không được biết vì cơ quan điều tra không cung cấp thông tin khi vụ án chưa kết thúc. 

Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả trả lời của Viện pháp y Quốc gia, cơ quan điều tra CA quận Hồng Bàng cũng đã 3 lần phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm. 

"Vậy mà, tới nay, cơ quan điều tra lại một lần nữa tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm để chờ kết quả trả lời của Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Mắt Trung ương và bệnh viện Hải Phòng để xác định thêm về thương tích của tôi. Tôi cũng không biết bệnh viện Hải Phòng mà cơ quan điều tra muốn hỏi là bệnh viện nào, vì ở Hải Phòng không có bệnh viện nào có tên như vậy"- ông Hiệp băn khoăn.

Khó hiểu một vụ án gây thương tích, cơ quan điều tra 5 lần tạm đình chỉ tiếp nhận tin báo - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đình Hiệp trình bày với PV Dân Việt. Ảnh: VTH

Trả lời câu hỏi của PV Báo Dân Việt về sự việc trên, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng xác nhận, từ khi xảy ra vụ việc đến nay đã 5 lần tạm đình chỉ, 5 lần phục hồi tin báo. Lần thứ nhất được 2 tháng, gia hạn 2 tháng nữa là 4 tháng, sau đó mỗi lần phục hồi chỉ được 1 tháng.  

Cũng theo vị đại diện cơ quan điều tra Công an quận Hồng Bàng, về việc giám định, hai bên (ông Hiệp và bà Hà) đều có đơn, đều có thương tích trên 11%, trong đó thương tích của chỗ bị hại là ông Hiệp đi giám định lần thứ 2 mới lên 14%. Kết quả giám định lần thứ nhất thương tích dưới 11%, giám định lần thứ 2 ở pháp y Quốc gia thương tích lên 14%. 

Hiện nay, cơ quan điều tra có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chuyên môn liên quan đến các vết thương tích này, vì ở vùng mắt là vùng rất nhạy cảm, chỉ sơ sẩy một chút thôi là tỷ lệ thương tích có thể lên hoặc xuống. Vì thế, hiện nay cơ quan điều tra đã có rất nhiều văn bản đang gửi lên liên ngành tố tụng quận Hồng Bàng để đánh giá, phân tích, đều yêu cầu các cơ quan này nghiên cứu và trả lời chính xác, cụ thể cơ chế hình thành thương tích để làm căn cứ  khởi tố vụ án.

"Đến nay hai cơ quan là Pháp y Trung ương và Pháp y Bệnh viện Việt Tiệp là nơi điều trị cho ông Hiệp vẫn đang nghiên cứu trả lời rõ xem là vết thương này gây ra là do bệnh lý, hay gây ra do thương tích trước đó, hay gây ra do thương tích trong ngày hôm đó. Khi có đủ căn cứ kết luận chính xác, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ khởi tố hình sự. Còn hiện nay vẫn đang vướng mắc, chưa khởi tố hình sự được. Vẫn đang chờ các cơ quan giám định giải thích vết thương đó là do cơ chế nào gây ra và vết thương đó hình thành khi nào, thời điểm nào"- vị đại diện cơ quan điều tra Công an quận Hồng Bàng cho hay. 

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Bích Nga - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng cho biết, sự việc diễn ra có người chứng kiến, tỷ lệ thương tích của nạn nhân là 14%, có  dấu hiệu cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cần được khởi tố để điều tra làm rõ.

Về thời hạn giải quyết tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, luật sư Phạm Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa không quá 4 tháng.

Cụ thể:

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Đình Hiệp như trên, cơ quan điều tra đã căn cứ vào Điều 148 Bộ luật hình sự 2015 để Tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Luật sư Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, Luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định cụ thể số lần được tạm đình chỉ và phục hồi tin báo về tội phạm nhưng quy định rất rõ về lý do tạm đình chỉ. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sư.

Cụ thể là: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả).

“Trong trường hợp quyết định tạm đình chỉ của cơ quan điều tra không có căn cứ thì Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có thể xem xét ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng hình sự 2015”- luật sư Phạm Hồng Sơn cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem