Hòa Bình: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 trồng cà gai leo, trồng cây ăn quả, tạo việc làm cho cả xóm

Xuân Tuấn - Hà Hoàng Thứ hai, ngày 16/08/2021 19:02 PM (GMT+7)
Từ số vốn ít ỏi ban đầu, sau gần 20 năm gây dựng cơ nghiệp tại xóm Bu Chằm (xã Thịnh Minh, TP. Hoà Bình), ông Đỗ Văn Chiến đã tạo được vườn trồng bưởi, mít. Ông còn trồngcà gai leo, xây dựng xưởng chế biến cà gai leo, làm miền dong mang lại công ăn việc làm cho gần như cả xóm.
Bình luận 0

Clip: Vườn cây ăn quả và vườn trồng cây cà gai leo của ông Đỗ Văn Chiến, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 đến từ xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Ngôi biệt thự bề thế dưới chân núi Tản là cơ ngơi của gia đình ông Đỗ Văn Chiến ở xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). 

Ông Chiến được biết đến là một nông dân dám nghĩ, dám làm. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, đến nay, sau hơn 20 năm bới đất lật cỏ, ông và gia đình đã tạo dựng được trang trại bưởi và cây thảo dược rộng ngút ngàn. 

Ông còn được biết đến là một "giám đốc" của 2 cơ sở chế biến miến dong và chế biến cà gai leo lớn nhất TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình.

Trang trại tiền tỷ dưới chân núi Tản

Sau mấy lần liên lạc, chúng tôi mới có dịp gặp ông Chiến-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 (đại diện cho nông dân tỉnh Hòa Bình, 1 trong 63 nông dân được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021) . 

Ông Chiến có dáng người cao gầy và tác phong nhanh nhẹn. Lần đầu gặp ông, không ai nghĩ ông là một nông dân đích thực. 

Giọng nói nhẹ nhàng, thái độ bình thản, nom ông nhàn hạ như một giáo viên nghỉ hưu nơi quê nhà thì đúng hơn. Vậy mà khi nói đến việc trồng cây, làm kinh tế ở đất Thịnh Minh, không ai có thể theo kịp được người đàn ông chịu thương, chịu khó này.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 2.

Với kinh nghiệm trồng cây ăn quả nhiều năm, vườn bưởi Diễn của ông Chiến sai trĩu quả. (Ảnh: Hà Hoàng).

Chưa kịp tan tuần trà, ông Chiến đã khoe: "Vừa rồi dân ghép bưởi Hưng Yên đã lên mua 2 vạn bưởi Diễn của tôi (bưởi non để ghép bưởi cảnh). Bưởi Diễn mới to bằng cái bát con, họ mua sạch với giá 9.000đ/quả. Bán sớm quá ngon, chẳng phải lo tiêu thụ bưởi vào cuối năm nữa". 

Nghe ông Chiến nói đến vạn quả bưởi cứ nhẹ tựa lông hồng. Ngoài vườn nhà ông còn có mấy nghìn cây bưởi và cả nghìn cây mít Thái nữa. 3 khu đất của ông Chiến rộng hơn 40ha đã được phủ xanh bởi bưởi và cây thảo dược.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, ông Chiến như cao hứng hơn. Cứ mỗi khi đi chăm cây, hay thu hoạch bưởi, ông đều có tâm trạng rất tốt. 

Dường như cây cối gắn với ông như một duyên phận. Quê ông ở huyện Đan Phượng (Hà Nội). Duyên phận đưa đẩy, ông lại sống ở xóm Bu Chằm – vùng đất của người Mường dưới chân núi Tản. 

Xuất thân là con nông dân, được ở xứ sở miệt rừng ông lấy làm vui lắm. Sẵn ở quê có giống bưởi Diễn trân quý, ông đã mua cả mấy nghìn gốc lên trồng ở đất Mường. 

Thấy ông làm việc này, nhiều người cho ông là hâm dở. Bởi lẽ đất này vốn chỉ trồng sắn, trồng ngô, dong giềng chứ có ai trồng bưởi bao giờ đâu.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 3.

Dưới tán vườn bười Diễn, ông Đỗ Văn Chiến trông xen cà gai leo và lắp đặt hệ thống nước tưới tự động, để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. (Ảnh: Hà Hoàng).

Mặc những lời ra vào, ông Chiến vẫn ngày ngày đánh trần ra đào hố trồng cây. Những cố gắng không biết mệt mỏi, ông Chiến và các thành viên trong gia đình đã biến khu vườn hoang thành trang trại bưởi Diễn lớn nhất TP. Hoà Bình. 

Sau 4 năm đánh vật với đất, vườn bưởi bắt đầu cho quả bói. Trái với suy nghĩ ban đầu của mọi người, bưởi Diễn trồng ở đất Mường cũng rất ngon. Không những vậy, nó còn cho sai quả và cây ít sâu bệnh. 

"Trồng được bưởi mừng một, ông lại lo tìm chỗ tiêu thụ. Thương lái nói đến bưởi Diễn trồng ở đất Mường là họ không thèm mua. Tôi phải lo đi tìm mối tiêu thụ. Đến đâu, tôi cũng thuyết phục khách hàng ăn thử bưởi. Từ một vài người khách ban đầu, đến giờ, trang trại của tôi lại trở thành địa chỉ quen thuộc của thương lái...", ông Chiến nhớ lại.

"Bưởi Diễn có thể để được mấy tháng không hỏng. Đặc biệt là vườn bưởi của tôi, thu tháng 11, nhưng có thể để đến tháng 3, tháng 4 năm sau mà chất lượng bưởi vẫn đảm bảo", ông Chiến chia sẻ thêm.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 4.

Hàng ngày, ông Chiến đều xuống vườn chăm sóc thảo dược cà gai leo và vườn bưởi Diễn. (Ảnh: Hà Hoàng).

Vườn bưởi Diễn nghìn cây, nom cây nào cũng cứng cáp và xòe tán rộng. Quả sai sum suê. So với mọi năm, vụ bưởi năm nay bưởi không được mùa, nhưng mỗi cây vẫn cho vài chục quả. Với nghìn cây bưởi Diễn, ông Chiến cũng thu được vài trăm triệu trong tay. 

Không dừng lại ở việc trồng bưởi, ông Chiến còn luôn trăn trở làm sao tận dụng hết nguồn đất của gia đình. Nói đi đôi với làm, ông Chiến đã tìm được cây trồng ưng ý, mang lại lợi ích kép trên cùng một diện tích.

Trồng cà gai leo dưới tán bưởi cho thu lợi kép

Vườn bưởi mấy nghìn cây cho thu nhập đều đặn là khoản thu không nhỏ với gia đình ông Chiến. Vườn bưởi dần khép tán, nhưng việc làm cỏ vô cùng vất vả. 

Mỗi khi mùa mưa đến, cỏ mọc um tùm, ken kín gốc bưởi, khiến việc phát cỏ tốn rất nhiều công. 

Một lần tình cờ, ông đọc được thông tin về cây cà gai leo. Thứ cây thảo dược này sống rất khỏe và cho thu nhập tốt, ông Chiến đã mạnh dạn mua giống về trồng xung quanh gốc bưởi.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 5.

Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn cà gai leo của ông Chiên xanh tươi tốt. (Ảnh: Hà Hoàng).

Sau 3 tháng, cây cà gai leo phát triển tốt. Thay vì phải phát cỏ như trước, ông Chiến lại thu được một khoản không nhỏ từ cây cà gai leo. 

Lần trồng thử nghiệm này, mang lại hiệu quả ngoài mong đợi của ông Chiến. Ông đã mạnh dạn nhân rộng mô hình ra 2ha. 

"Cây cà gai leo có sức sống mãnh liệt. Chúng mọc theo bụi, lên cao 60-1m là bắt đầu thu hoạch. Mỗi 1ha, một năm thu 3 - 4 lần, tổng sản lượng khô thu được `10 tấn, với giá bán 40.000đ/1kg, như vậy mỗi ha thu được 400 triệu đồng. Trừ chi phí mất khoảng 150 triệu đồng. Trong khi đó, vườn bưởi mình vẫn thu được mà lại không phải phát cỏ".

Với 7ha bưởi, ông Chiến đang dự định sẽ tiếp tục trồng cây cà gai leo quanh gốc. Cây cà gai leo sống khỏe và dễ bán. 

Từ cách làm của ông Chiến, các hộ gia đình trong xóm cũng lấy giống về trồng. Hiện toàn xã Thịnh Minh có khoảng 12ha trồng cà gai leo. So với những cây lương thực khác, cây cà gai leo cho thu nhập cao hơn. 

Ngoài ra, lợi ích của cây cà gai leo là trồng một lần thu tới 6-10 năm. Hiện sản lượng cà gai leo của xã rất lớn, ông Chiến đã mạnh dạn xây nhà xưởng, mua máy cắt và máy sấy để sơ chế cà gai leo.

Nếu như những năm đầu, ông Chiến thu cà gai leo phải băm bằng tay và phơi nắng, mất rất nhiều công. Từ ngày có xưởng sơ chế, ông Chiến đã tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng cà gai leo cho bà con nông dân. Ông đóng bao lớn, các công ty dược đến khuân sạch.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 7.

Hiện, cây cà gai leo khô được ông Chiến bán tại xưởng với giá 40.000đ/1kg. (Ảnh: Hà Hoàng).

Không dừng lại ở việc phát triển kinh tế của gia đình, ông Chiến còn giúp đỡ những hộ dân trong xóm còn khó khăn bằng hình thức bán phân bón trả chậm cho 40 hộ gia đình là 120 tấn phân NPK từ đầu năm đến cuối năm thu hoạch mới trả. 

"Từ mô hình kinh doanh trồng trọt của gia đình tôi đến nay đã trao đổi kinh nghiệm cho 30 hộ xóm, và nhân rộng mô hình trồng cây cà gai leo để làm thuốc ra các xóm trong xã tạo thành nguồn thuốc của cả vùng 12ha, hơn nữa tôi luôn tạo điều kiện cùng nhau phát triển kinh tế nhiều lao động có công ăn việc làm ổn định", ông Chiến cho biết.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 8.

Sản phẩm cà gai leo của ông Chiến chế biến đến đâu được thương lái mua hết đến đó. (Ảnh: Hà Hoàng).

Xây dựng thương hiệu miến dong hữu cơ

Sau nhiều năm tạo dựng cơ ngơi ở đất Mường, ông Chiến dường như không ngơi nghỉ chân tay. 

Xuất thân là con nông dân, nên ông luôn trăn trở làm sao mang lại thu nhập cho bà con nơi đây. Bà con sống ở Bu Chằm trồng dong riềng rất nhiều. Mỗi năm bán đi vài nghìn tấn. Giá củ dong quá bèo. 

Tư thương lúc mua, lúc bỏ, không phải lúc nào bà con cũng bán được nông sản. Nỗi vất vả của bà con nông dân nơi đây luôn canh cánh việc tiêu thụ sản phẩm. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Chiến cứ băn khoăn, phải tìm cách nào đó giúp bà con tiêu thụ nông sản.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 9.

Ông Đỗ Văn Chiến đã đầu tư vốn liếng xây dựng xưởng chế biến cà gai leo và miếng dong. (Ảnh: Hà Hoàng).

Ông Đỗ Văn Chiến đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn đầu tư mua máy chế biến tinh bột sắn, dong riềng. 

Sắm máy về, ông gặp muôn vàn bỡ ngỡ. Từ việc sơ chế đến chế biến, cho ra sản phẩm miến và bột sắn là cả một quá trình. 

Chế biến miến cũng đòi hỏi những kĩ năng nhất định, làm sao để sợi miến giữ được hương vị tự nhiên mà ăn phải mềm và thơm. Biết bao lần ông đổ bột đi rồi làm lại mới cho ra được thành phẩm. 

«Mỗi lần thất bại là tôi rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình. Cái khó là làm ra sản phẩm rồi tìm nơi tiêu thụ là cả vấn đề », ông Chiến cho biết. 

Mỗi năm cơ sở của ông Chiến thu mua khoảng 2.000 tấn củ tươi cho ra đời khoảng 400 tấn miến.

Thời gian đầu, ông đi khắp nơi tiếp thị miến. Thứ miến dong, chế biến hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất được ông mang đi bán khắp các vùng. Nơi nào có nhu cầu là ông tìm đến gửi và giới thiệu hàng. 

Miếng ngon nhớ lâu, từ vài hộ tiêu thụ miến lác đác, đến giờ thương lái đã coi cơ sở chế biến miến dong hữu cơ của ông thành địa chỉ quen thuộc để lấy hàng. Dịp cuối năm, ô tô nối đuôi nhau về Bu Chằm ăn hàng.

Trồng cây ăn quả, thảo dược trên 1 diện tích đất, lão nông lãi tiền tỷ - Ảnh 10.

Ông Chiến vui mừng khi miến dong được say nhuyễn cho chất lượng tốt. (Ảnh: Hà Hoàng).

Miến bán được, ông lại tiêu thụ được nhiều nguyên liệu dong giềng cho bà con. Việc làm miến này qua nhiều công đoạn, hiện máy móc đã hỗ trợ rất nhiều, nhưng người làm phải nắm rõ quy trình và kiểm soát chặt chẽ khâu an toàn thực phẩm mới giữ được khách. 

Sau mỗi năm, thị trường lại thay đổi, người làm phải luôn đảm bảo được chất lượng, mới có cơ hội tiêu thụ hết mấy trăm tấn miến. 

Hiện cơ sở của tôi mới chỉ tiêu thụ được một phần rất nhỏ sản lượng dong riềng của xã. Tôi luôn có ước mơ cháy bỏng là mở hẳn một nhà máy sản xuất miến để tiêu thụ nông sản cho bà con, ông Chiến chia sẻ.

Với quyết tâm và sự nhiệt huyết của ông Chiến, tôi tin rằng, trong tương lai không xa, người nông dân này sẽ biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Và hiện tại, ông đã và đang làm được điều đó. Những ước mong của ông thật đáng quý và trân trọng.

Mỗi năm cơ sở chế biến miến dong của ông Chiến cho ra thị trường 110 tấn thành phẩm. Năm 2019, cơ sở chế biến miến dong Chiến Thọ được các cơ quan chức năng đã đạt sản phấm OCOP, 3 sao năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem