"Vấp" lệnh triệu hồi động cơ PW1100, đội tàu bay A321NEO của các hãng hàng không "hụt" một nửa

Gia Linh Thứ tư, ngày 05/06/2024 17:19 PM (GMT+7)
Để ứng phó với việc thiếu hụt tàu bay và duy trì hoạt động khai thác, các hãng hàng không phải tìm cách tối ưu hoá nhằm tăng thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển.
Bình luận 0

Các hãng hàng không đứng trước nguy cơ thiếu hụt tàu bay

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, vừa có văn bản về việc tăng cường nâng cao biện pháp bảo đảm an toàn hàng không. 

Theo Cục này, ảnh hưởng của lệnh triệu hồi động cơ PW1100 khiến cho đội tàu bay A321NEO của các hãng hàng không Việt Nam phải tạm dừng khai thác với số lượng lớn (22/45 tàu bay). 

Điều này gây ra tình trạng thiếu tàu bay để đảm bảo hoạt động khai thác vận chuyển hàng không.

Để ứng phó với việc thiếu hụt tàu bay, duy trì hoạt động khai thác, các hãng hàng không phải tìm cách tối ưu hoá nhằm tăng thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phục vụ người dân đi lại.

Trước tình hình trên, Cục Hàng không chỉ đạo với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay phải chủ động rà soát tổng thể quy trình bảo dưỡng, tối ưu hoá kế hoạch bảo dưỡng, sắp xếp đầy đủ thời gian cho công tác bảo dưỡng tàu bay. 

Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phụ tùng, thiết bị, dụng cụ phục vụ bảo dưỡng tàu bay nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục triệt để hỏng hóc, đảm bảo tàu bay được đưa vào khai thác ở trạng thái tốt nhất.

"Vấp" lệnh triệu hồi động cơ PW1100, đội tàu bay A321NEO của các hãng hàng không "hụt" một nửa- Ảnh 1.

Cục Hàng không yêu cầu tăng cường giám sát công tác bảo dưỡng tàu bay của các hãng. Ảnh: Gia Linh

Tổ chức triển khai và duy trì hoạt động giám sát công tác bảo dưỡng để đảm bảo hoạt động bảo dưỡng được thực hiện đầy đủ, theo đúng quy trình và tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng, các quy định an toàn trong hoạt động bảo dưỡng.

Đảm bảo thực hiện đầy đủ công tác huấn luyện định kỳ đối với nhân viên hàng không, bổ sung các nội dung đã được nhận diện thông qua hệ thống điều tra an toàn vào nội dung huấn luyện. Quán triệt đội ngũ người lái tàu bay triệt để tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình khai thác tiêu chuẩn đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất lợi, nghiêm túc tuân thủ các quy định tại các Chỉ thị an toàn.

Ngoài ra, các cảng vụ hàng không có nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại sân đỗ tàu bay, đảm bảo công tác bảo dưỡng tàu bay được thực hiện bởi nhân viên kỹ thuật có giấy phép, chứng chỉ phù hợp; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác khai thác, bảo dưỡng tàu bay.

"Vấp" lệnh triệu hồi động cơ PW1100, đội tàu bay A321NEO của các hãng hàng không "hụt" một nửa- Ảnh 3.

Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam bị giảm xuống đáng kể. Ảnh: Gia Linh

Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (thuộc Cục hàng không Việt Nam) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bảo dưỡng, khai thác tàu bay, công tác huấn luyện đào tạo đối với người lái tàu bay và nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay.

Siết chặt công tác cấp nhân nhượng (chấp thuận để kéo dài giờ bay của phi công), kịp thời tham mưu đề xuất lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam quyết định thu hồi nhân nhượng đã cấp trong trường hợp phát hiện tình trạng lạm dụng nhân nhượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem