Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài cuối): Liên kết theo chuỗi là đòi hỏi tất yếu

Anh Thơ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 25/07/2021 20:01 PM (GMT+7)
Theo ông Tống Xuân Chinh (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần có biện pháp tận dụng tốt nguồn phụ phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi...
Bình luận 0
Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài cuối): Liên kết theo chuỗi là đòi hỏi tất yếu - Ảnh 1.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Ảnh: NNVN.

Theo ghi nhận từ cuối năm 2020 đến nay, giá TĂCN tăng quá cao, ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất của nông dân, nhất là trong bối cảnh giá gia cầm, giá lợn hơi đang giảm. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá TĂCN tăng cao? Liệu có tình trạng đầu cơ để đẩy giá lên cao không?

- Trong thời gian qua, giá nguyên liệu TĂCN tăng cao dẫn đến giá thức ăn thành phẩm cũng tăng do những nguyên nhân chính như sau: Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn, nhất là các nguyên liệu chính như ngô, khô dầu đỗ tương, lúa mì…

Chi phí sản xuất tăng cao, thiếu nguồn lao động tham gia để sản xuất dẫn đến sản lượng sụt giảm. 

Chi phí logistic tăng cao do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TĂCN trung bình chi phí vận chuyển tăng 200 - 300% so với bình thường. 

Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang đầu cơ nông sản làm đẩy giá một số mặt hàng ngũ cốc lên cao.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tăng thu mua ngũ cốc phục vụ sản xuất chăn nuôi trong nước sau thời gian dài ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 tại một số tỉnh của Brazil làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này; nhu cầu dùng cồn ethanol để sản xuất xăng sinh học của Mỹ và các nước trong khu vực tăng cao làm thiếu hụt nguồn ngô làm TĂCN.

Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài cuối): Liên kết theo chuỗi là đòi hỏi tất yếu - Ảnh 2.

Nông dân Nam Định tự phối trộn thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí. Ảnh: Trần Quang

Việt Nam phải chi 6 tỷ USD để nhập nguyên liệu TĂCN (ngô, đậu tương), sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến chúng ta khó kiểm soát giá. Điều này có phải là nghịch lý khi Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng vẫn nhập ngô, đậu tương với lượng lớn?

- Ngành TĂCN của Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường, bị tác động của quy luật cung-cầu, quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế rất sâu, rộng ở nước ta khi tham gia 16 hiệp định tự do thương mại, trong đó có 2 hiệp định tự do thế hệ mới là CPTTP và RCEP. 

Nước ta là một nước nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương... đây là chuyện kinh doanh bình thường ở góc độ quốc tế.

Hóa giải thách thức ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (bài cuối): Liên kết theo chuỗi là đòi hỏi tất yếu - Ảnh 3.

Như mặt hàng ngô, năm 2020, nước ta nhập khẩu tổng số gần 10 triệu tấn cho cả chăn nuôi và thủy sản, trong khi trong nước chỉ sản xuất được 3 triệu tấn giành làm TĂCN. 

Nước Mỹ có tổng diện tích thu hoạch ngô năm 2020 là 201 triệu ha, đạt tổng sản lượng 346 triệu tấn với năng suất bình quân 10,7 tấn/ha/năm, trong khi cả nước ta mới có 942.000ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha/năm, đạt tổng sản lượng 4,56 triệu tấn. 

Từ số liệu này cho thấy ngô của Việt Nam không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu cả về giá, chất lượng và sản lượng để sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản.

Trong dự thảo đề án phát triển ngành chế biến TĂCN đề cập một thực tế, chúng ta vẫn lãng phí nguồn phụ phẩm nông nghiệp rất lớn. Theo ông, chúng ta cần tận dụng nguồn lợi này thế nào?

- Nước ta không có đồng cỏ tự nhiên mênh mông như các nước Bắc Mỹ, Úc, New Zealand hay châu Âu. Nhưng bù lại nước ta có tiềm năng lớn về phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến TĂCN.

Theo các định mức kinh tế, kỹ thuật của dự án điều tra sinh khối nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2018 và số liệu thống kê năm 2020, cả nước có khoảng trên 66 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và 23,5 triệu tấn phụ phẩm chế biến nông sản có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Trong phụ phẩm nông nghiệp thì rơm lúa chiếm tới 65% (tương đương 43 triệu tấn).

Đây là một tiềm năng lớn cho ngành chăn nuôi gia súc ăn có nếu áp dụng công nghệ tiến tiến trong thu gom, bảo quản và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp này làm TĂCN.

Theo ông cần có những giải pháp gì để phát triển ngành chế biến TĂCN hiệu quả?

- Chính quyền địa phương cần mở rộng diện tích trồng cỏ, cây TĂCN trong nước, như ngô sinh khối làm TĂCN cho gia súc ăn cỏ, trong đó ưu tiên chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả và phần lớn diện tích cây vụ đông ở miền Bắc, miền Trung sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ; khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ gắn với trồng, chế biến cỏ, phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn; điều chỉnh cơ cấu các loại vật nuôi hợp lý.

Các doanh nghiệp sản xuất TĂCN và người chăn nuôi trong nước tăng cường các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu TĂCN. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong nước giảm thiểu thấp nhất phụ thuộc nhập khẩu. 

Người chăn nuôi tăng cường tham gia các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp sản xuất TĂCN để thu hẹp các khâu trung gian nhằm giảm giá TĂCN khi đến tay người chăn nuôi.

Các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhập khẩu nhập đủ nguyên liệu sản xuất TĂCN với giá cả cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp, ứng dụng công nghiệp cao, khép kín chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem