Hải Phòng: Tờ A4 “giết” doanh nghiệp và cản trở phát triển

Phạm Hồng Thứ sáu, ngày 30/11/2018 11:08 AM (GMT+7)
Lạnh lùng ra quyết định thu hồi đất của doanh nghiệp (DN), rồi lại đề xuất ra quyết định thu hồi lại quyết định thu hồi. Phải chăng, việc Hải Phòng tiền hậu bất nhất này không những gây hại cho DN, mà còn như “dội nước” vào nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ.
Bình luận 0

Trong phiên họp thường trực Chính phủ chiều 27.11, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đề cập việc dù Chính phủ, các bộ ngành đã nỗ lực nhưng cải thiện môi trường kinh doanh vẫn rất chậm, còn thiếu thực chất, nhiều điểm rất đáng lo... doanh nghiệp và xã hội còn chưa ghi nhận! Cửa quyền, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu đang cản trở sự phát triển. Thái độ vì dân, vì phát triển chưa nhiều trong hệ thống chính quyền.

3 văn bản để thu hồi đất chỉ trong 1 ngày

Hồi đầu tháng 11.2018, cộng đồng doanh nghiệp xôn xao sau bức tâm thư “10 đoạn trường qua các cửa ải hành chính” của doanh nhân đất Cảng Tạ Quyết Thắng gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Xong hóa ra, ông Thắng không phải là nạn nhân duy nhất.

img

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng từng tặng nguyên cây cầu vượt sông Tam Bạc, và sau đó kêu trời về “đoạn trường doanh nghiệp”. (Ảnh DDDN)

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) cũng là một nạn nhân cay đắng không kém. Tháng 10 năm ngoái, DN này nhận được quyết định thu hồi 156ha tại dự án khu đô thị Cái Giá- Cát Bà cho dù đã đổ biết bao tiền của vào dự án này.

Chỉ đến khi Vinaconex ITC khiếu nại quyết liệt, đưa cả các công ty luật hàng đầu vào cuộc, sự thể mới ngã ngũ, rằng họ bị thu hồi xuất phát từ sự làm ăn tắc trách, vi phạm pháp luật của một số cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng.

Ngày 25.10.2017, Thành ủy Hải Phòng ra Thông báo: Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương thu hồi đất bước đầu đối với Dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vinaconex làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện Cát Hải.

Căn cứ mà Ban Thường vụ Thành ủy Hải phòng trong thông báo này được ghi rõ: “như đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND TP tại văn bản số 352/BCS ngày 24.10.2017”. Và Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng giao cho ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo thực hiện thu hồi.

Ngay trong  ngày 25.10.2017, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định 2786 thu hồi hơn 1 triệu 550 nghìn mét vuông đất của Dự án này.

Một trong những căn cứ để UBND TP Hải Phòng ra Quyết định thu hồi là “theo đề nghị của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng tại tờ trình số 693 cũng ký ngày 25.10.2017.

Việc 1 loạt văn bản chỉ đạo, quyết định, tờ trình của Thành ủy Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng, Sở Tài nguyên môi trường đều ra cùng ngày 25.10.2017; nếu là có lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cho thành phố và đất nước phát triển thì rất đáng được hoan nghênh.

Tuy nhiên, những chỉ đạo, quyết định ra cùng trong ngày 25.10.2017 trên đây lại đẩy doanh nghiệp vào con đường lao đao, tiền mất, đất mất, dự án bị ngưng trệ, công nhân mất việc.

1 năm sau lại đề xuất hủy Quyết định thu hồi

Vinaconex ITC khiếu nại quyết liệt. Trước nguy cơ bị kiện vì thiếu căn cứ pháp lý, ngày 8.10.2018, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hải Phòng lại có văn bản số 740 gửi Ban Thường vụ Thảnh ủy Hải Phòng về việc “hủy bỏ giá trị pháp lý Quyết định số 2876 ngày 25.10.2017”.

 Nực cười hơn, một trong những nguyên nhân Ban Cán sự Đảng đề nghị hủy bỏ Quyết định 2786 là trên cơ sở đề xuất cũng lại của Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng.

img

Văn bản Sở Tài nguyên & Môi trường Hải phòng đề xuất Ban Cán sự Đảng Hải Phòng ghi: “Do chưa đảm bảo tính pháp lý khi thu hồi đất của Công ty Vinaconex ITC nên trong trường hợp Công ty Vinaconex ITC và Công ty Luật TNHH DaviLaw khởi kiện Quyết định số 2786 ngày 25.10.2017 của UBND TP sẽ bất lợi cho thành phố” (?!).

Với cách hành sự tắc trách, thu hồi đất trái pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi DN, lãnh đạo Hải Phòng chẳng những tự bôi xấu môi trường đầu tư của chính mình mà còn như “dội gáo nước lạnh” vào nỗ lực cải thiện môi trường của Chính phủ đang thực hiện.

Trong phiên họp hôm 27.11 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu nghị quyết 19 phải được ban hành sớm trên cơ sở “đánh giá nghiêm túc, khách quan việc thực hiện với chế tài xử lý cương quyết, nghiêm minh như công khai các bộ ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh”.

Vậy nên chăng, hãy bắt đầu ngay từ Hải Phòng. Không chỉ bằng một quyết định thu hồi quyết định thu hồi mang tính chất chữa cháy, mà cần xử lý kỷ luật những người đã làm sai gây ảnh hưởng tới quyền lợi DN, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư không chỉ của TP Cảng Hải Phòng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem