Hầu như tất cả các loại hình nghệ thuật đều chung một xuất xứ, chung một nơi khai sinh từ ngàn xưa là nền văn minh lúa nước rất đặc trưng Việt Nam. Từ đó mới có điêu khắc đình chùa, mới có các dòng dân ca. Có cả một nền văn hóa ứng xử kéo dài cho đến tận ngày nay.
Hội họa cũng không nằm ngoài tiến trình này, cho dù người Pháp đã mở Trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1923 để dạy hội họa phương Tây, nhưng ngay từ những khóa đầu đã có khoa sơn mài và lụa. Điều đó đủ thấy sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật truyền thống.
|
Họa sĩ Đào Hải Phong |
Hội họa đương đại Việt Nam có lẽ có một đời sống phong phú hơn cả. Có quá nhiều phong cách và khuynh hướng sáng tạo, đồng hành cùng các trào lưu tạo hình ngoài biên giới. Nhất là các họa sĩ được trưởng thành sau thời kỳ đổi mới. Họ sáng tác theo một tư duy mới, ngôn ngữ tạo hình mới, ngay cả cách sống của họ cũng đã khác xưa nhiều lắm.
Ấy vậy mà, có một điều thật thú vị là phần lớn họ, trong thẳm sâu tâm hồn, vẫn tồn tại một người “nhà quê” hồn nhiên, không trang điểm. Điều này, tinh ý một chút sẽ tìm thấy ngay trên tác phẩm của họ. Chỉ dừng lại ở một họa sĩ đã thành danh thôi, cũng đã có một thí dụ thuyết phục.
Họa sĩ Đào Hải Phong chẳng hạn. Anh là một họa sĩ không còn trẻ nữa nhưng chưa đến tuổi già. Sớm nổi tiếng vì sớm tìm được cho mình một phong cách riêng. Anh có một bảng màu chẳng giống ai, thích sử dụng những màu nguyên rực rỡ.
Vốn có một kỹ thuật vững vàng cộng với sự nhạy cảm tinh tế của một chàng trai sinh ra ở Hà Nội, Đào Hải Phong chọn cho mình một cách diễn giải hội họa đi từ cái phi lý để đến sự hợp lý - không gian trong tranh anh đầy tính ước lệ, bầu trời đỏ, cây đỏ, những ráng chiều tím ngắt, tất cả sắc màu đều quá lên để tìm đến sự nhịp nhàng của khối hình cùng ánh sáng chuyển động. Đây là yếu tố tâm lý rất hiện đại. Nhưng ngắm kỹ sẽ thấy câu chuyện khẽ khàng của sơn mài, của lụa, thậm chí của các dòng tranh Bờ Hồ thuở nào.
Hình như người “nhà quê” trong Đào Hải Phong vẫn kín đáo lên tiếng, nhất là ở những bức phong cảnh đồng quê của anh mà chúng tôi giới thiệu ở đây. Một miền quê của những giấc mơ, không rõ không gian, không rõ thời gian, nhưng rõ hơn cả là trĩu nặng một cõi bình yên.
Trịnh Tú
Vui lòng nhập nội dung bình luận.