Hiệp Hòa – Bắc Giang: “Kích cầu” sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Việt Tùng Thứ sáu, ngày 06/04/2018 09:35 AM (GMT+7)
Tháo gỡ khó khăn, hộ trợ “kích cầu” nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, nhằm tăng chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập cho người dân… Đó là mục đích của buổi gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…
Bình luận 0

Hướng đi đúng

Ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, huyện đã xác định sẽ tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC vào 5 nhóm sản phẩm gồm: Rau củ quả thực phẩm sạch, chất lượng cao (dưa lưới giống Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số loại rau ăn lá như cải raubina, rau cần VietGAP); sản phẩm chăn nuôi (lợn, gà, cá thịt sạch theo hướng hữu cơ); giống gia cầm; nấm các loại và hoa (hoa lan trang trí và hoa lan làm thuốc).

img

Nắm bắt được xu thế, HTX Đồng Tâm 3 đang mong muốn mở rộng thêm diện tích để tăng sản lượng đáp ứng cho những hợp đồng lớn.

Ông Thịnh cho biết thêm, sở dĩ huyện tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, ngoài đây là xu thế chung của cả thế giới, huyện còn có lợi thế là giáp ranh với Hà Nội, Bắc Ninh, nơi có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp rất lớn, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn.

Trước đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh năm 2018. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ tổng số 26 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng là 67.287m2 với các loại cây trồng gồm: Rau, hoa, quả.

Trong đó, Hiệp Hòa có 3 mô hình, gồm HTX nông nghiệp hữu cơ Quang Minh (thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh), diện tích 3.000m2, được hỗ trợ 400 triệu đồng; HTX nông nghiệp sạch Văn Minh (thôn Giữa, xã Đoan Bái), diện tích hơn 2.100m2, được hỗ trợ 300 triệu đồng; hộ gia đình ông Đỗ Văn Công (thôn Sơn Quả, xã Lương Phong), diện tích hơn 2.000m2, được hỗ trợ 300 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ thực hiện theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 8.12.2016 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Tổng kinh phí các mô hình của huyện Hiệp Hòa được hỗ trợ là 1 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn

img

Lãnh đạo huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) gặp gỡ, đối thoại với hơn người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Sau khi triển khai, một số hộ dân và doanh nghiệp đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hộ dân, doanh nghiệp phải triển, chiều 3.4, UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã tổ chức buổi gặp gỡ và đối thoại với hơn 20 hộ dân, chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, tại buổi đối thoại, người dân, chủ doanh nghiệp đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nông nghiệp nói chung và việc thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng CNC nói riêng. Hầu hết tất cả những câu hỏi đã được ông Phạm Văn Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa và ông Ngô Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa trả lời.

Ông Vũ Tiến Trường, HTX nông nghiệp CNC Anh Thư, ở thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân cho biết, năm 2017 anh được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà màng. Hiện nhà màng của anh đang phát huy hiệu quả, theo đó, trung bình mỗi ngày anh ký với các đối tác cung ứng khoảng 1 tấn rau, củ, quả. Tuy nhiên, khó khăn của HTX là thiếu vốn, thiếu nguồn đất để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, để nghị huyện hỗ trợ.

Trả lời câu hỏi của ông Trường, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa – Phạm Văn Thịnh cho biết, về quy mô huyện đã có chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. “Huyện sẵn sàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng diện tích, quy mô sản xuất bằng cách thuê lại đất của người dân, hoặc thuê lại với chính quyền xã, huyện. Tuy nhiên, huyện vẫn khuyến khích các hộ, doanh nghiệp nên phát triển theo hướng liên kết với người dân theo hương “góp đất” để sản xuất. Có như vậy việc phát triển nông nghiệp mới bền vững và có ý nghĩa” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, HTX nông nghiệp Đồng Tâm 3 cho biết, HTX đc thành lập hơn 1 năm nay, với tổng diện tích là 14 mẫu: “Sau 1 năm đưa KHCN vào sản xuất, tôi nhận thấy đây là chủ trương, hướng đi đúng đắn, nó đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, làm tăng giá trị. Hiện đối tác rất lớn, nhưng chúng tôi chưa thể đáp ứng, do quy mô còn nhỏ, nên đành “tuột mất” các hợp đồng lớn” – ông Nghiệp chia sẻ.

Tương tự như ông Trường, ông Nghiệp cũng đang gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng diện tích, song chưa kêu gọi được các hộ có cùng chí hướng để phát triển sản xuất. “Việc triển khai dồn điền đổi thửa là cơ hội để chúng ta có thể dồn để để sản xuất lớn. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, trong việc đứng trung gian làm “trọng tài” để các hộ dân có thể góp đất cùng sản xuất, hoặc cho thuê lại đất, có như vậy thì mới có được diện tích lớn” – ông Nghiệp bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Ngô Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, người phụ trách mảng nông nghiệp cho biết, quan điểm của huyện là luôn ủng hộ người dân, ủng hộ về chủ trương, quy hoạch, định hướng, kinh phí, trong đó có việc hỗ trợ người dân tích tụ đất đai để mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quang, thôn Bảo An, xã Hoàng An cho biết, cho biết hiện ông đang trồng 2 vạn nấm sò và 1 vạn mộc nhĩ, năm ngoái gia đình ông được huyện hỗ trợ một nhà lạnh. “Năm nay tôi đang muốn mở rộng thêm diện tích nên mong huyện hỗ trợ kinh phí để mở rộng thêm diện tích nhà lạnh, thay nhà xưởng bằng gỗ, sang nhà khung sắt và xây mới một lò hơi” – ông Quang đề nghị với lãnh đạo huyện Hiệp Hòa.

Về vấn đề này, ông Dũng đồng ý huyện sẽ hỗ trợ để ông Quang có thể mở rộng diện tích nhà lạnh, cũng như làm lại nhà xưởng. Còn lò hơi, ông Dũng đề nghị ông các bộ phận chuyên môn kiểm tra, xây dựng kế hoạch và tham mưa để lãnh đạo huyện duyệt.

img

Ông Vũ Tiến Trường, HTX nông nghiệp CNC Anh Thư, thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân (Hiệp Hòa, Bắc Giang) kiểm tra rau trước khi xuất bán.

Tiềm năng rất lớn

Hiện nhiều sản phẩm là “đặc sản” của Hiệp Hòa đã và đang người tiêu dùng lựa chọn và có được chỗ đứng trên thị trường. Trong đó phải kể đến rau cần Hoàng Lương. Tính đến nay, xã Hoàng Lương có khoảng 160ha rau cần, trong đó có 50ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với cho năng suất bình quân 1,8 tấn/sào/lứa, giá trung bình 5.000 – 7.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 9 – 11 triệu đồng/sào/lứa (70 ngày). Không chỉ tiêu thụ trong nước, thời gian dần đây rau cần Hoàng Lương còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc để là Kim Chi. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn hạn chế, song đã và đang mở ra một hướng đi mới, một thị trường mới cho loại cây trồng ưa nước này.

Tương tự, cây bưởi ở xã Lương Phong đang được sản xuất theo hộ gia đình, với tổng diện tích sản xuất ổn định hơn 70ha hiện đang cho thu hoạch; năng suất bình quân gần 24.500 quả/ha, với giá bán bình quân 17.000 đồng/quả, cho thu nhập hơn 415 triệu đồng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và các biện pháp đồng bộ, đến nay, huyện Hiệp Hòa đã có không ít tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng); HTX nông nghiệp CNC Anh Thư (xã Thanh Vân); HTX Trường Thành (xã Danh Thắng)… Trong đó, HTX Trường Thành (xã Danh Thắng) là một trong các HTX có đầu tư rất bài bản, với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi khép kín của với tổng đàn 1.800 con, sản lượng xuất chuồng khoảng 20 tấn/tháng.

Sản phẩm thịt lợn hữu cơ của HTX được bán tại 7 siêu thị địa bàn Hà Nội và các trường mầm non trên địa bàn với giá trung bình 200.000 đồng/kg. HTX còn có sản phẩm thịt hun khói, giò, nem phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hay hộ anh Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng nuôi gà sinh sản (gà đẻ và ấp trứng) với tổng đàn 20.000 con gà bố mẹ ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý thức ăn, môi trường, tự động điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng chuồng nuôi và lò ấp trứng.

Mỗi ngày anh Vượng xuất bán khoảng 8.000 con gà con, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm… Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác trên địa bàn huyện cũng đang được quan tâm đầu tư như sản xuất một số loại rau ăn lá (cải raubina, rau cần VietGAP), nuôi gà, cá theo hướng hữu cơ, sản xuất nấm (nấm sò, mỡ, linh chi, mộc nhĩ, nấm đùi gà)...

img

Thịt lợn hữu cơ của HTX Trường Thành, xã Danh Thắng  (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Với lợi thế và tiềm năng lớn, huyện Hiệp Hòa đang kỳ vọng sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp CNC của tỉnh, nhằm phục vụ cho nhu cầu trong tỉnh và các vùng lân cận.

Ông Phạm Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết để đạt được các mục tiêu trên huyện sẽ tập trung cao hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, quy trình giám sát chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, động viên, trao đổi giữa lãnh đạo huyện và chủ mô hình để cùng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tháo gỡ vướng mắc. Cùng đó, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp CNC; tích cực phối hợp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tư vấn quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem