Hát Xoan, thông điệp văn hoá, tâm linh và vui hội

Thứ ba, ngày 06/08/2013 06:31 AM (GMT+7)
Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đời sống sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước vùng trung du, tập trung chủ yếu trên vùng đất Phú Thọ. Hát Xoan còn được gọi là hát Cửa đình, hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát Thờ.
Bình luận 0

Gốc của Hát Xoan chỉ có ở một số địa phương thuộc Phú Thọ, tương truyền có từ thời các vua Hùng dựng nước. Hát Xoan được tổ chức theo phường Xoan, bao gồm 2-6 nam (kép) trong đó ít nhất phải có 1 kép trẻ, tuổi từ 10-15 và 6-12 nữ (đào). Đứng đầu phường Xoan là một người đàn ông trung niên, thuộc nhiều bài hát Xoan, rành về tục hát Xoan (gọi là ông trùm), để vừa là người hướng dẫn đào kép hát, múa, vừa là người quản lý và giao dịch với các làng mà phường Xoan đến hát.

Bốn phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét (Xã Kim Đức) và An Thái (Xã Phượng Lâu) từ xưa được cộng đồng nhiều làng, xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn vào mỗi dịp hội đình, do đó hát Xoan còn được ghi dấu tại nhiều làng quê khác thuộc tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Đối với người dân Phú Thọ, không có nghệ thuật hát thờ nào linh thiêng và quyến rũ bằng nghệ thuật hát Xoan.

img
Các yếu tố của nghệ thuật hát Xoan

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố: thơ, nhạc, múa, hát... trong đó hát và múa luôn đi cùng và hỗ trợ nhau, dùng điệu múa minh hoạ nội dung cho lời ca, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ như quạt, phách tre, nậm rượu... Bên cạnh đó, hát Xoan còn có sự gắn bó mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc, nhịp điệu thơ và nhịp điệu nhạc, ý thơ và ý nhạc đều có sự thống nhất.

Hát Xoan có 3 kiểu hát (hát nói, hát ngâm ngợi, hát xướng), mỗi kiểu hát có một số nét đặc trưng về giai điệu. Đặc điểm của giai điệu hát nói là sự đồng nhất giữa dấu giọng của lời ca với giai điệu (lời ca của kiểu hát nói thường là thơ 4 hoặc 5 chữ), các quãng trong kiểu hát nói thường là từ quãng 2 đến quãng 5, không bao giờ vượt quá quãng 8. Giai điệu của hát nói không sử dụng nhiều nốt luyến láy mà mộc mạc, giản đơn nhưng dõng dạc, khoẻ khoắn. Trong kiểu hát ngâm ngợi, giai điệu thường mềm mại, uyển chuyển, nhịp tự do, thể hiện tình cảm trữ tình, sâu lắng, có nhiều nốt luyến láy hơn giai điệu hát nói. Còn đối với hát xướng - giai điệu tổng hợp những đặc tính của hát nói và hát ngâm ngợi. Kiểu hát này có nhiều thủ pháp sáng tác được ứng dụng như: nhắc lại, biến tấu, mô phỏng... để phát triển tác phẩm.

Lời ca trong hát Xoan phản ánh khá rõ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ thần. Cùng với nội dung về thần linh, thần quyền, lời ca trong hát Xoan còn đề cập đến vương quyền và một số chủ đề khác như: nghề nông, các tầng lớp sĩ, nông, công, thương và tình yêu đôi lứa... Lời ca trong hát Xoan được cấu trúc theo nhiều thể thơ (4 chữ, 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, tự do...), bao gồm cả thơ dân gian và thơ bác học. Bên cạnh đó, trong hát Xoan còn có hàng loạt những tiếng đưa hơi và tiếng đệm vào câu hát, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt cho loại hình nghệ thuật này.

img

Hát Xoan khi diễn xướng chịu sự chi phối của ngữ điệu tiếng Việt gồm 6 thanh: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và thanh không. Hầu hết các bài hát trong hát Xoan đều là thang 5 âm, bên cạnh đó còn có thang 4 âm và 3 âm.

Hát Xoan chứa đựng nhiều giá trị nổi bật

Ngày 24.11.2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Bali - Indonesia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO đã chính thức ghi danh Hát Xoan vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp".

Theo đánh giá của Hội đồng UNESCO, hát Xoan là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo bởi tính cổ xưa, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá và được cộng đồng gìn giữ qua nhiều thế kỷ, không bị biến mất trong đời sống hiện đại.

Hát Xoan ra đời từ rất sớm, với hình thức ban đầu là nghi lễ thờ vua, cầu mong vua giáng phúc, ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn dân trăm họ. Hát Xoan chứa đựng hai thông điệp về văn hoá, đó là tâm linh (thờ lễ, cầu chúc, khẩn nguyện) và vui hội (trữ tình, giao duyên).

Về mặt nghi lễ, hát Xoan là điệu hát tín ngưỡng thờ Quốc tổ Hùng Vương, cũng là biểu hiện cho tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt. Lời ca hát Xoan nghi lễ thể hiện rất rõ đạo lý Vua - Tôi.

Ngoài phần nghi lễ, hát Xoan còn là tập hợp những điệu hát trữ tình giao duyên, vừa nôm na lại vừa sâu sắc. Trong lễ hội của làng Xoan, sau phần lễ đều có phần vui chơi mà người phường Xoan gọi là "hát chơi bời" (hát đúm, hát đố, hát đối đáp trai gái...) mang dáng dấp của các bài hát dân ca, ví giao duyên... Lời ca của những bài Xoan này thể hiện tình nghĩa vợ chồng, cha con, đồng thời là tiếng nói thể hiện tâm tư, tình cảm, ước vọng, là cầu nối cho sự đoàn kết trong cộng đồng.

Các làn điệu Xoan cổ đều bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở vị trí có địa hình bán sơn địa thuộc địa bàn trung tâm của bộ Văn Lang (thời các vua Hùng dựng nước) - Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự ra đời và tồn tại của các làn điệu và cách thể hiện của hát Xoan. Bên cạnh đó, một số truyền thuyết về hát Xoan hiện còn được bảo lưu chính là ánh xạ về sự hình thành và tồn tại của hát Xoan trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cư dân đất Tổ Hùng Vương.

Hát Xoan được sáng tạo, có bề dày của lịch sử văn hoá và đến nay vẫn còn sức sống trong cộng đồng. Đó là sản phẩm tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, được bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người nông dân và gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Sức sống của hát Xoan chính là tổng hợp của loại hình hát lễ nghi và hát giao duyên, tồn tại lâu dài và được nhiều thế hệ ưa thích, trân trọng, gìn giữ và bảo tồn. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng để loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này được UNESCO đánh giá và vinh danh.

Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy, toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.

Làng Việt (Theo Làng Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem