Góp kiến cho diễn đàn "phạt xe máy không chính chủ", bạn đọc Phillipe Vương đề xuất: Việt Nam nên học tập các nước văn minh, các nước tiên tiến về quản trị xã hội.
"Ở Vương quốc Bỉ, nơi tôi đang sống, bạn có thể bán xe nhưng không được bán biển số. Nếu bạn đã có 1 biển số xe thì khi bán, bạn sẽ tháo biển mang về hoặc khi đi mua thì mang biển đến lắp vào. Khi bạn đang sở hữu biển số xe thì đồng nghĩa với việc bạn phải nộp các loại phí và bảo hiểm, không cần biết bạn hiện có xe hay không.
Và khi bạn thay biển vào xe mới, bạn ra Ủy ban (commune) nộp hồ sơ để họ biết chiếc biển đó đang gắn với xe nào. Trường hợp bạn không sử dụng xe nữa thì ra commune trả lại biển.
Ảnh minh họa
Và ngược lại, lần đầu tiên có xe thì ra commune mua biển số xe mới. Như vậy sẽ giả quyết được xe chính chủ hay không chính chủ. Và việc mượn xe nhau là vô tư, chứ không phải như ở VN ta, không quản được việc sang tên đổi chủ thì quay ra quy định phạt, không cho mượn xe" - đề xuất của bạn đọc Phillipe Vương.
Cùng chung ý kiến này, độc giả Nguyễn Văn Tình (tinh.nguyen.van@....) cho rằng, đưa ra quy định phạt xe máy không chính chủ là do các cơ quan chức năng khá lúng túng khi không thể đưa ra giải pháp đồng bộ.
Theo độc giả Tình, vấn đề sang tên đổi chủ là đúng và cấp bách để quản lý thông tin về phương tiện và chủ sở hữu. Tạm thời chưa nói đến việc mượn xe để đi tạm, chỉ nói đến vấn đề sang tên đổi chủ thì quá nhiều bất cập như thuế trước bạ cao, thủ tục rườm rà, xác nhận của địa phương các loại, rồi người mua không thực hiện sang tên.
"Do đó, nên học tập một số nước quản lý theo biển số trên từng cá nhân. Mỗi người khi đăng ký xe lần đầu sẽ được cấp 1 biển số (có thể cả xe máy và ô tô, chỉ khác nhau về kích cỡ biển cho phù hợp).
Người sở hữu biển đó sẽ bảo quản và sử dụng, khi họ bán xe thì chỉ bán cái xe chứ giữ lại cái biển số. Các thủ tục hành chính sẽ tiến theo hướng này, khi họ mua xe mới hoặc xe khác thì chỉ cần gắn cái biển của họ lên là chạy thôi" - độc giả Tình đề xuất. Xe mà không có biển thì người mua xe không sang tên và lắp biển khác thì làm sao có thể lưu thông được, chưa nói đến việc cái biển số nó gần như 1 cái số CMND các thông tin cần kiểm tra sẽ rất nhanh chóng và chính xác.
Bạn đọc Dũng (Dung_acb55@... ) góp thêm: "Tôi ủng hộ việc phạt xe không chính chủ để góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, quy định vẫn còn vướng mắc một số trường hợp sẽ không thực hiện được việc sang tên, cụ thể
Người có xe ở Cà Mau nhưng mang biển số Hà Nội (do mua lại qua nhiều đời chủ) - vậy theo quy định thì chủ xe này muốn sang tên thì phải ra nơi xe được đăng ký để rút hồ sơ về sang tên là phải ra Hà Nội để nộp hồ sơ. Thiết nghĩ trong đời một người ở miền Nam có vô số người khi lớn lên rồi già cũng chưa ra Hà Nội một lần dù là đi tham quan. Nên có cái xe họ không thể nào đi ra Hà Nội sang tên được.
Như vậy quy định chưa được thông thoáng lắm vì sẽ còn một số xe không sang tên được thì khi bị phạt rất oan cho họ."
Nên bỏ quy định phạt xe không chính chủ?
Gửi ý kiến đến diễn đàn, bạn đọc Thai Doan Liem (thailiemdhbk@....) tranh luận, cá nhân tôi cho rằng, chuyện sang tên đổi chủ là đúng, nhưng quy định còn nhiều vấn đề chưa sát thực tế. Ví dụ nhà tôi 3 người dùng chung một xe. Vậy thì giờ phải làm sao để cả 3 có thể đi mà không bị phạt?
Có nhà khác mua xe ở tỉnh khác về giờ biết tìm chủ xe đó ở đâu để xác nhận. Theo tôi để đơn giản hơn, người mua xe chỉ cần cầm giấy đăng ký của xe đó và chứng minh thư của mình lên làm lại đăng ký chính chủ của mình có phải đơn giản hơn không?
Bạn đọc Đỗ Ngọc Sinh đặt vấn đề, tôi chưa có tiền mua xe, khi cần công việc tôi có thể mượn xe của bạn cùng cơ quan. CSGT kiểm tra xe không chính chủ thì sẽ xử lý thế nào?
Ý kiến khác cũng thắc mắc, nếu bạn tôi không có xe phải mượn xe tôi đi thì tôi phải đi sang tên chuyển nhượng xe cho bạn tôi?
Bạn đọc Lê Nguyên Văn thì ví von, xe máy thời nay có khác gì xe đạp thời xưa. Xe máy đã có đăng kí, lại phải chính chủ, gây bao nỗi phiền hà. Chỉ cần kiểm tra CMND người dùng, bằng lái, bảo hiểm.
Nguyễn Hiền (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.