Trồng thứ cây dại từng mọc lăn lóc ở kênh, một nông dân tỉnh Long An bán trái thu bộn tiền

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 30/07/2020 13:16 PM (GMT+7)
Một thứ cây dại, trái dùng ăn chơi, ăn vặt, mọc ở các kênh mương, nay được anh nông dân Phạm Châu Tuân (xã Hiệp Hòa, Đức Hòa, tỉnh Long An) trồng trong vườn hái trái bán thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Đó là cây cà na.
Bình luận 0

Trước đây, nhắc đến cây cà na, nhiều người nghĩ đến đây là giống cây dại mọc tự nhiên, sống lăn lóc ở vùng đất trũng ven kênh, rạch…Cà na dại cho trái theo mùa, dùng để ăn chơi, ăn vặt.

Mang cây dại từ kênh lên trồng, anh nông dân thu lãi 200 triệu đồng/năm - Ảnh 1.

Anh Phạm Châu Tuân, xã Hiệp Hòa, Đức Hòa, tỉnh Long An thu hoạch cà na.

Nhưng vài năm qua, cây cà na đã được một số nông dân 2 xã Hiệp Hòa, Tân Phú (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đem về trồng trong vườn như cây trồng chính.

Anh Tuân được xem là một trong những nông dân đầu tiên trồng cây cà na tại đây.

Anh Tuân cho biết, cơ duyên đến với cây cà na là từ người quen ở tỉnh Đồng Tháp. Các giống cà na anh đang trồng cũng được lấy từ đây.

Theo đó, tháng 4/2018, anh Tuân bắt đầu chuyển đổi diện tích trồng cỏ của gia đình sang trồng cây cà na. Lúc đầu, anh chỉ trồng 90 gốc cà na trên diện tích 1.000m2.

Sau 1 năm trồng cây cà na, anh nhận thấy cây cà na cho năng suất trái cao, lợi nhuận tốt, ít tốn công chăm sóc.

Từ đó, anh Tuân đã mạnh dạn trồng thêm 400 gốc cà na. Hiện nay, các cây cà na của anh Tuân đang cho trái khá ổn định.

Mang cây dại từ kênh lên trồng, anh nông dân thu lãi 200 triệu đồng/năm - Ảnh 2.

Ngoài bán trái cà na tươi anh Tuân còn bán trái cà na thành phẩm cà na trộn muối ớt.

Anh Tuân tính, mỗi cây cà na cho thu hoạch khoảng 300kg/năm. Với giá bán trái cà na dao động từ 40.000-80.000 đồng/kg, anh lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo anh Tuân, trồng cây cà na không khó, cây cà na chịu hạn tốt, rất ít sâu bệnh, không cần bón nhiều phân, ít tốn chi phí.

Nhưng cây cà na nên trồng thưa, với khoảng cách trồng cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3,5m, để tạo khoảng không cho cây phát triển.

Ngoài bán trái cà ca tươi, anh còn bán thành phẩm từ trái cà na, như: Cà na đập dập và giống cà na.

Trái cà na của anh Tuân được các thị trường, như: Tây Ninh, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre…  rất ưa chuộng bởi trái to, thịt nhiều.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Hòa cho biết, thực hiện theo chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Hội Nông dân huyện đã triển khai trong cán bộ, hội viên nông dân nhiều mô hình, trong đó cây cà na.

Mang cây dại từ kênh lên trồng, anh nông dân thu lãi 200 triệu đồng/năm - Ảnh 3.

Nhiều nông dân tại huyện Đức Hòa giờ đây xem cà na là cây trồng chính.

"Đây là một trong những mô hình khá hiệu quả bởi chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình ra các xã, thị trấn trên địa bàn", ông Hùng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem