Bộ NNPTNT cho biết, sau 2 năm tổ chức thí điểm việc đào tạo nghề nông nghiệp theo hình thức cấp thẻ tại Thanh Hóa và Bến Tre giai đoạn 2010 – 2012, đã cấp thẻ cho 10.299 lao động nông thôn và đã có 9.758 lao động được đào tạo học nghề. Trong đó, thẻ màu đỏ (diện gia đình chính sách nghèo) chiếm khoảng 40%; thẻ màu xanh (gia đình nghèo và cận nghèo) chiếm gần 5%; thẻ màu vàng (gia đình nông thôn bình thường) chiếm khoảng 56%. Do các ngành nghề đào tạo đều gắn với đặc trưng sản xuất nông nghiệp của 2 địa phương nên đã có khoảng 90% lao động được đào tạo đều có việc làm sau khi hoàn thành khóa học.
Người lao động áp dụng kịp thời kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, tăng được năng suất cây trồng, vật nuôi; ổn định thị trường nâng cao thu nhập và góp phần quan trọng vào việc ổn định sản xuất. Tại Bến Tre, các ngành nghề như kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa, cacao, các loại cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuyền trưởng tàu cá hạng nhỏ... đã thu hút rất đông người tham gia. Với tỉnh Thanh Hóa, các nghề kỹ thuật trồng mía, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng dưa hấu, trồng lúa năng suất cao, trồng nấm, nuôi cua đồng; các nghề thú y, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, quản lý khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường... được nhiều học viên đăng ký tham gia.
Đào tạo nghề theo hình thức cấp thẻ có nhiều ưu việt hơn so với hình thức đào tạo không sử dụng thẻ. Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hình thức cấp thẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề có thêm sự lựa chọn nghề học phù hợp với thực tế và lựa chọn cơ sở đào tạo có chất lượng.
Ngoài ra, hình thức này còn có tác dụng thúc đẩy sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề giữa các cơ sở đào tạo.
Diệu Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.