Hết cảnh đi làm thuê, hộ nghèo vùng biên Bù Gia Mập có của ăn của để nhờ vốn ưu đãi

Đoàn Văn Chủ nhật, ngày 05/12/2021 13:56 PM (GMT+7)
Bù Gia Mập là huyện biên giới, vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại tỉnh Bình Phước. Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, đời sống người dân nơi đây ngày càng ổn định và có nhiều đổi mới.
Bình luận 0

Tiếp sức hộ nghèo vùng biên Bù Gia Mập

Ngày mới lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng anh Điểu Dốp ở thôn Đăk Son, xã Phú Văn gặp nhiều khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào công việc cạo mủ cao su thuê của 2 vợ chồng anh với thu nhập 6 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, anh Điểu Dốp được Hội Nông dân huyện hỗ trợ xây tặng căn nhà tình thương và 1 con bò giống từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ người nghèo. Năm 2019, anh tiếp tục được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng mua thêm bò, lợn giống để phát triển kinh tế.

Nhờ chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình anh đã phát triển đàn bò lên 4 con, đàn lợn 5 con. Cuộc sống ổn định, vợ chồng anh Dốp có điều kiện lo cho các con ăn học.

Điểm tựa của hộ nghèo vùng biên Bù Gia Mập - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi bò của nông dân huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước được vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH. Ảnh: Trần Trung

"Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và nguồn vốn chính sách, các hộ dân đã có vốn phát triển chăn nuôi rất hiệu quả. Bà con phấn khởi lắm".

Ông Điểu Biên - Tổ trưởng Tổ TKVV

thôn Đăk Khâu, xã Phú Văn

Anh Điểu Dốp phấn khởi: "Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ xây nhà ở, vay vốn nuôi bò, lợn, giờ cuộc sống gia đình tôi đã ổn định. Tôi cảm thấy rất phấn khởi, cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều".

Ngoài chăm sóc gần 2ha điều, vợ chồng anh Điểu Lương ở thôn Đăk Khâu, xã Phú Văn còn chăn nuôi lợn để tăng thu nhập. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn nên quy mô chăn nuôi hạn chế, chỉ giới hạn vài con. Đầu năm 2021, anh được vay 50 triệu đồng từ vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH để đầu tư mua lợn giống, mở rộng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình anh đã có hơn 30 con lợn thịt với 4 giống lợn khác nhau. "Chăm sóc điều theo mùa vụ, có thời gian rảnh nên tôi muốn nuôi thêm đàn lợn để có thêm thu nhập. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn mua con giống, mở rộng chuồng trại nên việc chăn nuôi thuận lợi, kinh tế gia đình cũng khá hơn" - anh Điểu Lương cho biết.

Nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đã kịp thời giúp người dân trên mảnh đất vùng biên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Điểu Biên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đăk Khâu, xã Phú Văn chia sẻ: "Mặt bằng chung về điều kiện kinh tế người dân ở đây còn rất khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và nguồn vốn chính sách, các hộ dân đã có vốn phát triển chăn nuôi rất hiệu quả. Bà con phấn khởi lắm".

Đẩy lùi "tín dụng đen"

Để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập đã thực hiện giải ngân thông qua 164 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận cơ sở thôn, ấp; ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc cũng được ngân hàng và các tổ chức, đoàn thể quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt. Vì vậy, chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ chiếm 0,22% tổng dư nợ.

Tất cả đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Thực tế cho thấy, nguồn vốn mang lại hiệu quả khả thi, giúp bà con tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống, với lãi suất ưu đãi. Đồng thời góp phần hạn chế rất lớn việc người dân phải tìm đến tín dụng đen, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập - Vũ Thị Minh cho biết: Tính đến tháng 11/2021, đơn vị đã giải ngân cho người nghèo vay với dư nợ 281 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân hơn 88,4 tỷ đồng cho 1.137 hộ nghèo, cận nghèo vay và gần 21 tỷ đồng cho các hộ mới thoát nghèo; hơn 67,1 tỷ đồng cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.

Ngân hàng CSXH còn triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo các Chương trình 134, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo khó khăn về nhà ở; cho vay đầu tư nước sạch, vệ sinh môi trường; vốn cho vay học sinh sinh viên; thương nhân vùng khó khăn…

"Vốn chính sách không chỉ giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, quan trọng hơn còn là điểm tựa để người dân yên tâm, không tìm đến nguồn "tín dụng đen" tiềm ẩn nhiều rủi ro, hậu quả khó lường"- bà Minh nhấn mạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem