Hàng nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt như thế nào?
Hàng nông sản sang Trung Quốc bằng đường sắt như thế nào?
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 31/12/2021 10:39 AM (GMT+7)
Để tháo gỡ khó khăn cho các xe chở hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu phải có giải pháp thúc đẩy vận tải hàng hóa từ phía Nam, cũng như hàng xuất đi châu Âu bằng đường sắt.
Bộ GTVT đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt nam để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn bằng vận tải hàng đường sắt, nhất là hàng qua biên giới phía Bắc để giảm bớt thiệt hại khi xe container bị ùn ứ tại cửa khẩu.
Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, năm 2021 vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng 34% chỉ tiêu tấn xếp so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa qua ga Đồng Đăng sang Trung Quốc tăng 82%.
Tính riêng trong quý 4/2021, hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường sắt tăng mạnh so với cùng kỳ, ga Đồng Đăng tăng 117% lượt toa xe qua lại, đây là con số ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đường sắt đã tổ chức được các đoàn tàu đi thẳng từ Việt Nam sang châu Âu; sản lượng vận chuyển container liên vận quốc tế tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Đồng thời, mở thêm được các đoàn tàu chuyên tuyến container đến các điểm tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hàng hóa đi bằng đường sắt qua các cửa khẩu chủ yếu là quặng, lưu huỳnh, DAP, hóa chất, hàng điện tử, dệt may, linh phụ kiện, hàng tiêu dùng… Tất cả các loại hóa này đều là hàng xuất nhập khẩu chính ngạch, hàng xuất khẩu bằng hình thức tiểu ngạch không vận chuyển được bằng đường sắt.
Do đó, việc tìm giải pháp sử dụng vận tải đường sắt để chở hàng hoá qua biên giới sẽ góp phần giải tỏa ách tắc vận tải cửa khẩu đường bộ, nhất là các cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc đang bị ùn ứ chưa biết đến khi nào mới thông quan được.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, các cửa khẩu đường bộ đang ách tắc dài trên đường ra cửa khẩu, các bãi xe dã chiến cũng đã lâm vào cảnh quá tải, nhiều xe phải chọn giải pháp quay đầu về tiêu thụ hàng nông sản trong nội địa. Tuy nhiên, hàng hóa qua các ga đường sắt biên giới vẫn thông suốt cho thấy thuận lợi của vận tải đường sắt.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy vận tải hàng hóa từ phía Nam, cũng như hàng xuất đi châu Âu bằng đường sắt.
Đây là cơ hội mở ra cho vận tải đường sắt, do đó, đường sắt phải khẩn trương tạo điều kiện thuận lợi để đường sắt đổi mới, phát triển bền vững. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao ngành đường sắt trong vòng 2 tuần, sau Tết dương lịch có báo cáo đề xuất các giải pháp, cơ chế cụ thể, báo cáo Bộ GTVT để trên cơ sở đó Bộ xem xét tháo gỡ những việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu doanh nghiệp chủ động xây dựng các giải pháp chi tiết nhằm thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến Bắc - Nam và vận tải hàng đi châu Âu. Cùng với đó, rà soát, xác định trong số 298 ga hiện hữu nếu ga nào còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ thì cần làm ngay.
Nghiên cứu mở ga mới trên các tuyến gần các khu công nghiệp, thuận lợi về đường bộ kết nối, mặt bằng rộng, không vướng về giải phóng mặt bằng để làm ga tập kết, trung chuyển hàng hóa. Đường sắt đề xuất cơ chế, hình thức đầu tư, có thể đường sắt tự đầu tư 100%, hoặc liên doanh, liên kết, kêu gọi vốn. Có thể chọn một, hai điểm làm mẫu, thí điểm.
Ngành đường sắt cần nghiên cứu thúc đẩy kết nối hạ tầng đường sắt kết nối với Lào, Trung Quốc, nhất là đường sắt kết nối Lào với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có để đẩy mạnh khai thác hàng quá cảnh từ Lào sang.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.