Nghệ sĩ - khán giả, mối tri âm tri kỷ hay quan hệ "đào mỏ"?
Nghệ sĩ - khán giả, mối tri âm tri kỷ hay quan hệ "đào mỏ"?
Nhật Lệ
Thứ sáu, ngày 21/05/2021 15:23 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ và khán giả - ai “nuôi” ai là câu chuyện đang được xới lên mấy ngày qua. Tuy nhiên, mối quan hệ liên đới giữa nghệ thuật và văn hóa thưởng thức khó có thể diễn tả bằng ngôn từ bình dân kiểu “nuôi” hay “không cần ai nuôi”, mà chính là nuôi dưỡng tâm hồn cho người xem, nuôi dưỡng cảm hứng cho người sáng tạo.
Trên một diễn đàn diện rộng, MC Kỳ Duyên gây tranh cãi khi chia sẻ quan điểm "khán giả không nuôi nghệ sĩ" để đáp trả một luồng dư luận khác chỉ trích giới nghệ sĩ và cho rằng, những nghệ sĩ được khán giả "nuôi" nổi danh, thành công nhưng khi cần họ lên tiếng thì lại im lặng.
Câu nói của Kỳ Duyên gây bão trên mạng và nhận được 10.000 bình luận chỉ sau một đêm, chính là: "Chúng ta nói khán giả nuôi nghệ sĩ thì điều đó chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, nói chung là chỉ ngậm miệng ăn tiền". Cũng theo lời Kỳ Duyên, nếu nghệ sĩ mang công sức để đánh đổi đồng tiền của khán giả thì đây là sự trao đổi dựa trên sức lao động của đôi bên.
Bài viết nhận nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có nhiều người chỉ trích Kỳ Duyên là vô ơn, coi thường khán giả. Trước áp lực quá lớn này, nữ nghệ sĩ phải xin lỗi và nói lại cho rõ nhưng vẫn không thể dập tắt lửa giận của đám đông.
Chuyện sẽ chẳng có gì phải tranh cãi nếu nhìn vào mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng không phải dựa trên quan hệ mua và bán, mà là quan hệ biết ơn và tri ân. Nếu không có khán giả, có lẽ, những nghệ sĩ tài ba nhất cũng phải bỏ nghề hoặc vẫn theo đuổi sáng tác nhưng chấp nhận sống cuộc đời khốn khó, để đời sau còn có người hiểu, biết đến tác phẩm và tư tưởng của mình.
Nghệ sĩ được công chúng đón nhận thì sản phẩm của họ được tiêu thụ tốt, mang lại cho họ tiền và danh lợi. Thời nay còn có cả dòng fan hâm mộ đuổi theo sau, sẵn sàng bay đến nơi họ diễn, mua những gì họ quảng bá. Chỉ cần dựa vào mức độ nổi tiếng, lượt người xem đông trên mạng, họ được mời quảng cáo trên trang cá nhân, được mời đi dự nhiều sự kiện và rủng rỉnh tiền mua sắm nhà cửa, xe xịn.
Tuy nhiên, không hẳn một tác phẩm bán chạy lại mang giá trị nghệ thuật cao, cũng như không hẳn nghệ sĩ nổi tiếng đích thực lại được sống cuộc đời vương giả. Những nghệ sĩ nổi tiếng vượt thời đại thường là những người có đời sống chật vật, khó khăn, nhiều năm sau khi họ qua đời hoặc thậm chí thế kỷ sau mới được công nhận tài năng. Thế nhưng khi xem một tác phẩm, giá trị nhân bản của nó có thể thức tỉnh cả nhân loại, thì đó là một kiệt tác vô giá và công chúng vô cùng biết ơn khi được thụ hưởng giá trị đó. Đồng thời, những nghệ sĩ sẵn sàng lên tiếng vì công bằng xã hội, bảo vệ lương tri con người khi cần, là những tượng đài trường tồn trong lòng khán giả.
Ngược lại, nghệ sĩ vô cùng biết ơn khi được khán giả yêu mến, sẵn sàng dõi theo và hỗ trợ họ trên mọi chặng đường, kể cả khi cảm hứng cạn kiệt, bị tụt dốc, khủng hoảng. Đó còn là mối quan hệ "đồng âm", tri âm tri kỷ, không thể thiếu lẫn nhau, là hạnh phúc cũng như nguồn cảm hứng cho nghệ sĩ.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời đại đồng tiền ngự trị, có nhiều chuyện mà chính nghệ sĩ lại vô tình hay cố ý làm tổn thương khán giả. Không phải ngẫu nhiên khi hàng loạt nghệ sĩ vừa được chỉ tên, quảng cáo trên trang cá nhân những sản phẩm chữa bách bệnh, từ ung thư đến suy tim, thận… mà không hề kiểm chứng, gây hại gián tiếp cho người xem.
Bên cạnh "thần dược", họ còn quảng cáo các loại tiền ảo và tiền mã hóa. Họ cũng phải tạo chiêu trò để lôi kéo người xem trên mạng xã hội vì càng nhiều lượt share, like, comment, họ càng bỏ túi tiền tỷ với sự chào mời của đủ loại thương hiệu sản phẩm.
Không hiểu khi xem lại những "viên uống tiểu đường", "viên sủi trị đau dạ dày", thậm chí trị cả khối u, các nghệ sĩ đó có cảm nhận một nỗi đau và thất vọng sâu sắc của bệnh nhân nếu chẳng may mua các loại thuốc mà họ quảng cáo đó, tiền mất, tật mang? Hoặc giả khi rủ rê làm giàu bằng tiền ảo, họ có nghĩ một khi mình không hiểu biết mà xúi người khác làm đại thì hậu quả sẽ ra sao?
Lừa dối khán giả là một tội danh khó rửa nếu không biết hổ thẹn và quay đầu hối lỗi. Họ thiếu trách nhiệm trước khán giả và trước tên tuổi của chính mình. Danh tiếng mà họ có được cũng chẳng khác tiền ảo, hay thuốc giả, chỉ qua một đêm có thể bay mất tăm.
Vậy mà để gìn giữ danh tiếng đó, sau khi vụ việc vỡ lở, đa số chọn sự im lặng, thay vì đứng ra xin lỗi khán giả. Một vài nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi đáng lẽ nên được khuyến khích thì nhận lại chỉ trích từ đồng nghiệp.
Lúc này, từ khán giả "nuôi" nghệ sĩ lại đúng, vì hóa ra khán giả là "con cò" được vỗ béo, là "mỏ" vàng để một bộ phận nghệ sĩ thu lợi bất chính.
Biết cảm ơn và nhận ơn là cách ứng xử văn hóa cần có giữa nghệ sĩ và công chúng. Ở đây, cả hai đều là người "cho" và "nhận" chứ không phải chỉ riêng mình nghệ sĩ.
Thế nên khi phủ nhận không có ai "nuôi" mình, nghệ sĩ vô tình phủ nhận lòng biết ơn và tri ân khán giả, phủ nhận sức mạnh của cộng đồng giúp họ tìm thấy giá trị và tài năng của mình. Thiếu đi sự tôn trọng khán giả, họ sẽ không nhận lại được sự kính trọng đáng có và mất luôn cả cái danh hão nghệ sĩ trước làn sóng tẩy chay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.